Vào đêm chủ nhật vừa qua, phát ngôn viên văn phòng chính trị của Taliban* Muhammad Naim tuyên bố, cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm đã kết thúc. Còn trong tuyên bố được đưa ra hai ngày sau khi Taliban* tiến vào Kabul, Taliban* tuyên bố tổng ân xá ở Afghanistan và kêu gọi công dân trở lại cuộc sống và công việc bình thường.
Theo lời của Enamulla Samangani, một thành viên của Ủy ban Văn hóa thuộc Phong trào Taliban*, cho đến nay, cơ cấu của chính phủ tương lai ở Afghanistan vẫn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn những vị trí nòng cốt trong chính phủ sẽ do Taliban* chiếm giữ. Chính phủ mới cũng sẽ bao gồm đại diện của tất cả các lực lượng và phong trào trong nước.
Có thể tin vào những tuyên bố của Taliban* hay không? Tương lai nào cho Afghanistan?
Khi nào sẽ biết những lời tuyên bố của Taliban*vừa qua là thật thà hay giả dối?
Với bản chất theo đuổi giáo lý Hồi giáo Sharia hà khắc của Taliban* cùng với những gì họ đã làm từ năm 1996 đến năm 2001 sau khi lật đổ chính quyền của tổng thống Mohammad Najibullah và treo cổ ông này, thật khó tin vào những tuyên bố mới đây của ông Mullah Abdul Ghani Baradar, lãnh đạo Văn phòng đại diện của Taliban* tại Doha (Qatar), người được coi như ngoại trưởng của Taliban về những “chính sách khoan dung mới” của Taliban*. Tuy nhiên, “Phiên bản Taliban 2021” sẽ có nhiều điểm khác biệt lớn với “Phiên bản Taliban 1996” sau 25 năm với nhiều đổi thay trên thế giới. Một điểm rất đáng chú ý khi ông này có “họ hàng” với tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani vừa tháo chạy khỏi Kabul sang Tazhikistan.
“Điều chắc chắn nhất là Taliban không muốn họ sẽ lại trở thành một thực thể chính trị bị cô lập, bị tẩy chay như những năm 1996-2001, khi Mullah Abdul Ghani Baradar thừa nhận rằng trong quá khứ, Taliban* đã có những hành động sai lầm. Có lẽ đây là lời thú nhận chân thật nhất của Taliban vào lúc này”, - Nhà phân tích những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Nhìn vào hàng ngũ lãnh đạo Taliban* hiện nay, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những sự “đổi mới” nhất định:
Trước hết là Mullah Mohammad Yaqoob, năm nay mới ngoài 30 tuổi. Là con trai của Thủ lĩnh sáng lập Taliban* Mullah Omar, anh này đã có những tư duy mới, khác với người cha của mình.
“Mullah Mohammad Yaqoob hiểu rằng, Taliban đã bị “cháy thành vạ lây” trong vụ khủng bố 11/9/2001 nên có ý định xây dựng một hình ảnh khác cho Taliban* nhằm duy trì ảnh hưởng của nó và “gột rửa” những “vết nhơ” mà nó đã gây ra ở Afghanistan những năm 1996-2001”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm đưa ra bình luận trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Đó là Mullah Abdul Ghani mà chúng ta đã nhắc tới ở trên. Là người chuyên lo về “đối ngoại” cho Taliban*, ông ta hiểu rằng mọi công sức của mình ở Qatar sẽ “đổ sông đổ biển” nếu như những kẻ mang tư tưởng Jihad ở trong nước lại gây ra những vụ trả thù, những vụ tàn sát mới.
“Nhân vật bí ẩn là Haibatullah Akhundzada, năm nay khoảng 60 tuổi, thủ lĩnh tối cao của Taliban*, người kế nhiệm thủ lĩnh trước đó Akhtar Mansour bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ gần biên giới Afghanistan-Pakistan vào năm 2016 và cũng mất tích một cách bí ẩn vào tháng 5 năm đó. Rất có thể ông ta sẽ xuất hiện trong thời gian tới”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm chia sẻ thông tin với Sputnik.
Tuy nhiên, có hai người đáng chú ý đã tham dự “cuộc ra mắt” của Taliban* tại Dinh tổng thống ở Kabul ngày 16-8-2021. Người thứ nhất là Sher Mohammad Abbas Stanikzai, là thứ trưởng trong chính quyền Taliban* từ năm 1996 đến năm 2001. Ông ta là một học giả, từng là trưởng cơ quan đại diện của Taliban* tại Doha đến năm 2015. Người thứ hai là Abdul Hakim Haqqani, người từng là Chánh án tòa án tối cao của Taliban*, là Trưởng đoàn đàm phán của Taliban* tại Doha và là người được thủ lĩnh Haibatullah Akhundzada đặc biệt tin cậy.
“Chỉ đến khi những nhân vật còn giấu mặt của Taliban* xuất hiện và chỉ có thể qua những hành động thực tế của Taliban* trong khoảng thời gian chính quyền chuyển tiếp và thời gian tiếp theo, chúng ta mới có thể xác định được những lời tuyên bố của Taliban vừa qua là thật thà hay giả dối”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận về tuyên bố của Taliban* với Sputnik.
“Theo tôi, trong quan hệ với Taliban* thì rất cần chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau, ngay cả khi tin vào một số lời hứa của họ, chẳng hạn như ý định chống lại vận chuyển ma túy.Tóm lại, hãy sống và sẽ thấy, như câu ngạn ngữ Nga”, Tiến sỹ sử học Hoàng Giang nói với Sputnik.
Tiến triển tình hình ở Afghanistan tiếp theo sẽ như thế nào?
Theo logic tự nhiên, vì chưa thể xác định được những tuyên bố của Taliban* sau khi chiếm được Kabul là thật thà hay giả dối nên việc dự báo tình hình ở Afghanistan cũng có khó khăn. Tuy nhiên, qua phản ứng của quốc tế cũng như kinh nghiệm thực tế của các quốc gia sau các biến động, chúng ta có thể đoán định phần nào tương lai cho đất nước đã chịu quá nhiều thiệt hại sau 20 năm chiến tranh này.
Trước hết, như mọi lực lượng chính trị khác khi mới trở lại nắm chính quyền, Taliban sẽ phải ổn định đời sống cho nhân dân Afghanistan.
“Thay cho các cuộc trả thù đẫm máu như đã diễn ra năm 1996, họ sẽ phải bảo đảm an ninh cho các đô thị, ngăn chặn các hành động tội phạm và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho dân chúng bị ảnh hưởng bởi giao tranh. Nếu họ làm ngược lại thì chính những người dân Afghanistan từng ủng hộ họ sẽ chống lại họ. Nên nhớ một điều rằng, một số thế lực trong chính giới Mỹ và phương Tây rất mong muốn Taliban* sẽ lại “hung ác” như năm 1996 để họ lại có cớ “ra tay” một lần nữa”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
“Một cuộc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra hòa bình dưới sự kiểm soát của Taliban* và sẽ được thực hiện trong vòng khoảng một tuần. Quân đội và cảnh sát sẽ giữ nguyên chức năng của mình trong thời kỳ chuyển tiếp. Taliban* đảm bảo ân xá cho tất cả các quan chức và quân nhân của chính quyền Ghani, và đảm bảo an ninh cho các cơ quan ngoại giao của các quốc gia nước ngoài. Một điểm cần nhấn mạnh rằng, lần này, cho tới thời điểm này, Taliban hành xử rất văn minh”, - Tiến sỹ sử học Hoàng.Giang nói với Sputnik.
Điểm thứ hai mà chắc chắn là thế hệ lãnh đạo mới của Taliban* sẽ làm, đó là rút ra những “kinh nghiệm xương máu” từ quá khứ để cởi mở hơn trong các chính sách xã hội. Đặc biệt là việc áp dụng các giáo lý Sharia vốn hà khắc bậc nhất thế giới sẽ có những cải biến để “thích nghi thời đại” mặc dù không thay đổi về bản chất.
Thứ ba là Mỹ và phương Tây vốn giữ quan điểm coi Nga và Trung Quốc là đối thủ chiến lược sẽ có những “tính toán lại” trong chính sách với Taliban*, chí ít là có thể làm cho lực lượng này bớt đi tư duy thù địch “không đội trời chung”. Đó là cách “kiểm soát mềm” vốn được chính giới Mỹ thuộc đảng Dân chủ ưa thích để có thể kiểm soát tình hình một cách tốt nhất mà không tốn nhiều công sức và tiền bạc.
“Nhìn vào thái độ tự tin của tổng thống Mỹ Joe Biden, người ta có thể suy đoán được phần nào ý định của Mỹ là sẽ “kéo Taliban* về phía mình” thay vì loại trừ nó”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đánh giá tình hình Afghanistan tới đây sẽ “khó khăn hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều”. Dưới bàn tay của Mỹ, Taliban có nhiều khả năng từ “kẻ thù” của Mỹ trở thành “đồng minh” của Mỹ và phương Tây trong chiến lược chống Nga và kiềm chế Trung Quốc.
“Điều này không có gì lạ vì trong lịch sử của mình, đặc biệt là trong thế kỷ XX, nước Mỹ đã có hàng chục lần “đổi bạn thành thù” và “đổi thù thành bạn”. Và cũng chính vì vậy mà cả Nga và Trung Quốc đều chưa đưa ra tuyên bố quan điểm chính thức của mình đối với việc Taliban* chiếm Kabul và lật đổ chính quyền thân Mỹ cũng như vẫn duy trì các cơ quan ngoại giao tại Kabul”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm đưa ra bình luận, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
“Còn quá sớm để nói về các mối quan hệ quốc tế của Taliban*, bởi vì chính phủ mới ở Afghanistan chỉ mới bắt đầu hình thành. Theo tôi, Iran sẽ làm việc với Taliban*, nhưng rõ ràng là với điều kiện an ninh phải được đảm bảo và không phân biệt đối xử với người Shiite Afghanistan. Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan nhiều khả năng cũng sẽ làm việc với chính quyền mới. Và điều quan trọng với Taliban* là phải bảo toàn nguồn cung cấp điện, nhiên liệu và dầu nhờn, thực phẩm từ các nước láng giềng, khôi phục công trình của tuyến đường sắt nối Afghanistan và Uzbekistan.
Một điểm cần chú ý là sẽ không có sự thay đổi hoàn toàn con người ở các cấp độ khác nhau ở Afghanistan. Hầu hết tất cả người lao động có khả năng vẫn làm việc của họ, bởi vì hoạt động của nhà nước cần phải được đảm bảo”, - Tiến sỹ sử học Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
* Tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga