Bước tiến đột phá của ngành Y tế
Chiều 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia.
Cùng dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và đại diện các cơ sở y tế tại tuyến huyện trên toàn quốc qua kết nối hệ thống Telehealth.
Telehealth là hệ thống dùng để kết nối 30 bệnh viện trung ương (tuyến trên) với các bệnh viện tuyến dưới với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Hệ thống do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020 với mục tiêu ban đầu là “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Có thể nói đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế.
Tuy nhiên, nhờ hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hệ thống đã được triển khai khẩn để góp phần vào các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.
Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp. Phát biểu tại buổi ra mắt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:
“Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn hơn 300 huyện, tức là khoảng 45%, nhưng đa phần là các huyện khó khăn. Thủ tướng hỏi, có thể làm nhanh được không, tôi xin phép trả lời sau khi tham vấn Cục Viễn thông và các doanh nghiệp. Tình huống là rất khẩn cấp, cần làm rất nhanh. Tôi cũng không ngờ là Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm trong 2 ngày, nhưng thực tế là 2,5 ngày thì xong, tức là ngày thứ Sáu 6/8/2021, thì 100% các trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương. Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này. Kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế, được thực hiện trong 2,5 ngày”.
Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.
Tại sự kiện, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ TP.HCM, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.
Sau khi xem dữ liệu di chuyển của cư dân qua hệ thống công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo một số địa phương tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
‘Mỗi sáng ra, chúng ta cũng rất phấn khởi khi có thêm nhiều người được cứu chữa’
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết qua kiểm tra, việc đưa nền tảng Telehealth vào hoạt động hết sức có ý nghĩa với công tác điều trị, giúp tuyến dưới có thêm kiến thức, đội ngũ y bác sĩ cùng người bệnh tự tin hơn trong điều trị. Quan trọng nhất là kịp thời tận dụng “giờ vàng” cứu chữa người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, từ đó, giảm tối đa các ca tử vong. Thủ tướng chia sẻ:
“Mỗi sáng ra, chúng ta cũng rất phấn khởi khi có thêm nhiều người được cứu chữa. Mỗi chiều lại, chúng ta rất buồn, rất xót xa khi nghe tin có thêm nhiều người mắc bệnh”.
Về lâu dài, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ sớm, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, công tác phòng chống dịch lần này là chưa có tiền lệ với chủng Delta lây lan rất nhanh, rất mạnh, diễn biến dịch bệnh khó lường, nguy hiểm. “Vạn sự khởi đầu nan”, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, bổ sung, mở rộng dần, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc để khắc phục, xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Thủ tướng nêu quan điểm:
“Dịch bệnh lây lan không phân biệt ranh giới, địa phương, quốc gia, dân tộc. Vì thế, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch”.
Với mục tiêu cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm số ca tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp.