Hồi tháng 6, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm «Atmaca». Tên lửa được phóng từ tàu hộ tống lớp «Ada» mới nhất TCG Kınalıada, cũng do các nhà đóng tàu địa phương hạ thủy. «Atmaca» là tên lửa diệt hạm tầm xa có độ chính xác cao, có thể dùng trang bị trên thuyền tuần tra, tàu hộ tống và dự kiến sẽ thay thế cho tên lửa «Harpoon» do Mỹ chế tạo dành cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng giảm phụ thuộc vào NATO
Trong những năm gần đây, Ankara đã tăng cường nỗ lực sản xuất các loại vũ khí: đại bác, tên lửa, xe tăng và tàu chiến. Điều đó cho phép đất nước này trở nên tự chủ hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng, đồng thời biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nước xuất khẩu vũ khí, - quan sát viên nhận xét.
Từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu nền công nghiệp-quân sự đồ sộ và tương đối mạnh, cho phép sản xuất nhiều loại vũ khí bộ binh khác nhau theo giấy phép của các nhà sáng chế nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số mấy quốc gia được cấp phép lắp ráp tiêm kích chiến đấu cơ F-16.
Theo đánh giá của quan sát viên, lý do khiến Ankara tập trung vào việc phát triển các thiết bị quân sự của riêng mình, là bởi lệnh trừng phạt mà các đối tác trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương áp đặt. Ngoài ra, ông Benjamin Brimelow cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng khả năng của quân đội còn vì ở bên một quốc gia mạnh hơn nhiều trong khu vực là Nga, vốn đã khẳng định tầm ảnh hưởng thế lực ở Biển Đen. Thúc đẩy điều này còn bởi yếu tố Washington đã loại Ankara ra khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm, và Berlin miễn cưỡng nhận hiện đại hóa đội xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ, - tác giả bài báo viết.
«Tình trạng tranh chấp với các nước láng giềng và khúc mắc với các đồng minh NATO đã đẩy Ankara đến ý tưởng cho rằng có thể tìm ra giải pháp riêng của Thổ Nhĩ Kỳ cho một số vấn đề gắn với tổ hợp công nghiệp-quân sự», - tác giả kết luận.