Hà Nội hóa giải băn khoăn về độ an toàn trong xét nghiệm Covid-19
Thành phố Hà Nội đang triển khai xét nghiệm với quy mô lớn ở nhiều nơi và những đối tượng có nguy cơ cao để chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã lấy được 191.633 mẫu, số đã có kết quả là 72.959 (gồm 8 mẫu dương và 72.951 mẫu âm) và 118. 674 mẫu chưa có kết quả.
Hiện tại là đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 9/8 đến 17/8, ngành y tế Hà Nội tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
Đặc biệt, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, vừa giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến việc xét nghiệm Covid-19 thời gian vừa qua, hoá giải nhiều băn khoăn về độ an toàn cho người dân.
Trong kế hoạch tách F0 ra khỏi cộng đồng, dự kiến ngày hôm nay (12/8), toàn thành phố tiếp tục lấy thêm 65.000 mẫu cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao để xét nghiệm sàng lọc. Sau đợt cao điểm, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế chỉ đạo đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ định dịch tễ.
Chuyên gia Trần Đắc Phu: 'Không nên lạm dụng test nhanh Covid-19'
Ngày 11/08, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã có những khuyến cáo đối với việc test nhanh Covid-19.
Theo chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo không nên lạm dụng test nhanh kháng nguyên, chỉ thực hiện tại khu vực nguy cơ cao, số ca nhiễm nhiều; bệnh nhân đang có triệu chứng tiến triển như sốt, ho...
Hiện tại, nhiều địa phương, doanh nghiệp, cả người dân đang sử dụng test nhanh kháng nguyên để tìm ca nhiễm trong cộng đồng. Phó giáo sư Phu nêu quan điểm:
"Tôi đề nghị không lạm dụng test nhanh kháng nguyên, việc sử dụng cần theo chỉ định dịch tễ".
Việc xét nghiệm Covid-19 hiện được thực hiện theo 2 hình thức, gồm xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR).
Trong đó, xét nghiệm PCR nhằm xác định chính xác được người bệnh đã nhiễm virus hay chưa và được thực hiện đối với một người có các dấu hiệu hoặc khi không có triệu chứng. Còn xét nghiệm nhanh kháng nguyên dùng để tìm người nhiễm virus nCoV và sàng lọc trong một cộng đồng.
Chuyên gia Trần Đắc Phu giải thích, việc test nhanh cho kết quả nhanh, chỉ sau 15-30 phút nhưng chỉ có khả năng phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đang có nồng độ virus cao tại hầu họng.
Riêng với những người nhiễm biến thể biến thể Delta hiện nay, có nồng độ virus cao ở thời gian đầu nhiễm bệnh (ngày thứ 2 đến ngày thứ 7), khi đó dùng test nhanh kháng nguyên có khả năng phát hiện chính xác hơn.
Còn sau ngày thứ 7 đến ngày thứ 14 hoặc sau ngày thứ 14 đối với cá biệt người nhiễm có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày, nồng độ virus giảm nên độ chính xác không còn cao, thậm chí không phát hiện được và như vậy bỏ sót người nhiễm bệnh tại cộng đồng.
Chính vì thế, Phó giáo sư cho hay:
"Tôi cho rằng chỉ nên sử dụng test nhanh kháng nguyên tại khu vực nguy cơ cao, có số ca nhiễm nhiều; trường hợp bệnh đang tiến triển (như sốt, ho...) vì lúc này tải lượng virus trong người nhiễm lớn".
Ông Phu cho biết, tại khu vực nguy cơ rất cao như khu phong tỏa có số ca nhiễm nhiều, cần thực hiện test kháng nguyên nhanh, vì kết quả có ngay sau 15-30 phút, không cần phải trang thiết bị và phòng xét nghiệm phức tạp và cũng có thể xét nghiệm tại nhà. Đặc biệt nhanh chóng phát hiện được các trường hợp F0.
Đồng thời, nguyên tắc áp dụng các hình thức xét nghiệm là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người làm dịch tễ và nhân viên xét nghiệm. Áp dụng các phương pháp xét nghiệm nào cho hợp lý cần theo chỉ định dịch tễ và thống nhất với nhân viên xét nghiệm. Chuyên gia nhấn mạnh:
"Với lý do trên, tôi khuyến cáo cần sử dụng test kháng nguyên nhanh một cách hợp lý để phục vụ tốt công tác phòng chống dịch tránh gây lãng phí tốn kém".