Ông Nguyễn Huy Tăng và nhiệm vụ chính trị quan trọng từ Việt Nam sang Campuchia

Việt Nam đang chú ý, ưu tiên hơn đến quan hệ với Campuchia. Ông Nguyễn Huy Tăng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương vừa được Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia nhiệm kỳ 2021-2024.
Sputnik
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp toàn diện vào thúc đẩy quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác lâu đời giữa Việt Nam – Campuchia.
Ông Nguyễn Huy Tăng được kỳ vọng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Việt Nam về quan hệ với Campuchia.

Ông Nguyễn Huy Tăng làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia cho ông Nguyễn Huy Tăng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương.
Lễ bổ nhiệm vị trí Đại sứ quan trọng này diễn ra ở Phủ Chủ tịch ngày 1/9.
Lực lượng biên phòng Việt Nam và Campuchia phối hợp chống dịch Covid-19
Có thể thấy rằng, việc Việt Nam chọn một nhân vật lãnh đạo quan trọng như ông Nguyễn Huy Tăng – vốn làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương làm Đại sứ ở Campuchia cho thấy, Hà Nội đang dành sự ưu tiên, chú ý hơn, trong phát triển quan hệ với nước láng giềng phía Tây Nam của mình.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại sứ Nguyễn Huy Tăng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Campuchia đúng vào dịp đặc biệt là kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9.
Ông Nguyễn Huy Tăng sinh năm 1962, quê quán xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông có vốn ngoại ngữ tiếng Khmer và tiếng Anh. Giai đoạn 2000-2003, ông công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia với vai trò là Bí thư thứ nhất. Năm 2004, ông bắt đầu công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương.
Từ năm 2011, ông làm Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, đến năm 2018 ông làm Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tân Đại sứ Nguyễn Huy Tăng ở Campuchia

Phát biểu trong lễ trao Quyết định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đóng góp toàn diện vào thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
Campuchia đóng cửa hoàn toàn biên giới với Việt Nam trong một tháng
Đáng chú ý, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đại sứ Nguyễn Huy Tăng Đại sứ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc và ngoại giao Việt Nam, quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng, từ đó đóng góp vào thực hiện phương châm phát triển quan hệ hợp tác hai nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc muốn Đại sứ Nguyễn Huy Tăng tiếp tục giúp hiện thực hóa đường lối ngoại giao của Việt Nam – tự chủ, độc lập, là bạn bè, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Từ đó, lãnh đạo Nhà nước muốn tân Đại sứ tiếp tục nâng cao tin cậy chính trị giữa hai nước, trong đó có việc chuẩn bị tốt các chuyến thăm cấp cao song phương.
Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu Đại sứ thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Campuchia, giúp bà con hòa nhập và thực hiện tốt pháp luật nước sở tại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nước sở tại và là cầu nối gắn kết quan hệ hai nước.
Ngoài ra, ông Nguyễn Huy Tăng cũng được kỳ vọng sẽ xây dựng tập thể Đại sứ quán đoàn kết, cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho đồng chí Nguyễn Huy Tăng.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Đại sứ góp phần vào việc hoàn thành việc phân giới cắm mốc hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
“Kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước đề xuất các biện pháp hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực”, Chủ tịch nước lưu ý.
Người đứng đầu Nhà nước cũng giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Huy Tăng trong việc tăng cường phối hợp, đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp từ các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trên tất cả lĩnh vực và phương diện song phương và đa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại- trong đó “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với kinh nghiệm, bản lĩnh ngoại giao, nỗ lực không ngừng của ông Nguyễn Huy Tăng, cũng như sự chung sức, đồng lòng của đồng chí, đồng bào trong nước, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia sẽ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam-Campuchia quan hệ tốt đẹp bất chấp Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng

Có thể khẳng định, đây là quyết định nhân sự quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam – Campuchia thời gian tới, nhất là trong bối cảnh, Trung Quốc được cho rằng đã thành “chủ nợ” lớn nhất của Campuchia và thường xuyên duy trì tầm ảnh hưởng ở đây.
Việt Nam - Campuchia chính thức có thêm cửa khẩu biên giới mới
Hồi cuối năm 2020, khi báo chí phương Tây từng nhận định rằng, quan hệ Việt Nam – Campuchia có thể bị ảnh hưởng khi Phnom Penh ngày càng xích lại gần hơn với Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào thời điểm đó đã khẳng định Việt Nam luôn luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài với Campuchia.
Đồng thời, Hà Nội cũng mong muốn đưa quan hệ hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Quan hệ Việt Nam - Campuchia giữ được đà phát triển tích cực thời gian qua trong bối cảnh đại dịch.
Hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Uỷ ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước đồng chủ trì. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng tích cực, trong 4 tháng đầu năm 2021 đã đạt 3,892 tỷ USD, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam và Campuchia cũng nhất trí tăng cường phối hợp quản lý biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh bất hợp pháp, đồng thời tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại biên giới, hoan nghênh việc đưa cặp cửa khẩu quốc tế Tân Nam (tỉnh Tây Ninh) – Mơn Chây (tỉnh Prey Veng) vào hoạt động từ ngày 31/5 vừa qua.
Lãnh đạo hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, cùng các quốc gia thành viên khác giữ vững đoàn kết và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN để ứng phó hiệu quả với các thách thức chung.
Trong các tuyên bố chính thức, Việt Nam khẳng định sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ để Campuchia tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM-13 (11/2021) và đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2022.
Thảo luận