Theo Sở Y tế TP.HCM, 2 ổ dịch mới phát sinh thuộc địa bàn quận 5 với hơn 100 ca dương tính được xác định.
Ngày 10 và 11/7, sau khi phong tỏa hẻm và lấy mẫu tầm soát trên 117 mẫu, cơ quan y tế phát hiện thêm 7 ca dương tính.
Ngày 2/8, người dân trong con hẻm này được lấy mẫu tầm soát lần 3 với 135 mẫu, phát hiện thêm 41 ca. Ngày gần nhất, 8-8, ghi nhận thêm 9 ca dương tính trong khu phong tỏa.
Đối với ổ dịch hẻm 57 Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5, ghi nhận 36 ca dương tính. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 28-7 qua xét nghiệm tầm soát. Cơ quan chức năng đã phong tỏa toàn bộ con hẻm này và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ngay sau đó.
Xét nghiệm lần đầu vào ngày 29/7 có 165 mẫu, lần 2 vào ngày 7-8 với 300 mẫu. Đến ngày 8-8, thêm 34 ca dương tính.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 29 ổ dịch, tất cả đều được theo dõi và kiểm soát, bao gồm 2 ổ dịch chợ, 23 ổ dịch khu dân cư, 1 ổ dịch công ty, khu công nghiệp, 1 ổ dịch cơ sở y tế và 2 ổ dịch ở quận 5 đang theo dõi.
Theo HCDC, tính đến 8h ngày 12/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 30.988 người, trong đó có 9.963 trường hợp F0 mới và 21.025 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F1 được cách ly tại nhà là 12.019 người.
HCDC khuyến cáo người dân nên tuân thủ các quy định khi thực hiện giãn cách xã hội; thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K; học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe khi thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà.
TP.HCM xem xét cho bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh tình nguyện chống dịch
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn gửi giám đốc Sở Y tế về tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, chủ tịch UBND TP yêu cầu giám đốc Sở Y tế phối hợp cùng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP khảo sát tại cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trên cơ sở đó, sở tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân COVID-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong hệ thống 5 tầng.
TP cũng yêu cầu giám đốc Sở Y tế tham mưu việc vận động các bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành quá trình điều trị tham gia tình nguyện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của TP (công việc tham gia thực hiện, chế độ hỗ trợ...).
Đồng thời, Sở Y tế cũng tham mưu việc quản lý, cập nhật kịp thời thường xuyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của từng cơ sở tiếp nhận điều trị để thực hiện tốt quy trình phân loại, điều chuyển và điều trị hiệu quả các bệnh nhân COVID-19 , đặc biệt là các bệnh nhân nặng.
Trước đó, theo Tổ điều phối nhân lực phòng, chống dịch COVID-19, TP.HCM cần bổ sung hơn 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch.
Do số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng đang gia tăng, TP rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị từ tầng 2 đến tầng 5; đặc biệt rất cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
Do đó, tổ điều phối nguồn nhân lực kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục huy động nhân lực từ các tỉnh thành, địa phương hỗ trợ cho TP, trong đó tập trung lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng làm hồi sức để phục vụ công tác điều trị tại các bệnh viện tầng 4 và tầng 5.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện bộ ngành, trung ương và các tỉnh thành tiếp tục tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 đến khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát, không rút nhân sự nhưng có thể cử nhân sự thay thế luân phiên.
Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng tham gia bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, điều tra, truy vết, xét nghiệm và tổ chức tiêm ngừa vắc xin COVID-19.
Đọc thêm: