Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định, Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với Hoa Kỳ và hy vọng chuyến thăm Hà Nội lần này mở ra trang lịch sử mới trong quan hệ hai nước.
Không có hội chứng Havana nào, Phó Tổng thống Mỹ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ra sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam ba ngày từ 24/8-26/8 mà không hề chứng kiến cái gọi là hội chứng Havana như người ta đồn đoán khi chuyến bay của nhà lãnh đạo Mỹ từ Singapore đến Hà Nội bị chậm hơn so với dự kiến.
Căn cứ vào lịch trình do Văn phòng Phó Tổng thống Hoa Kỳ công bố, chuyên cơ Không lực 2 của bà Kamala Harris rời Việt Nam vào lúc 16h20 theo giờ Hà Nội.
Giữa chặng bay, Không lực 2 sẽ dừng tại đảo Guam Mỹ để tiếp nhiên liệu.
Sau chuyến công du Việt Nam, bà Kamala Harris sẽ đến thành phố Honoluu, bang Hawaii, Hoa Kỳ, gặp gỡ các binh sĩ thuộc căn cứ quân đội Pearl Harbor – Hickam.
Kế tiếp Honoluu, dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục lên đường tới San Francisco, California.
Dù mang khẩu trang trong suốt hành trình, chuyến thăm, công du, làm việc tại Việt Nam, tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ và trạng thái tinh thần của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, có thể thấy, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris luôn tích cực, phấn khởi, thoải mái khi làm việc với đại diện lãnh đạo cấp cao Việt Nam với nguồn năng lượng tích cực.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ra sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam.
© AFP 2023 / Evelyn Hockstein
Đây là dấu hiệu cho thấy, quá trình hội kiến, thảo luận về các vấn đề chung song phương, người phụ nữ quyền lực nhất Nhà Trắng luôn trong tâm thế khá thoải mái tinh thần và cởi mở. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy bà Harris bị ảnh hưởng bởi những tin đồn xung quanh “hội chứng Havana” với các triệu chứng điển hình như “chóng mặt, mờ mắt, rối loạn nhận thức, khó tập trung, mất trí nhớ, mất ngủ..” như người ta miêu tả.
Có thể khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho cả hai bên với nhiều điểm nhấn, hoạt động, kết quả thiết thực có ý nghĩa.
Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt với Mỹ
Trước khi ra sân bay Nội Bài, lên Không lực 2 rời Hà Nội về Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả chuyến công du, thăm và làm việc tại Việt Nam trong ba ngày từ 24/8-26/8.
Mở đầu cuộc họp báo, bà Kamala Harris tái khẳng định, bản thân bà rất tự hào khi là Phó Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Đáng chú ý, lãnh đạo Nhà Trắng còn khẳng định, chuyến đi này báo hiệu khởi đầu một chương mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Mối quan hệ Việt – Mỹ là lâu bền. Tôi hy vọng chuyến thăm lần này có thể mở ra chương mới cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Washington có cam kết lâu dài cho quan hệ với Hà Nội vì nó quan trọng đối với người dân, đối với an ninh, sự thịnh vượng của nước Mỹ và bà tin với người dân Việt Nam cũng vậy.
“Chúng ta hiện đang tăng cường quan hệ đối tác. Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề và thách thức truyền thống, và cả những thách thức trong tương lai, để thấy rằng trong những thách thức đó, cũng là những cơ hội mà chúng ta có để tạo ra những khía cạnh mới trong mối quan hệ Việt – Mỹ”, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh.
Đánh giá những gì hai nước đạt được cùng nhau là đáng kể, bà Harris cho biết, thời gian tới hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác, sẽ cùng nắm bắt cơ hội. Bà Harris nhắc lại những giúp đỡ quý báu của Việt Nam hồi năm 2020 dành cho Hoa Kỳ khi Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng lây lan coronavirus nghiêm trọng.
Đáp lại, theo bà Harris, Mỹ đã tập trung vào việc hỗ trợ các vấn đề y tế tại Việt Nam, gồm cả việc khai trương Văn phòng Đông Nam Á của CDC Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Cùng với đó, Mỹ cũng cung cấp các máy bảo quản vaccine – các tủ lạnh âm sâu và dành viện trợ hàng triệu USD cho công tác y tế công cộng ở Việt Nam.
Bà Harris đánh giá, Covid-19 vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Bà cũng nhắc đến việc sáng nay đã đến dự lễ trao lô vaccine Pfizer của Mỹ cho Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, nâng tổng số liều Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam lên thành 6 triệu liều vaccine Covid-19.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
© AFP 2023 / Pool / Evelyn Hockstein
“Chúng tôi hy vọng người dân Việt Nam biết rằng chúng tôi sát cánh cùng các bạn, khi các bạn đang chiến đấu với đợt bùng phát dịch này”, đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh Việt Nam đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với Hoa Kỳ, bà Kamala Harris nêu rõ, Hoa Kỳ cam kết giúp đỡ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng.
“Mối quan hệ chúng tôi đang có với Việt Nam là một mối quan hệ thực sự được xây dựng trên nền tảng sự thấu hiểu, mong muốn chung của hai bên nhằm tăng cường an ninh, kinh tế của cả hai nước, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai”, bà Harris tái khẳng định.
Ngoài các vấn đề này, theo Phó Tổng thống Mỹ, trong các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam, hai bên cũng dành nhiều thời gian bàn bạc về các vấn đề hợp tác liên quan đến chuỗi cung ứng, mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu như Covid-19 và việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, tác động của đại dịch đến nền kinh tế toàn cầu, tốc độ hồi phục, ảnh hưởng đến các lực lượng lao động hay mối quan ngại đến tình trạng xói mòn thượng nguồn sông Mekong.
Cho rằng các vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Mỹ, theo bà Kamala Harris, tất cả đều có thể đối thoại và hành động cùng nhau, cả về đầu tư vào đổi mới và công nghệ, cũng như suy nghĩ về cách có thể phát triển nền kinh tế của mình, bên cạnh các giải pháp như năng lượng tái tạo.
Bà Kamala Harris cũng đặc biệt hoan nghênh việc Việt Nam tham gia các sáng kiến cải tiến nông nghiệp vì khí hậu, nhằm đẩy mạnh nhanh việc áp dụng nông nghiệp thông minh, đảm bảo phát triển bền vững.
Đông Nam Á là trọng tâm và Việt Nam đặc biệt quan trọng
Liên quan đến các vấn đề hợp tác kinh tế, trong bối cảnh đại dịch, bà Harris cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế.
Ví dụ điển hình là trong cuộc gặp của bà với Thủ tướng Phạm Minh Chính hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Các nội dung về cắt giảm thuế quan, không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tránh trừng phạt, hạ thuế với các mặt hàng nông sản nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hai bên đang cố gắng đảm bảo hợp tác kinh tế cùng có lợi, bền vững.
Đáng chú ý, trong cuộc họp báo, bà Kamala Harris cũng nhấn mạnh, Đông Nam Á là trọng tâm của khu vực này, và Việt Nam có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Mỹ, cũng như Singapore, nơi bà vừa có chuyến thăm thời gian qua.
“Mỹ sẽ tăng cường các quan hệ với các đồng minh và đối tác và thúc đẩy những lợi ích của chúng tôi theo cách thức hợp tác để đối phó với những thách thức chung”, Phó Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Cũng nhân dịp này, bà Harris tái khẳng định cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.
“Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để đối phó với những mối đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, bà Kamala Harris khẳng định.
Thông qua những cuộc gặp gỡ trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh rằng, Washington nhận thấy tiềm năng to lớn của khu vực này, và Mỹ có khả năng và mong muốn thực hiện những mục tiêu và lợi ích chung.
“Mỹ sẽ vẫn ở khu vực này trong những năm tới”, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nêu rõ.
Đề cập đến thỏa thuận thuê đất 99 năm để xây khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới, cho rằng điều này là bằng chứng cho cam kết lâu dài của Mỹ đối với Việt Nam.
“Khi chúng tôi nói về mở ra chương tiếp theo của mối quan hệ, chúng tôi cũng rất tự hào rằng trong chuyến đi này, chúng tôi đã có thể ký thỏa thuận thuê đất có thời hạn 99 năm, để thành lập Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội. Hợp đồng thuê 99 năm như một bằng chứng về cam kết lâu dài của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Việt Nam”, bà Harris bày tỏ.
Bên cạnh đó, đại diện Nhà Trắng hiểu rằng, cả Mỹ và Việt Nam đã vượt qua quá khứ khó khăn để trở thành đối tác tin cậy, trong đó Phó Tổng thống Harris cam kết với các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam quyết tâm của Mỹ trong việc tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nhà Trắng nói gì về kết quả chuyến thăm Việt Nam của bà Harris?
Nhà Trắng đã ra Tuyên bố về việc tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam.
Theo Nhà Trắng, năm ngoái Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ song phương giữa 2 nước đã đạt được những bước tiến đáng kể, Hà Nội và Washington hiện hợp tác trong nhiều vấn đề, bao gồm chống lại Covid -19 và chuẩn bị cho các mối đe dọa an ninh y tế trong tương lai, chống biến đổi khí hậu, và giải quyết những vấn đề còn tồn tại chung liên quan đến tàn tích của chiến tranh.
“Mỹ đã sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế của mình với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và thị trường xuất khẩu hàng đầu trên toàn thế giới. Chúng tôi đang củng cố lẫn nhau”, Nhà Trắng khẳng định.
Thông cáo cũng khẳng định, chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam thể hiện cam kết sâu sắc của Mỹ không chỉ đối với khu vực, mà còn đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Trong các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Phó Tổng thống Harris đã tái khẳng định cam kết của Mỹ về một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, vững mạnh và kiên cường.
Chính quyền Tổng thống Biden nêu rõ, một nền kinh tế Việt Nam sôi động là rất quan trọng đối với các chuỗi cung ứng mà người Mỹ có sự phụ thuộc nhất định.
“Mối quan hệ an ninh của chúng tôi đã mở rộng đáng kể khi chúng tôi ủng hộ độc lập và chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải”, Nhà Trắng nêu rõ.
Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã nâng cao năng lực để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu.
Về lĩnh vực Covid-19 và an ninh Y tế: Phó Tổng thống củng cố cam kết của Hoa Kỳ trong việc dẫn đầu thế giới nỗ lực dứt đại dịch Covid -19. Bà đã thông báo về việc tài trợ vaccine Covid-19 mới cho Việt Nam, hỗ trợ quan trọng cho việc phân phối vaccine và việc mở văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á mới để tăng cường hợp tác an ninh y tế.
Về viện trợ vaccine: Nhận thấy thiệt hại nghiêm trọng mà Covid-19 đã gây ra cho cả hai quốc gia, Phó Tổng thống Harris đã công bố Mỹ sẽ tài trợ thêm một triệu liều vắc-xin của Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số liều vắc-xin mà Mỹ tài trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều.
Về hỗ trợ vật tư y tế trong chương trình mục tiêu chống Covid-19: Thông qua Đạo luật Kế hoạch Cứu hộ Hoa Kỳ (ARPA) và các nguồn tài trợ hỗ trợ khẩn cấp khác cho đến nay, USAID và CDC đang hỗ trợ Việt Nam ứng phó với Covid -19 với khoản viện trợ trị giá trên 23 triệu USD.
“Sự hỗ trợ này sẽ thúc đẩy việc tiếp cận công bằng và cung cấp vaccine Covid -19 an toàn và hiệu quả, củng cố hệ thống y tế của Việt Nam để ứng phó với Covid -19 và xây dựng năng lực để phát hiện và giám sát Covid -19 và các mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai”, Mỹ nhấn mạnh.
Ngoài ra USAID cũng cung cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 1 triệu USD để giảm tác động và ngăn chặn sự lây lan của Covid -19 đối với nhóm dễ bị tổn thương trong cộng đồng.
Hỗ trợ phân phối vaccine: Bộ Quốc phòng đã cam kết cung cấp 77 tủ đông âm sâu dự trữ vaccine ở nhiệt độ cực thấp để hỗ trợ các nỗ lực phân phối vaccine ở tất cả 63 tỉnh thành. Các tủ đông này được thiết kế đặc biệt để đáp ứng các yêu cầu bảo quản vaccine khắc nghiệt nhất, nâng cao đáng kể mạng lưới phân phối và tiến hành tiêm chủng quốc gia của Việt Nam.
Hoạt động hỗ trợ khẩn cấp: Thông qua cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng, Hoa Kỳ đã thành lập hai Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Y tế Công cộng Khu vực, hiện đang hoạt động 24/7 để thu thập và chia sẻ thông tin giám sát Covid -19 thông qua Bộ Y tế Việt Nam.
Việc ra mắt, khai trương Văn phòng Khu vực Đông Nam Á mới của CDC Hoa Kỳ: Phó Tổng thống đã dự lễ khai trương Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội cùng với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và các Bộ trưởng Y tế ASEAN, Papua New Guinea.
Văn phòng CDC sẽ thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu bằng cách duy trì sự hiện diện bền vững trong khu vực, cho phép phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các mối đe dọa sức khỏe — bất cứ khi nào chúng xảy ra — và củng cố sứ mệnh cốt lõi của CDC là bảo vệ người dân.
Chống biến đổi khí hậu: Hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch.
Tận dụng Khu vực tư nhân trong Hành động vì Khí hậu: USAID và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng cơ hội thị trường cho các công ty Hoa Kỳ và củng cố chính sách môi trường của Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ này với VCCI sẽ cải thiện trọng tâm của VCCI vào tính bền vững, công nghệ xanh và biến đổi khí hậu. USAID cũng dự định hỗ trợ VCCI xây dựng Chỉ số Xanh để giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ lựa chọn các tỉnh đang đầu tư vào các hoạt động xanh, phát triển kinh tế bền vững.
Mở rộng Năng lượng sạch và Xe điện: Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II), một dự án 5 năm trị giá 36 triệu USD của USAID nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền sạch, an toàn và định hướng thị trường hệ thống năng lượng.
Dự án sẽ hoạt động để cải thiện quy hoạch năng lượng của chính phủ, tăng cường cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân Hoa Kỳ tham gia vào việc cung cấp dịch vụ năng lượng và tăng cường hệ thống năng lượng sạch. Dự án sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô áp dụng xe máy điện và thực hiện cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.
Bảo vệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Thông qua USAID, chính phủ Hoa Kỳ đã khởi động dự án Bảo tồn môi trường sống ven biển sông Mekong, một dự án mới kéo dài 3 năm, trị giá 2,9 triệu USD với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Dự án này nhằm bảo vệ các sinh cảnh ven biển trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phục vụ nghề cá bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tăng cường nền nông nghiệp thông minh, đảm bảo phù hợp và có ích cho khí hậu: Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam tham gia Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM4C), một sáng kiến được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Tổng thống Biden sẽ được đưa ra tại COP-26 vào tháng 11 năm 2021. Các bên tham gia AIM4C sẽ cùng làm việc để tăng tốc đổi mới nông nghiệp toàn cầu và áp dụng các công nghệ thông minh với khí hậu.
Hỗ trợ Phát triển và Tiếp cận Thị trường: Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến nỗ lực của Chính quyền Biden-Harris nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cơ hội. Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố dự án Cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân (IPSC), một nỗ lực hàng đầu của USAID trị giá 36 triệu USD nhằm phát triển phụ nữ và các doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ và thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở các khu vực nông thôn thông qua việc áp dụng công nghệ mới của Mỹ.
Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số. Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố Lực lượng lao động cho Hệ sinh thái Khởi nghiệp và Đổi mới (WISE), một dự án của USAID cung cấp tới 2 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ một nền kinh tế sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp ngành công nghiệp cho lực lượng lao động được trang bị tốt hơn để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Xây dựng các kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam sẽ tăng cơ hội giao thương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và sẽ thúc đẩy các công nghệ của Hoa Kỳ.
Giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ: Nông dân Hoa Kỳ và các nhà sản xuất thịt lợn sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các thị trường ở Việt Nam - thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ bảy của Mỹ - do Việt Nam tích cực xem xét đề xuất Washington về loại bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với ngô, lúa mì và các sản phẩm từ thịt lợn.
Theo Nhà Trắng, việc cắt giảm thuế quan này cho phép nông dân Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Về giải quyết các vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh: Phó Tổng thống Mỹ cam kết với các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam rằng Mỹ quyết tâm tiếp tục giải quyết các vấn đề chung còn tồn lại sau chiến tranh. Mỹ cam kết cấp thêm 17,5 triệu USD cho công tác khảo sát và rà phá vật liệu chưa nổ. Thông qua USAID, Chính phủ Mỹ đã công bố hai dự án tài trợ mới do các tổ chức địa phương của Việt Nam thực hiện nhằm hỗ trợ người khuyết tật, với tổng ngân sách khoảng 4 triệu USD.
Về hợp tác an ninh: Mỹ ủng hộ Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật và an ninh biển của mình. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, bao gồm các hoạt động nhân đạo như Chương trình Đối tác Thái Bình Dương và các chuyến thăm của tàu Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay.
Đáng chú ý, trong đó có khả năng cung cấp tàu tuần tra thứ ba của Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho Cảnh sát biển Việt Nam, việc này sẽ do Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác nhân đạo và ứng phó thảm họa.
Đầu tư vào quan hệ song phương, theo Nhà Trắng, Phó Tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo Việt Nam tái khẳng định sức mạnh của Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Mỹ, thể hiện qua việc ký kết thỏa thuận thuê đất cho việc xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới và ra mắt Chương trình Hòa bình Việt Nam.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ra sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam.
© AFP 2023 / Evelyn Hockstein