Việt Nam có thể học mô hình của Trung Quốc tăng đầu tư vào Mỹ và ra nước ngoài

Thống kê mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy, Việt Nam đã đầu tư 1.428 dự án ra nước ngoài với trị giá vốn trên 21,8 tỷ USD, trong đó, đầu tư sang Mỹ tăng đột biến.
Sputnik
Điều này chứng minh, đâu chỉ các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, giới siêu giàu Mỹ mới có thể rót vốn vào Việt Nam, chính người Việt, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gây bất ngờ với thế giới bằng cách mở rộng đầu tư kinh doanh ra ngoài lãnh thổ.
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình từ Trung Quốc trong xu hướng việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài, nhất là rót vốn vào Hoa Kỳ. Đây là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất.

Singapore dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số này, có 11,33 tỷ USD vốn đăng ký mới của 1.135 dự án, tăng 16,3% về số vốn và giảm 36,8% về số dự án so với cùng kỳ.
Việt Nam bất ngờ đầu tư hơn 300 triệu USD vào Mỹ và đó là Vingroup
Ngoài ra, có gần 5 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm, tăng 2,3% so với cùng kỳ, của 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%).
Đồng thời, còn có 2,81 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,4% so với cùng kỳ.
Như vậy, cùng với vốn đăng ký mới tiếp tục duy trì tăng thì vốn điều chỉnh cũng đã tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 7 tháng. Tuy nhiên, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm, dù mức giảm đang được cải thiện dần.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 8 tháng qua, có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 79,4% và 73,9% tổng vốn đăng ký.
Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Các số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cũng thể hiện rõ, vốn đầu tư của Singapore đã gấp 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản và gấp gần 2,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc.
“Nguyên nhân chủ yếu là do Singapore có dự án điện khí 3,1 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư hồi đầu năm. Riêng dự án này đã chiếm tới 50% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam trong 8 tháng qua”, Cục cho hay.
Trong khi đó, Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ ba về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn.
Đầu tư ở Việt Nam: Có tiền nên gửi ngân hàng, mua vàng hay bất động sản?
Cục Đầu tư nước ngoài  nhấn mạnh, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất.
Về lĩnh vực đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 8 tháng qua, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.
Tuy nhiên, tính cả 8 tháng năm 2021 vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ.

Việt Nam đã đầu tư 21,8 tỷ USD ra nước ngoài

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm 570,1 triệu USD, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến 20/08/2021, Việt Nam đã có 1.428 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 21,8 tỷ USD.
Việt Nam có thể trở thành “ngôi sao sáng” trong khu vực đối với các nhà đầu tư
Đến nay, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực khai khoáng (36,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,8%); Campuchia (13,1%); Nga (12,9%);…
Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 575 triệu USD (tăng gần 74,1% so với cùng kỳ).
Trong đó có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 150,1 triệu USD (bằng 68,7% so với cùng kỳ) và 13 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 424,9 triệu USD (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ).
Cục lưu ý, có 28 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp (DN) Việt Nam ra nước ngoài với tổng số vốn 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,8 triệu USD, gấp 9,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 1 dự án của VinFast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Cần lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang gây bất ngờ với thế giới khi xóa bỏ đi định kiến rằng, chỉ có xu hướng tiền đổ về Việt Nam. Quá trình tìm kiếm cơ hội của doanh nghiệp Việt ở các sân chơi nước ngoài vốn đã diễn ra trong nhiều năm nay.
Chuyên gia Mỹ: 'Việt Nam sẽ dập dịch thành công, sẵn sàng đón đầu tư nước ngoài vào'
Gần đây, đáng chú ý nhất chính là các hoạt động đầu tư liên quan đến tập đoàn tư nhân hàng đầu đất nước Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Những tháng đầu năm 2021 này, Vingroup ngoài điều chỉnh tăng 300 triệu USD vốn đầu tư sang Mỹ, đồng thời đổ vốn vào các dự án khác ở Đức, Pháp, Hà Lan, Canada với vốn đầu tư mỗi dự án là 32 triệu USD, còn tập trung vào dự án tại Singapore có số vốn đăng ký 20,5 triệu USD với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ôtô…
Đồng thời, trong 8 tháng năm 2021, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 lĩnh vực.
Trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 47,1% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 150,9 triệu USD, chiếm 26,2%; tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,...
Có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021.
Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,8 triệu USD, chiếm 52,7% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư 89,4 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.
 Tiếp theo lần lượt là Lào, Canada,… với vốn đầu tư đạt 47,8 triệu USD và 32,1 triệu USD.
Lĩnh vực tài chính ngân hàng, Việt Nam đã không chỉ giới hạn trong một số nước lân cận như Lào, Campuchia mà mở rộng hơn. Điển hình như cuối năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã mở văn phòng đại diện ở Mỹ sau khi được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phê duyệt hồ sơ xin cấp phép và được cơ quan quản lý nước này cấp giấy phép hoạt động tại Mỹ.
Giữa năm 2020, Công ty TNHH Vonfram Masan - công ty con do Công ty CP Tài nguyên Masan sở hữu 100% vốn, thuộc Tập đoàn Masan cũng hoàn tất giao dịch mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh vonfram từ H.C.Starck Group GmbH (Đức) - tập đoàn chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao.
Trong báo cáo thường niên năm 2020 vừa công bố, Tập đoàn Masan cho biết việc mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở lại nhà chế biến sâu hóa chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu. Hiện trong lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, Masan đã xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Cái tên khác không thể thiếu là Viettel, cũng đều tăng thị phần, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Haiti tăng 1,5%, Peru tăng 1,4%. Các thị trường vẫn giữ vị trí dẫn đầu là Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Tại Myanmar, Viettel đã tiến gần đến vị trí số 1 với 30,8% thị phần viễn thông.

Việt Nam có thể học hỏi từ Trung Quốc về xu hướng đầu tư ra nước ngoài?

Giới chuyên gia đánh giá cao động thái gia tăng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong khối tư nhân.
Theo TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới trao đổi với NLĐ, việc doanh nghiệp Việt Nam tăng đầu tư sang các thị trường lớn, có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao như Mỹ, Canada, châu Âu... là tín hiệu tốt, cho thấy chất lượng đầu tư được cải thiện.
Tập đoàn AVG của Nga đầu tư vào khu chế biến thịt lợn 1,4 tỷ USD của Việt Nam
Theo TS.Võ Đại Lược, trước đây, đầu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp nhà nước và các thị trường lân cận trong khu vực thì nay doanh nghiệp tư nhân đã tăng đầu tư ra nước ngoài với số vốn đáng kể.
“Quan trọng nhất, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã không dừng lại ở nông nghiệp với giá trị gia tăng thấp mà đang chuyển hướng sang lĩnh vực dẫn đầu là công nghệ, không chỉ cho thấy trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo cơ hội lớn cho hoạt động liên kết, nhập khẩu công nghệ về ứng dụng trong nước”, TS Võ Đại Lược chỉ rõ.
Đặc biệt, dẫn chứng Trung Quốc đầu tư rất lớn sang Mỹ, TS. Võ Đại Lược cho rằng đây là mô hình để Việt Nam học hỏi.
“Vì dòng đầu tư xuyên quốc gia đang là xu thế của thế giới với sự tham gia của hầu hết các nước phát triển và nước đang phát triển tốp trên”, ông Lược nhận định.
Theo vị chuyên gia, để khuyến khích doanh nghiệp, Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt thủ tục pháp lý cần thiết, tư vấn pháp luật, thông tin về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của nước đối tác.
Việt Nam trở thành “miền đất hứa” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
TS. Võ Đại Lược lưu ý thêm, trong đó, ngoài ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước, cần đặc biệt quan tâm đến khối tư nhân bởi trong khối này đang nổi lên những tập đoàn có tiềm lực mạnh, có thể vươn xa ra thế giới.
Chia sẻ chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đánh giá Mỹ là thị trường đầu tư tiềm năng và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi quan hệ giữa 2 bên ngày càng tốt hơn và Mỹ đã bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Mặt khác, việc doanh nghiệp Việt Nam cố gắng trong xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng là tín hiệu hội nhập rất tích cực.
Theo chuyên gia, việc khuyến khích các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, từ đó góp phần tạo chuỗi cung ứng trong - ngoài nước liền mạch và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với tâm thế bình đẳng.
“Chính sách dành cho doanh nghiệp sắp tới đây phải là chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn, thay vì dàn đều hoặc ưu ái doanh nghiệp FDI”, ông Toàn lưu ý.
Đầu tư vào nội hàm và phát triển, tăng cường sức mạnh cho chính các doanh nghiệp Việt Nam mới là hướng đi khôn ngoan nhất
Thảo luận