Theo London, việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu không ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của đất nước. Chính phủ Anh đã hình thành một khái niệm tổng thể gọi là "Nước Anh toàn cầu". Trong những vùng địa lý ưu tiên, ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu, còn có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thách thức tổng thể ở đây là duy trì vai trò quan trọng của Anh trong chính trị và thương mại thế giới. Và như các bạn đã biết, trung tâm kinh tế chính trị thế giới ngày nay đều nằm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong quá trình chuyển hướng về «phía đông Suez», London dựa vào mối quan hệ lịch sử với một số quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Ấn Độ, Singapore và Malaysia, những nước từng là thuộc địa của Anh. Cũng cần lưu ý Anh vẫn là một bên đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tham gia G7 và G20.
Ngoài ra, hiện nay Vương quốc Anh và ASEAN liên kết với nhau bằng các mối quan hệ kinh tế khá rộng rãi. Thương mại của Anh với các nước ASEAN đã vượt 52 tỷ đô la vào năm 2019, và số tiền đầu tư từ Anh vào các nền kinh tế hàng chục quốc gia khu vực lên tới 28,6 tỷ đô la. Nhưng London hy vọng nhiều hơn thế. Đặc biệt, họ muốn bán vũ khí, kỹ thuật do Anh sản xuất cho các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. London cũng xem xét nghiêm túc việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Mối quan hệ đối tác giữa Anh với ASEAN sẽ mang lại những gì?
Tất nhiên, đối với các nước ASEAN, quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư với Anh là mối quan tâm lớn. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học cũng có thể có tầm quan trọng, bởi vì trong những lĩnh vực này, Anh chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm trước đây của ASEAN với Vương quốc Anh đã khẳng định điều này. Một thông cáo từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54, công bố vào tuần trước, cho biết:
“Chúng tôi đã đồng ý cấp cho Vương quốc Anh tư cách Đối tác Đối thoại của ASEAN, dựa trên mối quan hệ của nước này với ASEAN, cũng như sự hợp tác và gắn bó trước đây với ASEAN khi nước này còn là thành viên Liên minh Châu Âu”.
Tuy nhiên, có vẻ như khía cạnh chính trị - quân sự cũng đã được tính đến khi trao cho Vương quốc Anh tư cách Đối tác đối thoại. Những ngày này, các tàu hải quân Anh cày nát vùng biển Đông, ủng hộ chính sách bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực này. Rõ ràng, một số nước Đông Nam Á coi Anh là đối trọng với Trung Quốc. Và London không giấu giếm sự thật họ đã sẵn sàng cùng với Hoa Kỳ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược An ninh Quốc gia của Vương quốc Anh cũng mô tả Trung Quốc là “đối thủ”.
Khía cạnh này của quan hệ đối tác ASEAN-Anh không thể không gây lo ngại. Lợi ích của London trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương về cơ bản khác với các nước ASEAN. Chính quyền Anh từ lâu đã coi mình là đồng minh trung thành của Mỹ nên sẽ luôn sát cánh cùng Washington trong các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, giới thượng lưu Anh vẫn luôn nhớ về thời đế chế thuộc địa, khi hầu hết châu Á đều phụ thuộc vào London. Với sự hiện diện quân sự thường trực ở Biển Đông và London có những kế hoạch như vậy, cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ ngày càng gay gắt và cơ hội cho sự phát triển hòa bình, ổn định sẽ giảm đi.