Biển Đông

Lộ trình “xuống Nam lên Bắc” của Vương Nghị. Việt Nam là điểm dừng đầu tiên

“Sau khi Philippines đã “tái hồi Kim Trọng” với Mỹ thì những nước mà Bắc Kinh nhận thấy có tầm quan trọng cần thiết để duy trì, và nếu có thể, thì tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Tây Thái Bình Dương chính là bốn nước nằm trong lộ trình “xuống Nam lên Bắc” của ông Vương Nghị”.
Sputnik
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du châu Á từ ngày 10 tới 15/9. Việt Nam là nước đầu tiên trong hành trình này, tiếp theo là Campuchia, Singapore và Hàn Quốc. Phía Trung Quốc nhấn mạnh, đây là những đối tác quan trọng của Trung Quốc.

Lộ trình “xuống Nam lên Bắc” của ông Vương Nghị

“Sau khi Philippines đã “tái hồi Kim Trọng” với Mỹ thì những nước mà Bắc Kinh nhận thấy có tầm quan trọng cần thiết để duy trì, và nếu có thể, thì tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Tây Thái Bình Dương chính là bốn nước nằm trong lộ trình “xuống Nam lên Bắc” của ông Vương Nghị”, - Nhà phân tích các vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Sau khi mất các đồng minh trong dòng họ Shinawatra ở Thái Lan và không thể kéo Lào về phía mình và Myanmar vẫn đang ở “trong tình trạng khẩn cấp”, Campuchia là điểm ngắm của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đặc biệt là khi Campuchia vừa chủ trì Hội nghị cấp cao các nước tiểu vùng Sông Mekong (GMS) chủ yếu bàn về việc ổn định quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác chống đại dịch COVID-19 và chia sẻ nguồn nước sông Mekong.
Vì sao Ngoại trưởng Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cùng lúc đến Việt Nam?
“Bên cạnh đó, do chức vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021 đã được chuyển giao cho Brunei và tới năm 2022 thì đến phiên Campuchia, nên chuyến đi tới Phnompenh của ông Vương Nghị có thể sẽ là động thái “đi tắt đón đầu” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia để “tác động” tới quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong thời gian tới”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng đưa ra bình luận với Sputnik.
Đối với Singapore thì cả Mỹ và Trung Quốc đều cần đến nước này do vị trí kiểm soát cửa ngõ phía Nam của Biển Đông. Do đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều đặt nặng vấn đề Singapore trên bàn cờ “địa chiến lược” của mình.
“Vì hiểu rõ điều này nên trong nhiều năm qua, Singapore luôn giữ mối quan hệ cân bằng với Bắc Kinh và Washington để bảo đảm quyền lợi cho mình trong khi vẫn không làm mếch lòng các quốc gia khác trong khối ASEAN”, - Chuyên gia Hồng Long nêu ý kiến với Sputnik.
Từ sau khi cả hai nước Triều Tiên đều được quốc tế công nhận và trở thành hai thành viên mới của Liên hợp quốc vào ngày 17/9/1991, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế với Hàn Quốc nhằm vừa tạo thế cân bằng trên bán đảo Triều Tiên, vừa tranh thủ khai thác kỹ thuật và công nghệ của Hàn Quốc, đồng thời thu hút đầu tư từ Hàn Quốc để phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã được hưởng lợi rất lớn từ đầu tư FDI của Hàn Quốc. Ngược lại, cũng như Nhật Bản và Mỹ, Hàn Quốc rất cần tới Trung Quốc để tiết giảm căng thẳng giữa hai nước Triều Tiên và thúc đẩy giải quyết “hồ sơ hạt nhân” của Triều Tiên.
“Trước khi Hội nghị cấp cao Mỹ-Nhật-Hàn về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên diễn ra, Trung Quốc rất cần một sự ổn định ở Đông Bắc Á để có thể yên tâm gỡ những “nút thắt” trong vấn đề Biển Đông để triển khai các bước tiếp theo của “Con đường tơ lụa trên biển”, một trong hai nhánh chính của “Chiến lược Vành đai - Con đường”, - nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
“Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng hơn với Trung Quốc. Tất nhiên, không chỉ về thương mại, mà cả về địa chính trị. Hiện tại, chúng ta thấy rõ là Đông Nam Á đã trở thành khu vực địa lý quan trọng trong chính sách đối ngoại của cả Mỹ và Trung Quốc, - TS Hoàng Giang nêu đánh giá của mình với Sputnik.

Vương Nghị đến Hà Nội, 4 văn kiện đã được ký ngày 10/9

Đầu năm 2021, kế hoạch chuyến đi thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bị Việt Nam “từ chối khéo” với lý do không muốn để dư luận thế giới “đơm đặt” rằng Bắc Kinh chỉ đạo Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Phía Trung Quốc cũng đồng ý lùi thời gian tổ chức Phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Một là do tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp nên “kế hoạch tháng 7” bị lui lại. Hai là Việt Nam đã xếp lịch để đón Bộ trưởng ngoại giao Anh, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Phó tổng thống Mỹ nên Phiên họp Ủy ban hợp tác chỉ đạo Việt-Trung phải lùi sang đầu tháng 9.
Ông Vương Nghị đến Hà Nội từ sáng 10/9/2021 và các cuộc hội đàm đã diễn ra trong ngày với kết quả là 4 văn kiện đã được ký kết gồm:
Khác với nhiều lần trước, nội dung cuộc hội đàm của Ủy viên Quốc vụ (như Phó thủ tướng), Ngoại trưởng Vương Nghị và Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã được Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan truyền thống chính thức của Nhà nước Việt Nam tường thuật khá chi tiết.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ghi lưu bút
Trong hội đàm, hai bên chỉ chủ yếu bàn về các vấn đề quan hệ song phương, trong đó có nội dung kiểm điểm lại việc thực hiện các hiệp định về biên giới trên bộ, tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Điểm mới trong Phiên họp thứ 13 này là hai bên sẽ thúc đẩy các cơ chế đàm phán, hợp tác đạt tiến triển thực chất, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm, phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ cũng như đẩy nhanh hoàn thiện để ký kết Hiệp định mới về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ
“Bên cạnh đó, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh vẫn không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”, - Chuyên gia Hồng Long nêu nhận xét với Sputnik.
Trong các vấn đề quan hệ đa phương, hai bên chỉ bàn đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Trung Quốc – ASEAN, đồng thời, không bàn đến quan hệ giữa Trung Quốc hoặc Việt Nam với một bên thứ ba. Đây là nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau mà Việt Nam luôn luôn tuân thủ trong tất cả các hoạt động ngoại giao của mình.

Việt Nam và Trung Quốc không chỉ bàn về biển đảo hay mấy triệu liều vaccine

Theo đánh giá chung của các chuyên gia trả lời phỏng vấn cho Sputnik, Việt Nam có cách ứng xử của riêng mình đối với những vấn đề được cho là “căng thẳng ở Biển Đông” với 5 phương châm. Đó là “bình tĩnh”, sáng suốt”, “đúng mực”, “phù hợp” và “tôn trọng lẫn nhau”.
Gần đây nhất, khi Trung Quốc ban hành Luật An toàn giao thông hàng hải (sửa đổi) thì Việt Nam chỉ đề cập đến hai điều. Thứ nhất là chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy Trung Quốc không thể áp dụng luật này tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì đó là lãnh thổ của Việt Nam, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hai là việc Trung Quốc đặt ra Luật An toàn giao thông hàng hải (sửa đổi) là công việc thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Các chuyên gia có thể bình luận nhưng Nhà nước Việt Nam thì không can thiệp vào công việc nội bộ đó.
Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam?
“Nếu Trung Quốc làm sai, họ sẽ phải trả lời trước cộng đồng quốc tế, trước luật pháp quốc tế. Đó là sự “đúng mực”. Nhưng nếu Trung Quốc đem áp dụng luật đó ngoài phạm vi cho phép của UNCLOS-1982 và xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Đó là sự “phù hợp”. Còn trong các cuộc đàm phán, một nguyên tắc bất di bất dịch của Việt Nam là “không bàn đến bên thứ ba”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik .
Mặc dù có quan điểm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế nhưng việt nam luôn giữ quan điểm: “Chuyện riêng của ai người nấy biết”. Đó cũng là sự tế nhị trong quan hệ xã hội thông thường nhưng cũng lại là một trong các nguyên tắc của hoạt động đối ngoại. Đó là “tôn trọng lẫn nhau” hay nói đúng hơn là “tôn trọng quan hệ riêng của mỗi nước”. Nguyên tắc này xuất phát từ tính độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại.
“Cả ba yêu cầu “đúng mực”, “phù hợp” và tôn trọng lẫn nhau” đều rất quan trọng trong quan hệ quốc tế bởi người Việt Nam có câu “quá mù ra mưa”, Ý nói “một lời nói quá” có thể tạo ra “một hành động bạo lực”, - Chuyên gia Hồng Long nói tiếp với Sputnik.
Trên cơ sở những điều đã được đề cập ở trên, cuộc hội đàm Việt - Trung có chủ đề rất rộng lớn của Phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc do hai người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước đồng chủ trì. Rất nhiều vấn đề hợp tác được đặt ra, được kiểm điểm và đánh giá trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, y tế, bảo vệ môi trường, hợp tác về quân sự và bảo vệ pháp luật,.v.v…
“Mục tiêu của Phiên họp thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc là gặp gỡ, trao đổi trực tiếp các vấn đề trong quan hệ hai nước, nhằm tháo gỡ những tồn tại khó khăn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển, đạt được những thành quả mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của hai quốc gia, cũng như của khu vực và thế giới,chứ không đơn giản chỉ bàn về biển đảo hay mấy triệu liều vaccine”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
“Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công bố: Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc xin cho Việt Nam trong năm nay. Như vậy tổng số vắc xin Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam sẽ lên tới 5,7 triệu liều. Ngoài ra, cũng theo lời ông Vương Nghị, một số địa phương của Trung Quốc cũng viện trợ vắc xin và trang thiết bị y tế cho các địa phương Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, đây là động thái rất có ý nghĩa. Cho dù những vấn đề hai bên thảo luận là rất rộng và quan trọng, nhưng việc viện trợ thêm cho Việt Nam 3 triệu liều vắc-xin thực sự là điểm nhấn trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Vương Nghị”, - TS Hoàng Giang đưa ra bình luận, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Thảo luận