Mỹ không còn có thể “một tay che cả bầu trời” ở Nam Á

Nếu như những sự kiện ở Syria năm 2014-2016 đánh dấu bước khởi đầu cho việc Mỹ mất vai trò chủ đạo trên thế giới thì những sự kiện vừa qua ở Afghanistan khẳng định cái vai trò đó của người Mỹ đã chấm dứt. Cán cân lực lượng đã thay đổi.
Sputnik
Theo thông tin của Qari Yusuf Ahmadi - Người phát ngôn của Taliban* đăng trên Twitter, phong trào Taliban* (bị cấm ở Liên bang Nga) đã công bố "Tuyên ngôn của “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" nhân Ngày Độc lập của Afghanistan 19/8 (19/8/1919 Hiệp ước Anh-Afghanistan được ký kết, theo đó, Vương quốc Anh  đã công nhận nền độc lập của Afghanistan). Trước đó, các thủ lĩnh Taliban* tuyên bố tái lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, tồn tại trong giai đoạn 1996-2001.
Kabul thất thủ như Sài Gòn: Người Mỹ không nhớ bài học lịch sử
Trong Tuyên ngôn, Taliban* tuyên bố rằng, họ đã lần lượt chiến thắng "ba cường quốc đế quốc lớn nhất trong vòng ba thế kỷ" - Đế quốc Anh, Liên Xô và Hoa Kỳ.
Ngày 15/8 vừa qua, Taliban* đã chiếm được Kabul và tuyên bố rằng họ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, trước khi Hoa Kỳ và các đồng minh NATO kịp rút quân khỏi Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, hầu hết các quan chức chính phủ và lãnh đạo phong trào chống Taliban đã bỏ chạy ra nước ngoài. Taliban cho rằng, hiện tại họ có quan hệ "rất tốt" với Nga, Trung Quốc và Pakistan.

Liên minh châu Âu sợ Nga và Trung Quốc có thể kiểm soát được tình hình ở Afghanistan

Nghị viện châu Âu lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại Afghanistan sau khi NATO rút quân và chính quyền Afghanistan sụp đổ dưới sự tấn công dữ dội của lực lượng Taliban*. Hôm 16/8, trên trang web của cơ quan lập pháp và đại diện của Liên minh châu Âu đã xuất hiện tuyên bố của các nhà lãnh đạo châu Âu: "EU cần phát triển một chiến lược mới cho Afghanistan và toàn bộ khu vực, tính đến hoàn cảnh mới liên quan đến thực tế là Nga và Trung Quốc có thể nhanh chóng cố gắng lấp đầy khoảng trống chính trị" (ở Afghanistan). Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU còn nói, EU không nên để Nga và Trung Quốc kiểm soát tình hình ở Afghanistan.
«Tôi sẽ sớm trở về»: Tổng thống Afghanistan Ghani công bố thông điệp gửi quốc dân

Điều gì làm Liên minh châu Âu sợ Nga và Trung Quốc có thể kiểm soát được tình hình ở Afghanistan?

Theo nhà phân tích những vấn đề quân sự và chính trị quốc tế Nguyễn Minh Hoàng, vấn đề rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan sau khi các nhiệm vụ của “Chiến dịch Tự do bền vững” đã hoàn thành không phải bây giờ mới đặt ra. Sau sự kiện tiêu diệt Osama Bin Laden ở Abbottabad (Pakistan) ngày 2/5/2011 nhiều chính khách Mỹ đã nêu đề nghị giảm dần và đi đến chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan bởi “nhiệm vụ đã hoàn thành”.
“Qua kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam, chính giới Mỹ thừa hiểu rằng một khi người Mỹ rút đi thì những thực thể chính trị mà họ dựng lên bằng tiền thuế của nhân dân Mỹ, bằng xương máu của lính Mỹ sẽ sụp đổ trước những cơn bão táp giành quyền độc lập, quyền tự quyết dân tộc. Thế nhưng, người Mỹ vẫn nhìn vấn đề Afghanistan bằng cái lăng kính “địa chính trị”, “địa chiến lược” của mình mà không để ý đến những đối thủ của họ như Nga và Trung Quốc đã có những cách tiếp cận ưu việt hơn hẳn người Mỹ trong vấn đề Taliban ở Afghanistan”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Josep Borrell
Vấn đề nằm ở chỗ ngay từ khi người Mỹ bộc lộ dấu hiệu muốn “rút chân” ra khỏi Afghanistan cũng như ra khỏi Iraq thì Nga và Trung Quốc đã sớm có những kế hoạch của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ngay lúc này đây, khi Nga vẫn coi Taliban* là tổ chức khủng bố bị cấm tại Nga thì đại sứ quán Liên bang Nga tại Kabul vẫn hoạt động. Hơn nữa, một biệt đội của Taliban* bảo vệ cơ quan ngoại giao của Nga tại Kabul. Các nhà ngoại giao Nga đang tiếp xúc trực tiếp với các thủ lĩnh của Taliban*, bao gồm cả nhân vật gần như quan trọng nhất là Mullah Abdul Baradar. Và đại sứ Nga, ông Dmitry Zhirnov đã nói với các phóng viên ngày 18/8/2021 rằng “Taliban* đang hành xử một cách văn minh và có trách nhiệm”. Còn Bộ trưởng ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov thì phát biểu rằng: “Họ cho biết sẵn sàng thảo luận về một chính phủ không chỉ bao gồm họ, mà các đại diện khác của Afghanistan cũng sẽ tham gia. Chúng tôi ủng hộ bắt đầu đối thoại toàn diện với sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, sắc tộc và tôn giáo tại Afghanistan”.
Putin nói về cuộc đàm phán với Merkel và nói rằng bà sẽ luôn được chào đón ở Nga
“Trong những năm gần đây, chính sách của Nga đối với Afghanistan gắn liền với việc tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong trường hợp tình hình có thể hoàn toàn mất kiểm soát. Moskva chưa bao giờ phủ nhận các tiếp xúc của mình với các đại diện của Taliban*, và Nga cũng chưa bao giờ muốn hoặc tạo điều kiện cho Taliban vươn lên nắm quyền”, - Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lê Hòa nói với Sputnik .
“Không phải ngẫu nhiên mà phía Nga đưa ra những tuyên bố như vậy. Người Nga đã dự báo một cách khá chính xác rằng, sớm muộn thì Taliban* cũng phải có những “cải cách” nhất định trong đường lối chính trị của họ, nếu họ còn muốn tồn tại trong thế giới văn minh này. Còn “cải cách” đến đâu thì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế, vào nội tình vừa hợp tác, vừa đấu tranh giữa các phe phái trong nội bộ Afghanistan, và vào cách ứng xử của quốc tế đối với họ, nhất là các cường quốc”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
Trong “Ván bài Afghanistan”, người Mỹ từ chỗ đang chiếm thế thượng phong” đã đột ngột trở thành “kẻ chậm chân” do những sai lầm chiến lược của chính họ.
Còn Trung Quốc, họ không chỉ lo lắng cho vùng Tân Cương bởi các vụ bạo loạn của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan do Cơ quan đặc biệt Mỹ giật dây để lấy cớ cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền mà sâu xa hơn nữa là “hành lang trên bộ” của “Chiến lược Vành đai – Con đường”. Và không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chịu tiếp kiến phái đoàn Taliban* do Mullah Baradar Akhund, Trưởng văn phòng chính trị của Taliban tại Qatar, dẫn đầu tại Thiên Tân.
Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Afghanistan phát triển kinh tế xã hội
“Thêm vào đó, nguồn khai thác khoáng sản quan trọng ở Afghanistan như vàng, đất hiếm và cả uranium mà Trung Quốc đã đầu tư vào Afghanistan dưới các chính thể “dân chủ” ở nước này từ năm 2001 đến nay không cho phép Trung Quốc có thể “làm rắn” với Taliban*. Ngược lại, Taliban* cũng tìm kiếm được sự hỗ trợ của Trung Quốc nhờ sự mặc cả này”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng đưa ra nhận định trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Theo nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng, tất nhiên là Mỹ cũng đã dự kiến cho các tình huống nêu trên. Nhưng thời gian dự kiến của người Mỹ kéo dài tới nửa năm bao gồm 3 tháng rút quân và 3 tháng ổn định tình hình. Trong khi đó, chỉ cần chưa đầy 3 tháng, Kabul đã sụp đổ, nằm ngoài sự tính toán của Washington. Điều này chứng tỏ ngay cả khi hiểu rằng mình không còn lý do gì để “ở lại Afghanistan”, Washington vẫn đánh giá thấp cả đối thủ trực tiếp cũng như đối thủ gián tiếp.
“Người Mỹ đã không thể dự báo được tình hình Afghanistan thì NATO và EU lại càng không thể dự báo được. Chính vì vậy, lời tuyên bố của ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU không hoàn toàn là một lời kêu gọi mà thực sự là một tiếng kêu la hoảng hốt khi nhìn thấy được tương lai địa chiến lược, địa chính trị và địa quân sự sẽ có những thay đổi căn bản và rất quan trọng mà chính ông ta cũng như các quan chức EU đã không thể lường trước được, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.

EU đang bị “gạt ra rìa” trong vấn đề Afghanistan

Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU cũng cho rằng cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ và “tăng cường các nỗ lực ngoại giao để phát triển một lập trường chung với các đồng minh” trong vấn đề Afghanistan. Theo lời ông ta, cần tiến hành đối thoại với Taliban*, cũng như tích cực hợp tác với những ai có ảnh hưởng đến tình hình Afghanistan.
Quốc kỳ Hoa Kỳ được sơn trên tường tại Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở Kabul, Afghanistan, Thứ Sáu, Tháng Bảy. Ngày 30 năm 2021.
Các chuyên gia quan hệ quốc tế Việt Nam trả lời phỏng vấn cho Sputnik đã đánh giá phát biểu trên như sau: Phát biểu của Josep Borrell cho chúng ta thấy rằng, EU đang bị “gạt ra rìa” trong vấn đề Afghanistan, thể hiện ở chỗ họ đang cố gắng tìm kiếm một chỗ đứng trong cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Afghanistan nhưng lại không có thực lực cũng như không có bất cứ một mối quan hệ nào với Taliban* trừ việc theo đuôi Mỹ.
“Cần thẳng thắn để nói rằng các khuyến cáo của EU do ông Josep Borrell đưa ra vào thời điểm này đã là quá muộn. Không ai không biết rằng một số nước EU thuộc NATO đã góp quân tham gia vào lực lượng “Liên quân chống khủng bố” ở Afghanistan chỉ là cho để “đủ mâm, đủ bát”, còn thực lực trên chiến trường thì quân Mỹ vẫn đóng vai trò quyết định với quân số lớn nhất, trang bị mạnh nhất và chi phí cũng nhiều nhất, Ở Iraq năm 2003 cũng vậy và ở Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975 cũng vậy. Và EU sẽ lại sai lầm một lần nữa khi chỉ mong tìm kiếm sự hợp tác với Washington để đối thoại với Taliban và “hợp tác với những ai có ảnh hưởng đến tình hình Afghanistan”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng đưa ra bình luận trong trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Vị thế của các bên Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU và một số quốc gia khác đối với vấn đề Afghanistan đã “thay vị, đổi ngôi”. Muốn nói gì đi nữa thì trên thực tế, thất bại của quân đội chính phủ Kabul là thất bại của người Mỹ. Thêm vào đó là “những ai có ảnh hưởng đến tình hình Afghanistan” lại đều là “đối thủ” của Washington. Đó là Nga, là Trung Quốc.Vậy thì EU có thể trông mong vào một sự hợp tác nào khi cả Nga và Trung Quốc đều đã “đi trước nước cờ” một cách rất thận trọng và bài bản khi đặt quan hệ với Taliban*? Và điều mà EU khó có thể hiểu nổi là trong khi luật pháp Nga thiết đặt Taliban* là tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn vừa tiếp phái đoàn của Taliban một tháng trước nhưng cũng lại vừa cảnh báo về cuộc kháng chiến chống Taliban đang hình thành ở Thung lũng Panjshir, nơi tập trung sự kháng cự của Phó tổng thống Saleh và Ahmad Massoud? Và ngoại trưởng Nga đã tuyên bố rất rõ ràng về “Định dạng Moskva” đối với Afghanistan là cơ chế bao gồm tất cả năm nước Trung Á, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Mỹ, Iran, Nga và các bên xung đột ở Afghanistan
Hoa Kỳ đưa ra dự đoán về nhà lãnh đạo tương lai của Afghanistan
“Qua những dữ kiện trên đây, chúng ta có thể thấy EU, giống như người đang “đi trên mây” về Afghanistan. Còn Liên bang Nga thì đã đưa ra những kiến nghị rất cụ thể và khả thi. Và điều thú vị là không một quốc gia EU nào có tên trong danh sách được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Hôm 20/8, tại cuộc họp báo chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Đức đã đề nghị Nga trong tiếp xúc với Taliban* đề cập tới vấn đề hỗ trợ nhân đạo từ phía Liên hiệp quốc. Và cùng ngày, NATO cũng họp khẩn. Tại cuộc họp này, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Italia đã nói rằng, để đối phó với những đe dọa tiềm năng từ Afghanistan cần thiết phải hợp tác với Nga. Qua đó, chúng ta thấy được vị thế của EU và của Nga trong vấn đề Afghanistan như thế nào”, - Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lê Hòa nói với Sputnik .
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo

Những bước đi thận trọng và phù hợp của Nga và Trung Quốc trong quan hệ với Taliban*

Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng trong trả lời phỏng vấn của Sputnik đã nói rằng, cả Nga và Trung Quốc đều đã thực hiện thành công chiến thuật “tiên phát chế nhân” trong “Ván cờ Afghanistan”.
Bộ Ngoại giao Nga từng vài lần mời Taliban* dự hội nghị ở Moskva, giúp nâng vị thế quốc tế của lực lượng này. Các cuộc hội đàm bí mật giữa Nga và Taliban* chủ yếu đề cập đến việc ngăn chặn xung đột lan sang những nước láng giềng và nguy cơ khủng bố gia tăng tại Trung Á. Đối với Moskva, vấn đề chính không phải là ai nắm quyền ở Kabul, mà là liệu những kẻ cực đoan có thể từ Afghanistan xâm nhập vào khu vực ảnh hưởng của Nga ở Trung Á hay không. Điều này đã được ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Nga về Afghanistan nói rõ khi trả lời các nhà báo ngày 16/8 vừa qua: “Không phải vô cớ mà chúng tôi thiết lập những mối liên hệ với phong trào Taliban trong 7 năm qua”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về tình hình ở Afghanistan
Trung Quốc, mặc dù “chậm chân” hơn một chút nhưng cũng đạt được điều mà họ mong muốn khi cử Ngoại trưởng Vương Nghị đón tiếp phái đoàn 9 thành viên Taliban* tới Thiên Tân thăm Trung Quốc ngày 28-7-2021. Tại cuộc gặp này, ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng “Taliban* Afghanistan là một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Afghanistan và dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình, hòa giải và tái thiết của đất nước này”. Phía Trung Quốc cũng kêu gọi Taliban* hãy đoạn tuyệt với tất cả các tổ chức khủng bố quốc tế, trong đó có “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan” (ETIM) đang xâm nhập và hoạt động ở Tân Cương (Trung Quốc).
Đáp lại,  đại diện Taliban* tuyên bố: “Taliban tin rằng Afghanistan sẽ phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, và hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hơn vào tiến trình hòa bình và hòa giải của Afghanistan, đóng vai trò lớn hơn trong việc tái thiết và phát triển kinh tế trong tương lai”.
Những động thái nói trên cho thấy Nga và Trung Quốc đã nhận định chính xác về “thời điểm chín muồi” của việc quân đội Mỹ và NATO phải rút khỏi Afghanistan cũng như sự sụp đổ không tránh khỏi của chính quyền Kabul do Mỹ dựng lên để chuẩn bị trước cho các hành động tiếp theo của mình. Từ đó, hai quốc gia này đã có những bước đi thận trọng và phù hợp để ít nhất cũng ngăn chặn Taliban* trở lại con đường khủng bố và sâu xa hơn là không để cho người Mỹ “đốt lên” ngọn lửa xung đột tôn giáo và sắc tộc ở bên sườn của mình.
“Moskva ủng hộ việc thành lập một chính phủ liên minh, một sự hòa nhập hòa bình của lực lượng Taliban* vào cơ cấu nhà nước Afghanistan và một đời sống chính trị lành mạnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, kế hoạch này đã không hoàn thành đầy đụ Dù sao Nga cũng đã tránh được kịch bản xấu nhất - mối đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp từ Afghanistan sau khi lực lượng quân đội của Mỹ và NATO rút đi. Những động thái tiếp theo của Nga như thế nào thì phần lớn sẽ phụ thuộc vào chính sách tương lai của Taliban*”, - Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lê Hòa đưa ra đánh giá của mình trong trả lời phỏng vấn của Sputnik ..

Thay đổi cán cân lực lượng tại Nam Á

20 năm sau sự kiện 11/9/2001, thế giới đã thay đổi chóng mặt. Mỹ không còn thế thượng phong như khi Liên Xô tan rã. Trung Quốc đã vươn lên, vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, trong đó, có một số ngành công nghiệp công nghệ cao đang giữ vị trí số một thế giới. Liên bang Nga tuy chỉ còn 2/3 sức mạnh so với Liên Xô trước đây nhưng vẫn là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới. Trong đó, một số lực lượng chiến lược và chiến thuật được trang bị kỹ thuật quân sự ưu việt hơn hẳn so với Mỹ. Việc Liên bang Nga trợ giúp chính phủ Syria của tổng thống Bashar Al Assad vượt qua cuộc “xâm lược ủy nhiệm” của ISIS (Tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga) cũng như các lực lượng đối lập trong nước và cả lính đánh thuê của EU tiến hành đã cho thấy thế giới đang trải qua những bước ngoặt quan trọng.
“Một khi Mỹ đã mất vai trò “bá chủ toàn cầu” với một cực duy nhất và thế giới đã chuyển đổi sang hình thái “đa cực, nhiều trung tâm” thì sự “tái xuất giang hồ” của Taliban* ở Afghanistan không phải là điều không thể lường trước”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Cũng theo nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng, mặc dù thất thế ở Afghanistan do “chậm chân” hơn các đối thủ Trung Quốc và Nga nhưng người Mỹ vẫn cố vớt vát lại những gì còn có thể níu kéo được, vừa để đỡ “mất mặt” đối với thế giới, xoa dịu sự bất bình trong nước, vừa để tạo lập “đầu cầu” cho những toan tính địa chính trị, địa chiến lược tiếp theo.
Về phía Nga và Trung Quốc thì cả hai đều có chung một lập trường nhất quán là tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của người Afghanistan mà không cần quan tâm lắm đến việc đó là một “Tiểu vương quốc Hồi giáo”, một nước “Cộng hòa Hồi giáo” hay bất kỳ một chính thể nào khác, miễn là chính thể ấy không chống lại họ, không trở thành một thế lực gây bất ổn định ngay sát biên giới của họ cũng như trong khu vực và rộng hơn là trên toàn cầu. Quan điểm này đã được đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc trình bày một cách hết sức rõ ràng. Và không khó để người Nga nhận ra rằng, Mỹ đang rất muốn Nga và Trung Quốc sẽ mâu thuẫn và tranh giành nhau “miếng bánh Afghanistan”.
“Nga đã thể hiện lập trường nhất quán của mình trong vấn đề Afghanistan. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/8 tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moskva nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là không để bọn khủng bố các loại xâm nhập vào các quốc gia láng giềng với Afghanistan, trong đó có cả dưới hình thức dân tị nạn, và chính sách áp đặt những giá trị và chuẩn mực từ bên ngoài là vô trách nhiệm”, - Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lê Hòa nói với Sputnik.
Ngoài lợi ích không thể chối cãi về địa chiến lược khi Afghanistan có đường biên giới chung với 7 quốc gia khác trong khu vực thì trong lòng đất Afghanistan cũng có một trữ lượng đáng kể về dầu mỏ (ước khoảng 3,7 tỷ thùng), khí thiên nhiên (ước tính trên 7.000 tỷ mét khối) cùng nhiều kim loại quan trọng như vàng, đồng, lithium và đặc biệt là đất hiếm và cả uranium.
Trong 20 năm qua, người Mỹ và phương Tây đã hết sức sai lầm khi đánh đồng Taliban với các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan như Al Qaeda, như ISIS, như Boko Haram. Vấn đề nằm ở chỗ những người Taliban có nguồn gốc dân tộc Pashtuns (cũng gọi là Afghan) của mình, có tổ quốc Afghanistan của mình. Họ là tộc người lớn nhất tại quốc gia Trung Nam Á này và họ có vị trí trong đời sống chính trị xã hội ở Afghanistan. Trong khi đó thì cả Al Qaeda, cả ISIS lẫn Boko Haram ở Châu Phi đều là những lực lượng vong bản, không có tổ quốc, thành phần hỗn tạp bao gồm lính đánh thuê tuyển mộ từ khắp thế giới với những tuyên bố chính trị mù mờ để làm bình phong che giấu hành động khủng bố.
Người Mỹ thừa nhận Nga thắng lợi ở Afghanistan
“Nói thẳng ra, đó là các tổ chức do Cơ quan quan đặc biệt Mỹ dựng lên hoặc lợi dụng chúng để “gây bất ổn có kiểm soát toàn cầu”. Về bản chất, nó không khác mấy so với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia được bảo trợ để khuấy đảo an ninh toàn cầu, để viên “Cảnh sát toàn cầu” là Mỹ ra uy với thế giới, buộc cả thế giới phải phụ thuộc vào vai trò độc tôn của mình trong vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn. Đó là những “vở kịch” được Cơ quan đặc biệt Mỹ soạn thảo bằng máu của nhiều dân tộc và cả máu của những kẻ đánh thuê”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Ngày nay, trong thế bị động và trên đà trượt dốc, người Mỹ không thể còn giải pháp nào khác đối với Afghanistan ngoài việc từ bỏ các biện pháp quân sự để tìm kiếm một nền hòa bình, dù là mong manh; trong khi vẫn cố gắng ngăn chặn các đối thủ của mình khuếch trương ảnh hưởng ở vùng đất khô cằn sỏi đá nhưng lại đặc biệt quan trọng này. Và “cái phao” duy nhất mà người Mỹ còn có thể bấu víu được trong thời điểm này là Liên Hợp Quốc, cụ thể là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; một cơ chế có thể làm cho Mỹ hy vọng Nga và Trung Quốc có thể chia sẻ với Mỹ những biện pháp giải quyết vấn đề Afghanistan mà Mỹ biết chắc rằng đã vừa tuột khỏi tay họ.
Cựu chiến binh Việt Nam: Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi những người Afghanistan đã giúp đỡ họ, như đã từng bỏ rơi người Việt Nam
“Sau ngày 15/8 vừa qua, Pakistan, tất nhiên, trở thành quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Afghanistan, thay thế Mỹ ở vị trí này. Có vẻ như là Washington sẽ ngày càng ít đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Afghanistan hiện nay. Và như một chuyên gia về Afghanistan nói, Mỹ có nguy cơ trở thành bánh xe thứ năm trong xe đẩy địa chính trị khu vực”, - Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lê Hòa đưa ra nhận định với Sputnik.
“Và cùng với thất bại khi dính líu vào Syria, thất bại của Mỹ ở Afghanistan đã không chỉ làm “đứt gãy” hai “mắt xích” quan trọng của Mỹ trong Kế hoạch chiến lược “Đại Trung Đông phiên bản 5.0” mà còn là bằng chứng cho thấy người Mỹ không còn có thể “một tay che cả bầu trời” như ở thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XXI nữa. Nếu như những sự kiện ở Syria năm 2014-2016 đánh dấu bước khởi đầu cho việc Mỹ mất vai trò chủ đạo trên thế giới thì những sự kiện vừa qua ở Afghanistan khẳng định cái vai trò vô lý đó của người Mỹ đã chấm dứt. Một thế giới đa cực, đa trung tâm đã hình thành và do đó cán cân lực lượng quốc tế đối với vấn đề Afghanistan đã cân bằng hơn”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng bình luận, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
* Tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga
Thảo luận