Năm triệu và năm mươi triệu
Tuần trước, Đại sứ CHND Trung Hoa tại Myanmar và Ngoại trưởng Myanmar đã ký một thỏa thuận, theo đó Myanmar sẽ được nhận sự hỗ trợ từ Bắc Kinh là 5 triệu USD. Số tiền này sẽ được rót vào các ngành của nền kinh tế quốc dân như thú y, nông nghiệp, khoa học, văn hóa, du lịch.
Sớm hơn một chút, Hoa Kỳ tuyên bố cung cấp sự giúp đỡ cho các công dân Myanmar. Nhưng đó là cam kết hỗ trợ lớn gấp 10 lần so với Trung Quốc – Hoa Kỳ phân bổ 50 triệu USD. Khoản tài trợ từ nước Mỹ sẽ dành cho các tổ chức phi Chính phủ để giúp họ «đảm bảo giúp đỡ khẩn cấp về lương thực, bảo vệ cuộc sống, nhà ở, chăm sóc y tế cơ bản, cấp nước sạch, các chế phẩm vệ sinh dịch tễ cho cư dân Miến Điện, kể cả những người đã chạy khỏi Miến Điện hoặc đã dời nhà của họ», - đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là Ned Price cho biết.
Những người phụ nữ trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự ở Yangon
© AFP 2023 / STR
Động thái của Chính phủ hai nước đã bộc lộ sự khác biệt về nguyên tắc trong cách tiếp cận đối với chế độ quân quản ở Myanmar hiện nay. Washington thẳng thừng từ chối giao thiệp, kiên quyết «chẳng có chuyện gì để nói» với chính quyền mới ở Myanmar, Tổng thống Joe Biden thậm chí còn áp đặt các biện pháp trừng phạt chống một số chính khách Myanmar.
Còn Trung Quốc áp dụng chính sách có phần thực dụng hơn. Như đang thấy, Bắc Kinh cho rằng quân đội đã lên nắm quyền ở Myanmar lâu dài và cần phải thu xếp quan hệ hòa hảo với họ. Các lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc phần nhiều gắn với Myanmar. Các cảng của nước này và đường ống chạy từ miền nam Myanmar lên miền bắc tới biên giới với CHND Trung Hoa chiếm vị trí quan trọng trong địa chính trị của Bắc Kinh. Những xa lộ cao tốc này trên lãnh thổ Myanmar đóng vai trò ý nghĩa trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho Trung Quốc. Vì thế, trên thực tế Bắc Kinh đã công nhận Chính phủ mới của Myanmar và thông qua cơ chế của nội các này dành hỗ trợ cho cư dân trong nước.
Myanmar bị phân hoá
Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 đưa phái quân sự lên nắm chính quyền ở Myanmar, lật đổ Chính phủ tiền nhiệm và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo khác của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã làm đất nước Myanmar bị phân hoá thành hai phần. Một bộ phận đáng kể cư dân không công nhận tính hợp pháp của phái quân sự nắm quyền. Những cuộc biểu tình phản đối diễn ra trên khắp đất nước, và theo thời gian, phát sinh cả những đội vũ trang chống lại chính quyền quân sự, hoạt động rộng rãi hơn cả ở các vùng ngoại ô của đất nước. Lần đầu tiên, đại diện của các nhóm sắc tộc khác nhau sinh sống trên đất Myanmar đã đoàn kết lại với nhau để chống chế độ quân quản. Nhưng quân đội Myanmar với trang bị và huấn luyện tốt đang trấn áp phe đối lập bằng vũ lực, không chùn tay dừng bước khi xả súng bắn chết những người biểu tình ôn hòa. Giới tướng lĩnh đang ngày càng khó khăn hơn trong việc chinh phục lòng tin của dân chúng.
Thêm vào cuộc đối đầu chính trị là sự sụp đổ của nền kinh tế Myanmar sau cuộc đảo chính và đà lây nhiễm rộng của đại dịch Covid-19, khiến Myanmar trở thành một trong những đất nước nguy hiểm nhất ở Đông Nam Á. Trung Quốc thậm chí còn đóng cửa biên giới ở phía nam tỉnh Vân Nam, không để công dân Myanmar đi qua bằng đường bộ được nữa.
Những người tham gia biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar ở Yangon.
© REUTERS / Stringer
Dù các tướng lĩnh theo đuổi mục tiêu nào chăng nữa, thì bên chịu thiệt thòi đau khổ nhất vẫn là dân thường Myanmar. Đất nước Myanmar đang bên bờ vực của thảm họa nhân đạo thực sự. 50 triệu USD từ Hoa Kỳ khó có thể giúp thay đổi tình hình bên trong Myanmar, vì rằng khi thiếu vắng liên hệ tiếp xúc với các cơ quan chính giới của nước này, thì sự giúp đỡ đó may lắm cũng chỉ dành cho một số dân tị nạn. Còn viện trợ của Trung Quốc là nhỏ, và không hướng tới giải quyết những vấn đề bức thiết cấp bách nhất. Khoản hỗ trợ của Bắc Kinh chỉ mang ý nghĩa chính trị. Cần có những dự án đa diện trợ giúp Myanmar từ phía các tổ chức quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, Kế hoạch Colombo, có thể gây quỹ và thông qua các kênh chính thức của Chính phủ Myanmar để hỗ trợ những người dân đang lâm vào hoàn cảnh khốn khó ở đất nước này.