Xung động tiêu cực
Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát quốc tế, sở dĩ có chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam là bởi thúc đẩy từ những cáo buộc ê-kip chính quyền Joe Biden ít dành quan tâm cho khu vực Đông Nam Á. Và chuyến thăm của nhân vật số hai trong ban lãnh đạo Hoa Kỳ cần chứng tỏ rằng «nước Mỹ đã trở lại» (America is back), như vị Tổng thống mới của Hoa Kỳ ưa nhắc đi nhắc lại, kể cả với châu Á. Quả thật, trong bối cảnh các sự kiện nóng bỏng ở Afghanistan, nơi người Mỹ buộc phải vội vàng di tản khẩn cấp, rất có thể nảy sinh một câu hỏi gai góc khác, rằng liệu Washington có đủ sức mạnh để duy trì vị thế thủ lĩnh độc tôn ở khu vực này của địa cầu hay không. Theo một số nguồn tin cho biết, bà Kamala Harris sẽ thuyết phục những người đối thoại của mình tại Hà Nội rằng nước Mỹ vẫn như trước đây tràn đầy quyết tâm duy trì quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á, mà trước hết là với Singapore và Việt Nam.
Vẫn những câu hỏi đó
Không khó để đoán rằng nhìn chung những nội dung mà vị thuợng khách Mỹ sẽ nêu ra trong các cuộc tiếp xúc hội đàm ở Việt Nam sẽ không phải là cái gì mới mẻ. Nhất định bà Harris sẽ lên tiếng về vấn đề an ninh ở Biển Đông. Trên cơ sở luận điểm về tự do hàng hải và lên án hành động của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp ở vùng biển này, Phó Tổng thống Hoa Kỳ qua đó sẽ ủng hộ lập trường của Hà Nội. Các bên chắc chắn sẽ thảo luận về những biện pháp đấu tranh chống đại dịch Covid-19. Hoa Kỳ đã gửi đến Việt Nam 3 triệu liều vaccine Moderna. Thêm vào trong chuyến thăm là kế hoạch khai trương Văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong gặp gỡ tại Singapore
© REUTERS / Pool / Evelyn Hockstein
Có giả thiết cho rằng chủ nhà và vị khách Mỹ cũng sẽ đề cập đến các khía cạnh kinh tế của quan hệ song phương. Nhiều khả năng là phía Mỹ sẽ không nhắc đến vấn đề chính sách tiền tệ của Hà Nội, mà dưới thời chính quyền Trump vốn từng coi là không trung thực. Ngược lại, nữ sứ giả của Washington sẽ hối thúc đối tác Việt Nam tăng cường cung cấp các mặt hàng mà Hoa Kỳ hiện đang thiếu hụt do chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chẳng hạn như linh kiện điện tử, đồ điện gia dụng.
Sẽ đáng ngạc nhiên nếu như khi ở Hà Nội mà bà Harris không đặt ra vấn đề về quyền tự do dân sự. Ai cũng biết đây là chủ đề ưa thích của bà. Ở đây Nhà Trắng đã và vẫn có phiền trách đối với chính quyền nước CHXHCN Việt Nam. Hơn thế nữa, nhiều nhà phân tích cho rằng việc phát triển quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao mới là không thể, chừng nào chính quyền Việt Nam chưa có những bước đi nhất định theo hướng tự do hóa nhân quyền. Nhưng đừng quên rằng ở Hà Nội mọi người coi những cuộc trò chuyện về chủ đề này là sự can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.
Vì vậy, có lẽ đáng chú ý và mới mẻ nhất trong chuyến thăm này sẽ chỉ là bản thân động tác một Phó Tổng thống Hoa Kỳ đáp chuyến bay đến Việt Nam. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975.