Cuộc sống trong "Vùng đỏ” của người dân Hà Nội ra sao?

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau khi ghi nhận 22 ca mắc Covid-19, quận Đống Đa, Hà Nội quyết định phong tỏa hai phường Văn Miếu và Văn Chương từ ngày 21/08 đến ngày 04/09.
Sputnik
Các rào chắn tại phố Quốc Tử Giám, phố Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến … được lực lượng công an dựng lên, rào cứng các ngõ trên địa bàn hai phường Văn Miếu và Văn Chương. Cuộc sống của người dân tại vùng phong tỏa hiện tại như thế nào?
Đại dịch COVID-19
Viện dịch tễ TW: 31 triệu liều vaccine Pfizer cần được thông quan gấp

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Tròn hai ngày sau lệnh phong tỏa và cách ly y tế "vùng đỏ” phường Văn Miếu và Văn Chương, quận Đống Đa, các lực lượng chức năng đã khẩn trương bố trí lực lượng, làm nhiệm vụ chốt tại các vị trí quy định, đảm bảo toàn bộ người dân 2 khu này nội bất xuất, ngoại bất nhập. Gần 100 cán bộ chiến sỹ tăng cường cho các chốt. Trong đó, toàn bộ 17 chốt phong tỏa có Chỉ huy các đội nghiệp vụ trực 24/24 để kịp thời xử lý các tình huống.
Tại phường Văn Miếu, đến thời điểm này, UBND phường đã chỉ đạo triển khai xong 14 chốt kiểm soát tại các khu dân cư. Cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Viết Long, trú tại 113 Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa cũng không có gì quá xáo trộn. Chia sẻ với Sputnik, anh Nguyễn Viết Long cho biết:
“Sinh hoạt cũng không có gì bị đảo lộn nhiều, duy chỉ có hiện nay là không được đi ra khỏi địa bàn mình sinh sống. Trước đó, nhà tôi không nằm trong khu vực cách ly nên vẫn đi ra siêu thị hay chợ theo giờ trên phiếu đi chợ được phát. Tuy nhiên, hiện nay là phong tỏa toàn bộ phường nên "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Phường đều có giải pháp để đảm bảo cuộc sống của người dân. Tôi nghĩ rằng, không có gì xáo trộn, mọi việc đều ổn định, không phải chỉ nhà mình mà tất cả các nhà xung quanh đều như vậy” - Anh Long cho biết thêm.
Cán bộ dân phòng hướng dẫn người dân nhận và gửi hàng thiết yếu tại một chốt phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa.
Mọi việc cung ứng hàng hoá cho người dân đều phải thực hiện tại chốt kiểm soát, đảm bảo an toàn 5K chống dịch. Chị Trần Bảo Ngọc, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Văn Miếu, quận Đống Đa, chia sẻ với Sputnik:
“Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ đợt dịch này hầu hết là các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh nên hỗ trợ được ở một số khung giờ nhất định tại các điểm tiêm phòng, điểm xét nghiệm. Sau khi phong toả, Đoàn thanh niên lập ra đội hỗ trợ vận chuyển để giúp đỡ người dân trên địa bàn".

Ứng dụng triệt để công nghệ 4.0

Theo chị Trần Bảo Ngọc, Bí thư Đoàn thanh niên phường Văn Miếu trao đổi với Sputnik cho biết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong khu vực phong tỏa giúp công tác hỗ trợ người dân thuận lợi hơn.
“Đa số người dân đều truy cập và cập nhật thông tin trên fanpage Facebook "Tôi yêu phường Văn Miếu - Quận Đống Đa”. Bằng hình thức này, chúng tôi dễ dàng triển khai hoạt động và người dân cũng dễ dàng nắm bắt thông tin hơn”.
Đoàn thanh niên và lực lượng công an phường Văn Miếu, quận Đống Đa phân loại hàng hoá gửi tới các hộ gia đình trong khu phong toả
Theo thông tin của Quận Đống Đa, người dân phường Văn Miếu nhận nhu yếu phẩm tại 2 chốt Văn Miếu - Nguyễn Thái Học và chốt Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn. Đây là 4 chốt mở trong 17 chốt kiểm soát phòng chống dịch, phong tỏa của quận Đống Đa. Ngoài 4 chốt này, người dân không được tiếp nhận hàng hóa bất kể hình thức nào tại 13 chốt còn lại. Chính trong lúc này, mua hàng trực tuyến là phương thức được áp dụng triệt để.
“Tôi thấy công tác hỗ trợ người dân trong vùng phong tỏa được triển khai khá tốt. Thứ nhất, về tổ chức của phường như Hội Phụ nữ hay Hội Cựu chiến binh ...trước khi phong tỏa có đến từng nhà phát quà thực phẩm cho các hộ dân, đặc biệt là những hộ nằm trong diện ưu tiên. Thứ hai, phường cũng hướng dẫn mua thực phẩm, nhu yếu phẩm online tại siêu thị Vinmart+ Trần Quý Cáp và Ngô Sỹ Liên, thanh toán online, đội thanh niên tình nguyện sẽ mang tới tận nhà theo ngày thông báo” - Anh Nguyễn Viết Long chia sẻ với Sputnik.
Ngoài nhu yếu phẩm, sức khỏe của người dân trong khu phong tỏa cũng là một trong những điểm được mọi người dân quan tâm. Anh Nguyễn Viết Long cho biết thêm:
“Bây giờ thời buổi công nghệ, mặc dù gia đình tôi có bố mẹ U90 nhưng tôi không nghĩ đây là điều gì quá khó khăn. Nếu mình chỉ ốm bình thường thì hiện nay có ứng dụng "Bác sĩ online”, mình có thể khám bệnh trực tiếp. Trong trường hợp sức khoẻ gặp khó khăn thì có thể gọi phường trợ giúp. Phường cũng có số điện thoại hotline cơ quan y tế để người dân có thể gọi điện trực tiếp nhờ trợ giúp”.

Đảm bảo cuộc sống người dân ở mức tốt nhất

Đoàn thanh niên phường Văn Miếu, quận Đống Đa hỗ trợ người dân vận chuyển nhu yếu phẩm tới các hộ gia đình trong khu phong toả
Kể từ khi thực hiện lệnh phong toả, từng con đường, góc phố không còn tiếng còi xe, cũng vắng bóng người qua lại, một sự yên ắng “lạ thường”, khiến cho những người từng sống lâu năm ở góc phố náo nhiệt, ồn ào như Văn Chương, Trần Qúy Cáp không khỏi ngỡ ngàng. Tại đầu các con ngõ, những hàng rào phong tỏa vẫn nằm im lìm, kiên trì canh giữ, bó chặt “vùng đỏ”, bảo vệ “vùng xanh”. Tiếng bước chân người chiến sĩ tuần tra trên từng con đường, góc phố dường như là thanh âm duy nhất khi đêm xuống. Chia sẻ với Sputnik, chị Trần Bảo Ngọc, Bí thư Đoàn thanh niên phường Văn Miếu cho biết:
“Khó khăn nhất bây giờ là về người. Lực lượng thanh niên tham gia đều thuộc địa bàn phường. Đầu tiên phải đảm bảo sức khỏe cho các bạn. Vấn đề thứ hai là về phía gia đình. Không phải bạn nào cũng được tham gia và được gia đình ủng hộ. Vì vậy lực lượng khá mỏng. Lượng hàng vận chuyển quá lớn, cho đến hiện tại thì hơi quá sức với đoàn thanh niên nhưng chúng tôi rất cố gắng. Tôi mong người dân chấp hành tốt các quy định để đảm bảo phòng, chống dịch, giảm bớt vất vả cho lực lượng tuyến đầu, sớm dập dịch”.
“Tôi rất hài lòng về công tác hỗ trợ người dân tại phường Văn Miếu. Vì mọi người dân ở đây đều là người có ý thức. Chưa hề có tình trạng người dân thiếu thực phẩm hay người già thiếu thuốc men trong khu phong toả. Tất cả người dân có ý thức thì tình hình dịch bệnh sẽ được cải thiện” - Anh Nguyễn Viết Long chia sẻ với Sputnik cảm nghĩ của mình.
Có thể 14 ngày trong "vùng đỏ” không phải là một thời gian dài, nhưng đây là khoảng thời gian cần sự chung sức, đồng lòng của người dân và các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch để cả thành phố sớm trở lại "bình thường mới".
Thảo luận