Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 462.096 ca mắc COVID-19, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.700 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 457.882 ca, trong đó có 236.086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.
Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum, Nam Định, Vĩnh Phúc.
05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (221.254), Bình Dương (114.788), Đồng Nai (23.766), Long An (22.044), Tiền Giang (9.652).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30/8 là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
'Khoảng một tuần tới, số ca tử vong TP.HCM mới có hy vọng giảm'
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo thống kê đến sáng 31/8, thành phố có hơn 59.000 F0 được cách ly tại nhà. Những người này không có bệnh nền và không thuộc nhóm nguy cơ.
Hiện, thành phố có 312 trạm y tế phường, xã và có 414 trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 cách ly tại nhà. Ngoài, cơ quan chức năng cũng cấp 64.000 túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà. Tỷ lệ chuyển tuyến của các F0 cách ly tại nhà từ 0,4 đến 0,5%.
Về tình trạng tử vong tại TP.HCM, ông Châu cho biết nếu tính trên tổng số ca điều trị tại bệnh viện là 158.262 thì tỷ lệ tử vong là 5,8%. Nhưng nếu cộng thêm hơn 59.000 F0 đang điều trị tại nhà (F0 cách ly tại nhà + F0 điều trị tại bệnh viện) thì tỷ lệ này trong khoảng 4,2%.
Trong đó, tỷ lệ tử vong trên số ca điều trị tại tầng 2 là 4,4%, tầng 3 là 32%. Tỷ lệ này được tính bằng số ca tử vong trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại từng tầng. Ông Châu khẳng định TP.HCM đang nỗ lực mở rộng năng lực điều trị tại cả 2 tầng này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tùy giai đoạn, có nơi tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 2,1-4,4%. Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ:
"Tỷ lệ tử vong TP.HCM hiện nằm trong giới hạn cao. Ngành y tế TP đang tìm mọi cách để giảm con số này".
Về việc ngày 30/8 ghi nhận 335 ca tử vong trong khi những ngày trước đó có dấu hiệu giảm, ông Châu cho biết từ lúc một người nhiễm bệnh sẽ có độ trễ 5-7 ngày để virus phát triển để gây ra triệu chứng, có thể diễn tiến nặng.
Có 80% ca nhiễm sau 5-6 ngày sẽ tự thuyên giảm và tự khỏi. Số còn lại sau từ 7 đến 10 ngày sẽ diễn tiến nặng, tổn thương đường hô hấp và phải nhập viện.
Từ lúc nhập viện lại có thêm độ trễ khoảng 7 đến 10 ngày điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục hoặc phải thở máy xâm lấn. Như vậy, số ca tử vong cũng như nhập viện sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của TP.HCM.
"Sở nhận định có thể trong một tuần tới số ca tử vong mới có hy vọng cải thiện và giảm", ông Châu nói.
Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết số ca mắc mới phát hiện nhiều thì số ca hồi sức cũng tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị của hệ thống điều trị dẫn đến khả năng tử vong sẽ tăng.
Tính đến 18h ngày 30/8, TP.HCM có 216.314 trường hợp mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Hiện, thành phố đang điều trị 40.561 bệnh nhân, trong đó có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.752 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 110.269. Ngày 30/8 có 335 trường hợp tử vong. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 9.204.