Theo số liệu thống kê chính thức được công bố hôm thứ Hai, sản lượng chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, năm nay đạt 203,6 tỷ chiếc. Bất chấp những khó khăn nhất định về kinh tế do đại dịch COVID trên toàn thế giới đang diễn ra và theo đó dẫn đến tình hình không rõ ràng, sản xuất trong các ngành có giá trị gia tăng cao đang phát triển đặc biệt nhanh chóng. Ví dụ, sản lượng thiết bị máy tính, thiết bị viễn thông và sản phẩm điện tử Trung Quốc chỉ tính riêng trong tháng 7 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc so với cùng kỳ thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 6,4%.
Sản xuất tại Trung Quốc - 2025
Trong nhiều năm, Trung Quốc cố gắng tăng tỷ trọng giá trị gia tăng được tạo ra trực tiếp trong nước. Năm 2006, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố Chương trình phát triển khoa học - công nghệ trung và dài hạn, tính đến năm 2020. Trong đó lưu ý những sản phẩm nội địa mới phải trở thành mục tiêu và phương hướng phát triển chính của khoa học - công nghệ 15 năm tới. Sau đó, vào năm 2015, chương trình “Made in China- 2025” ("Sản xuất tại Trung Quốc – 2025) đã được công bố, theo đó đến năm 2025, Trung Quốc phải tự đáp ứng 70% nhu cầu nội địa trong việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, tổng giá trị gia tăng do các doanh nghiệp công nghiệp tạo ra ở Trung Quốc đã tăng 6,4%, trong khi ở các lĩnh vực công nghệ cao như thông tin - truyền thông, con số này là 13,8%.
Quảng cáo "Made in China", Bắc Kinh
© AP Photo / Ng Han Guan
Cuộc đối đầu thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ chỉ càng thêm thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc về tính đúng đắn của đường lối đã chọn. Trong hai năm qua, Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, hạn chế quyền tiếp cận của họ với công nghệ chip tiên tiến và các thành phần quan trọng khác của thiết bị điện tử hiện đại. Tất nhiên, trước mắt, các công ty Trung Quốc cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt càng nhiều càng tốt và tăng mạnh việc mua chip trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Năm 2020, Trung Quốc mua số chip trị giá 380 tỷ USD, chiếm 18% tổng lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đã mua thiết bị sản xuất chip trị giá 32 tỷ USD từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Việc dự trữ nhiều sẽ cho phép các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có thể tự chủ thực hiện các kế hoạch sản xuất của mình trong một khoảng thời gian nhất định.
Sơ đồ các thành phần trong chip điện thoại thông minh được công nhân xử lý tại nhà máy Oppo ở Đông Quan, Trung Quốc.
© AFP 2023 / Nicolas Asfouri
Tuy nhiên, điều này không thể giải quyết vấn đề
Trước hết, như Huawei từng thừa nhận, dự trữ linh kiện để sản xuất sản phẩm, trong trường hợp tốt nhất, chỉ đủ dùng trong khoảng 1 năm. Thứ hai, việc một số lượng lớn công ty mua vào chip tăng mạnh, cùng với thời gian ngừng sản xuất do đại dịch, đã tạo ra tình trạng thiếu hụt toàn cầu, gây ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất Trung Quốc. Ví dụ, do thiếu chip, sản lượng xe hơi ở Trung Quốc đã giảm 15,8% trong tháng Bảy. Nhìn chung, rõ ràng là để đảm bảo sự phát triển tiến bộ của các ngành công nghệ cao và kinh tế nói chung, Trung Quốc cần phát triển năng lực thay thế nhập khẩu của riêng mình trong các ngành này.
Những nhiệm vụ này được nêu ra trong kế hoạch phát triển 5 năm mới. Dự kiến: chi phí cho R&D (nghiên cứu và phát triển) sẽ tăng nhiều hơn, so với 7% hàng năm. Đồng thời, tỷ trọng đầu tư vào nghiên cứu cơ bản trong tổng khối lượng đầu tư vào R&D cần tăng từ 6% lên 8%. Đặc biệt nhấn mạnh vào các công nghệ đột phá như sản xuất chip, máy tính lượng tử, kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học, v.v.
Sự phát triển sản xuất chip hiện nay là kết quả của nhiều năm làm việc tạo ra năng lực và khả năng tự sản. Và đối với một số ngành, ví dụ như ô tô, chip Trung Quốc khá phù hợp, vì không đòi hỏi những công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất. Nhưng nhìn chung, Trung Quốc vẫn đang trên con đường bắt kịp sự phát triển trong lĩnh vực này, quá trình này vô cùng khó khăn, như Xu Canhao - giáo sư tại Đại học sư phạm Bắc Kinh và Đại học Baptist Hong Kong cho biết.
Trong thời điểm hiện tại, theo số liệu từ Viện công nghệ máy tính thuộc Viện hàn lâm khoa học ,Trung Quốc có khả năng sản xuất công nghiệp chip theo công nghệ quy trình 28 Nm và đang thiết lập quy trình sản xuất chip 14 Nm. Chip 28 Nm được sử dụng trong nhiều linh kiện điện tử. Và nếu Trung Quốc làm chủ được việc sản xuất hàng loạt chip 14 nm, thì nước này sẽ có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu của chính mình vào lúc này, vì chip 14 nm chiếm khoảng 65% lượng chip sử dụng trên thế giới. Nhưng thực tế, ngoài việc tự sản xuất, điều quan trọng là phải thiết lập một chuỗi cung ứng tích hợp - bao gồm nguyên liệu thô để sản xuất chip, thiết bị đặc biệt, v.v. Về nguyên tắc, không có lý do gì khiến Trung Quốc không thể tự chủ trong lĩnh vực sản xuất chip. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất 10 năm hoặc hơn, chuyên gia Xu Canhao đánh giá.
Điều quan trọng phải hiểu rằng các quốc gia sản xuất chip khác cũng đang tiến về phía trước và cải tiến công nghệ. Trong khi Trung Quốc đang cố gắng làm chủ công nghệ 14nm, thì chip 7nm đã được sử dụng trong vài năm qua, chẳng hạn như trong iPhone 11. Đồng thời, TSMC cũng đang tích cực sản xuất chip 5nm, được sử dụng trong iPhone 12, iPad. Air 4 và các thiết bị tiện ích hiện đại khác. Đến năm 2022, TSMC có kế hoạch bắt đầu sản xuất thương mại chip 3nm. Trong khi đó, theo dự đoán của Goldman Sachs, Trung Quốc sẽ có thể làm chủ việc sản xuất chip 7 nanomet vào năm 2023.