Bà cụ lớn tuổi nhất thế giới - bà Kane Tanaka đã đón sinh nhật lần thứ 118 trong viện dưỡng lão ở Fukuoka, Nhật Bản. Bà cụ không phàn nàn gì về sức khỏe của mình. Nhưng trong danh sách những người sống thọ nhất thế giới bà cụ Tanaka chỉ đứng thứ ba - sau cụ bà Sarah Knauss, người Mỹ (thọ được 119 tuổi) và cụ bà Jeanne Calment, người Pháp (thọ được 122 tuổi).
Bà cụ lớn tuổi nhất thế giới - bà Kane Tanaka đã đón sinh nhật lần thứ 118 trong viện dưỡng lão ở Fukuoka, Nhật Bản
Theo tính toán của một nhóm chuyên gia chống lão hóa quốc tế, giới hạn tuyệt đối của tuổi thọ con người là 120-150 năm. Họ đã xây dựng mô hình những thay đổi trong cơ thể con người theo thời gian. Mô hình này dựa trên dấu hiệu sinh học của sự lão hóa - số lượng hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu trong cơ thể.
Sau khi phân tích thông số này và những dữ liệu khác về tuổi tác và sức khỏe của gần nửa triệu người (sử dụng dữ liệu từ ngân hàng sinh học của Anh và Chương trình khảo sát nghiên cứu sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Mỹ NHANES), các nhà khoa học đã xác định chỉ số về trạng thái của con người - DOSI (chỉ thị về trạng thái động của sinh vật - dynamic organism state indicator).
Chỉ số này thường tăng từ khi sinh ra đến 20 tuổi và không thay đổi cho đến khoảng 50 tuổi. Sau đó, chỉ số này tăng trở lại. Hơn nữa, con người càng mắc nhiều bệnh thì DOSI càng cao. Các tác giả của ngiên cứu rút ra kết luận rằng, chỉ số DOSI phản ánh tốc độ lão hóa của con người.
Chỉ số DOSI bị ảnh hưởng bởi bệnh tật và trạng thái mệt mỏi căng thẳng, nhưng, sau đó nó quay trở lại mức độ đặc trưng của tuổi tác.
Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu tốc độ mà chỉ số này trở lại mức cũ. Chỉ số DOSI đã được nghiên cứu trên bốn trăm người Nga tương đối khỏe mạnh. Hóa ra, tốc độ giảm dần theo tuổi tác, người được khảo sát càng lớn tuổi thì thời gian ổn định lại càng lâu. Nói cách khác, cơ thể càng khó đối phó với căng thẳng bên trong và bên ngoài. Và khi cơ thể không thể làm điều này nữa, con người chết. Các nhà khoa học ước tính rằng, tuổi thọ tối đa là 120 năm.
Cặp đôi lớn tuổi
© Depositphotos.com / Tomwang
Tuy nhiên, sau khi các tác giả nghiên cứu tính đến các thông số khác - đặc biệt là mức độ hoạt động thể chất (được đánh giá bởi thiết bị theo dõi thể dục), giới hạn đã tăng đến 150 năm.
Tốc độ không thay đổi
Các nhà khoa học của Đan Mạch, Mỹ và Anh cũng đưa ra kết luận tương tự sau khi phân tích bảng tỷ lệ tử vong trong quần thể người và một số loài linh trưởng. Hóa ra, quá trình lão hóa của con người cũng giống như động vật diễn ra với một tốc độ nhất định, và tốc độ này hầu như không thể bị ảnh hưởng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu tuổi thọ của sáu loài linh trưởng từ những lục địa khác nhau và chín quần thể người. Trong đó có dữ liệu về những người sống từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 và hai quần thể người săn bắn hái lượm hiện đại. Các tác giả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các đại diện của một loài sống trung bình càng lâu thì họ chết càng đồng bộ - ở cùng độ tuổi. Có nghĩa là sự gia tăng tuổi thọ sớm hay muộn dẫn các loài linh trưởng (bao gồm cả con người) đến giới hạn sinh học.
Dựa trên dữ liệu thu được, các nhà khoa học đã xây dựng mô hình toán học về tỷ lệ tử vong ở mỗi quần thể. Những thay đổi trong các thông số như tử vong trẻ sơ sinh và tử vong không có bệnh lý nền không ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ. Nhưng, tốc độ già hóa làm thay đổi đáng kể chỉ số này.
"Các tác giả của nghiên cứu đã nhận được các bằng chứng thực nghiệm cho giả thuyết về tốc độ lão hóa giống nhau. Giả thuyết này giả định rằng, trong khuôn khổ một loài sinh vật sống, xác suất chết ở một độ tuổi cụ thể không thay đổi. Tất cả những điều này cho thấy rằng, có những giới hạn sinh học cơ bản trong việc thay đổi tốc độ lão hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những tiến bộ y học trong tương lai có thể khắc phục được giới hạn sinh học này hay không", - Alexey Vlasov, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Cơ chế Phân tử của Lão hóa và Các bệnh Tuổi già thuộc Đại học Vật lý Kỹ thuật Matxcơva (MIPT) nói với Sputnik.
Theo nhà khoa học, có hơn một trăm giả thuyết khác nhau về lão hóa, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ về những cơ chế ở cấp độ phân tử.
"Chúng tôi tại Đại học MIPT đang tích cực nghiên cứu các vấn đề lão hóa từ quan điểm cơ chế phân tử. Không có giải pháp nào để dừng lại tiến trình lão hóa. Nhưng, con người có thể chống lại các bệnh tuổi già, ít nhất là cải thiện chất lượng cuộc sống", - nhà khoa học giải thích.
Quay ngược thời gian
Tuy nhiên, hai năm trước, các nhà khoa học Mỹ cho biết rằng, họ có thể tác động đến các yếu tố biểu sinh (không mã hóa trong DNA) liên quan đến quá trình lão hóa. Đây là một phát hiện tình cờ. Các nhà khoa học đã cố gắng cải thiện hoạt động của tuyến ức - cơ quan bạch huyết nguyên phát chuyên biệt của hệ thống miễn dịch, mà các tế bào của cơ quan này dần dần được thay thế bằng mô mỡ theo tuổi tác. Để làm được điều này, trong thời gian một năm, 9 tình nguyện viên từ 51-64 tuổi đã được cho uống một loại cocktail chứa hormone tăng trưởng và thuốc chống đái tháo đường.
Đúng như dự đoán, trong máu của các tình nguyện viên đã tăng lên số lượng tế bào lympho T do tuyến ức sản xuất. Tuy nhiên, song song với điều đó, trong quá trình thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người tham gia thí nghiệm trở thành trẻ hơn tuổi thật khoảng hai năm. Ở đây nói về tuổi biểu sinh được xác định bởi số lượng nhãn methyl trên DNA. Số lượng nhãn methyl càng cao, con người càng già đi và cận kề cái chết.
Theo các nhà khoa học, trong 9 tháng đầu tiên trong cuộc thí nghiệm, quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn so với thông thường, sau đó quá trình trẻ hóa tăng nhanh. Sáu tháng sau khi kết thúc cuộc thí nghiệm, những người tham gia vẫn giữ được độ tuổi sinh học mới.