Theo nhà báo, Lầu Năm Góc trong khi đang sa lầy trong bộ máy quan liêu, với tư duy chính trị hóa và thiển cận, hiện đang phải đối phó với Trung Quốc, nước đang gia tăng sức mạnh quân sự, không sợ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Đồng thời, cách xử sự của Washington tương tự như cách hành xử của Đệ Tam Cộng hòa Pháp trong thập niên 1930, cây bút chuyên mục của tạp chí nhận định.
Cai trị Paris trong thời kỳ giữa các cuộc chiến lúc đó là giới tinh hoa thuộc tầng lớp tài phiệt, những người đã chọn con đường "bình định" thay vì chống lại một nước Đức đang ngày càng hùng mạnh, Rossomando viết.
Chính quyền Pháp khi đó đã phản đối chiến lược cho phép quân đội nước này có thể tấn công và đánh bại quân đội Đức quốc xã. Tác giả tin chắc rằng những người lính của nền Đệ Tam Cộng hòa khi ấy đã mất tinh thần như người Mỹ ngày nay. Sự thất bại nặng nề của Pháp vào tháng 6 năm 1940 đã khiến cả thế giới chấn động, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ thực dân ở châu Phi và Đông Nam Á. Trên lý thuyết, quân đội Pháp là một trong những lực lượng mạnh nhất châu Âu, nhưng sự kém cỏi của các chỉ huy, cũng như sự chia rẽ, phân cực và chính trị hóa của Lực lượng vũ trang Pháp, đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực chống trả sự xâm lược từ Đệ tam Đế chế (Đức quốc xã), bài báo viết.
"Các tướng lĩnh và đô đốc Mỹ vẫn giữ nguyên các chiến thuật và chiến lược từ thế kỷ 20 như trước. Họ giống như quân đội Pháp khi xưa, tham chiến vào năm 1940 mà vẫn sử dụng các phương pháp lỗi thời của Chiến tranh thế giới thứ nhất", - bình luận viên khẳng định.
Theo ông, Hoa Kỳ đang trở thành "con hổ giấy" giống như Pháp đứng trước hành động xâm lược của phát xít Đức năm đó. Nếu Washington không thực hiện những biện pháp quyết liệt để cải cách các mắt xích chỉ huy lực lượng vũ trang, thì Mỹ sẽ phải hứng chịu thất bại quân sự tồi tệ nhất kể từ thời diễn ra Chiến dịch Philippines năm 1941-1942, Rossomando kết luận.