Xưởng kính Letuts: Nghề gia truyền dưới lăng kính Gen Z

HÀ NỘI (Sputnik) – Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm kính mắt, Nguyễn Tuyết Lê, một cô gái gen Z bỏ công việc trong mơ để khởi nghiệp thành công bằng chính nghề gia truyền. Điều mà cô chưa bao giờ nghĩ tới.
Sputnik

Nằm trên con phố Bát Sứ yên tĩnh, trung tâm thủ đô Hà Nội, Xưởng kính Letuts chỉ rộng chưa đầy 30m2 vừa là studio, vừa là xưởng lắp những chiếc kính độc đáo của Lê. Tầng một của Xưởng chỉ vừa 3 người đứng, mẫu kính mắt phong phú được treo ấn tượng hai bên tường. Tầng hai là xưởng làm việc xinh xắn với vài chiếc máy mài lắp kính.

Xưởng kính Letuts: Nghề gia truyền dưới lăng kính Gen Z

Startup chỉ với 4 triệu đồng

Âm thanh chiếc máy mài kính phá vỡ sự tĩnh lặng của Xưởng kính nhỏ. Bụi kính bay lơ lửng trên không trung, ánh đèn vàng rọi thẳng vào mảnh kính. Bàn tay dính đầy bụi kính của Lê vẫn chăm chú mài từng mắt kính. Cơ duyên đến với cửa hàng kính với Lê thật tình cờ.

“Thực ra không phải mình chọn làm kính đâu. Mà là kính chọn mình thì mới đúng. Năm 2015, gần 6 năm trước, mình khá mông lung về những câu chuyện của tương lai… tuổi trẻ mà, ai cũng tự đặt câu hỏi này cho bản thân. Mình cũng không ngoại lệ. Nhưng có thể may mắn hơn so với các bạn khác, mình có một người bố luôn lắng nghe và định hướng cho mình. Hồi ý mình nhớ mình hỏi bố rằng, Bố ơi con nên làm gì? Bố nói với mình rằng con nên làm kính. Mình ngẫm nghĩ về điều đó và mình tin bố. Mình bắt đầu bán kính và tập trung học làm mắt kính trong thời gian đầu. Bố như người thầy và cũng là người truyền cảm hứng cho mình vậy. Số vốn đầu tiên của mình chỉ có 4 triệu, lại còn đi vay của bác".

“Xưởng kính” của Lê ban đầu thực chất là rổ kính khoảng 20 chiếc được bán tại nhà của Lê ở phố cổ Tạ Hiện, chứ không có cửa hàng bày đẹp như bây giờ. Mọi công việc kinh doanh chủ yếu làm online thông qua mạng xã hội Facebook. Khoảng thời gian mới bắt đầu kinh doanh là vất vả nhất.

‘Quỳ’ vàng bạc - Công việc vừa được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

“Do rất thích nghệ thuật nên mình chọn theo sở thích, không chạy theo mốt. Sau khi bán được một thời gian, mình nhận ra rằng phải nhập mẫu kính hot, tăng tính cạnh tranh kinh doanh. Bố mình trực tiếp dạy cắt và mài kính. Ban đầu hỏng cả rổ kính. Mình cũng buồn chứ vì đã không có lãi lại mất cả vốn. Có tháng chỉ bán được 2 cái kính, nhiều lúc nản lắm, muốn bỏ nhưng bố mẹ, bạn bè lại động viện. Mình lại tiếp tục công việc” - Lê tâm sự với Sputnik.

Đi ngược với số đông

Sau khi tốt nghiệp, Lê được nhận vào làm tại một tập đoàn lớn với mức lương hấp dẫn, nhưng cơ duyên với nghề kính gia truyền khiến cô có quyết định đi ngược với số đông. Từ chỗ khách hàng chỉ là người thân, bạn bè, sau 6 năm hoạt động, cửa hàng cũng có thêm nhiều khách quen, rồi được mọi người giới thiệu cho nhau, công việc làm ăn cũng đi vào ổn định.

“Với mình ở đâu cũng là cơ hội khi cố gắng hết. Vậy nên mình sẽ ưu tiên lựa chọn công việc mình thích và thấy thoải mái hơn. Khi thời gian đầu bán kính, mình chưa có nhiều tình cảm với nó. Thế nên mình vẫn ứng tuyển vào vị trí Nhân sự của một công ty Nhật để cọ sát thêm. Tuy nhiên khi làm việc ở đây, mình lại thấy rằng, mình quá quan tâm đến tiệm kính nhỏ của mình ở nhà. Mình không thể phớt lờ chuyện khách phải đợi mình làm kính sau giờ đi làm về. Lúc ấy mình mới nhận ra, mình đã có một sự quan tâm đặc biệt dành đến nó. Sau đó thì mình xin nghỉ việc và toàn tâm toàn ý với Letuts từ lúc ấy đến bây giờ" - Lê tâm sự với Sputnik.
Xưởng kính Letuts: Nghề gia truyền dưới lăng kính Gen Z

Theo đuổi một nghề đã khó, nhưng với nghề thủ công làm kính như gia đình Lê lại càng khó hơn, nhất là với thế hệ gen Z. Chia sẻ về những điều được và mất khi theo đuổi nghề gia đình truyền lại, Lê cho biết:

“Mình thấy được nhiều hơn mất. Bố mình chỉ mình rất nhiều thứ, từ những việc nhỏ nhất như con vít rồi nguyên tắc khi bán mắt kính phải chuẩn vì nó là sức khỏe của mọi người. Những bài học kinh doanh hay những điều cốt lõi bố luôn nhắc lại và dặn mình phải nhớ. Nhiều người nói mình còn trẻ nhưng lại mang một tư tưởng già cũng bởi lẽ đó” - Lê nhoẻn miệng cười.
“Về cái mất thì thi thoảng bố và mình cũng hay cãi nhau. Tư tưởng của hai thế hệ mà, có chung mục tiêu thì cách hành động cũng không thể giống nhau được. Bố thì vẫn muốn làm theo những cách cũ mà bố vẫn làm, mình thì muốn nó đổi mới và khác lạ hơn. Sau nhiều lần cố gắng bảo vệ quan điểm thì bố đã nhường mình. Tất nhiên là sau đó mình cũng phải cố gắng làm thật tốt để bố thấy yên tâm” - Lê trải lòng.

Nét độc đáo của nghề gia truyền

Sau khi đã học được cách để làm những mắt kính cận, kính lão, Lê đầu tư một chiếc máy mài kính thủ công rồi nhập thêm cả mắt kính về để tự làm, không còn cần phải nhờ người làm như trước, bớt đi được phần nào chi phí. Với Lê, công việc làm ra cặp kính rất thú vị, mang lại cho cô nhiều kỷ niệm.

“Đó là lần mình lắp một cặp mắt đa tròng hình tròn vào gọng khoan, một trong những kỹ thuật khó nhất. Lúc thì nó hơi lệch hai bên nhìn không đẹp, lúc thì tâm không được chuẩn theo quy định của nhà mình. Đây là những lỗi mà nhiều thợ có thể bỏ qua vì chi phí cho một cặp đa tròng không hề rẻ. Tuy nhiên mình và bố đều nhất trí việc làm đến khi chuẩn. Mình nhớ là mất 3 đôi mắt để được chiếc kính đó và có tự nhủ như tiền học phí thôi. Cuối cùng khi lên kính đẹp mĩ mãn và quan trọng đúng hết kỹ thuật, mình có thể thở phào nhẹ nhõm và rút được kha khá kinh nghiệm cho những lần sau rồi” - Lê tâm sự với Sputnik.
Xưởng kính Letuts: Nghề gia truyền dưới lăng kính Gen Z

Cho đến giờ, khi nhắc đến Xưởng kính của mình, đôi mắt cô gái trẻ lại sáng lên, cô coi đây là “niềm tự hào lớn nhất”. Với cô, cửa hàng không chỉ giúp cô kinh doanh mà còn giúp cô có thêm những người bạn mới. Đó chính là khách hàng. Đặng Thu Vân, một khách hàng quen thuộc của Letuts, cho biết:

“Khách hàng đến đây rất hài lòng, thoải mái với sản phẩm nhận được. Bởi vì nhiều chỗ họ bán hàng chộp giật hoặc chèo kéo. Mình không thích điều đấy. Còn khi tới Letuts, Lê bán hàng rất thoải mái, tư vấn rất nhiệt tình, chất lượng kính tốt, giá thành hợp lý. Kể cả khi Lê thấy kính mình đang đeo mà không phải đặt ở chỗ Lê, Lê cũng đo lại mắt hoặc sửa cho”.

Chuỗi cửa hàng kinh doanh kính mắt trên toàn quốc là ước mơ của Lê. Vì thế, cô gái trẻ vẫn không ngừng cố gắng để có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Lời nhắn của cô chủ gen Z tới các bạn muốn thử sức khởi nghiệp với nghề gia truyền là?

“Nếu bạn được thừa hưởng từ gia đình thì đó là một điều may mắn hơn những người khác. Vậy nên quan trọng là bạn biết khơi gợi sự đam mê và sự sáng tạo của bản thân. Cơ hội là do mình tự tạo ra và nuôi dưỡng bằng cái lửa của người yêu nghề nữa. Mình tin là các bạn sẽ làm được".
Thảo luận