Chỉ huy trưởng Phân khu Unity đánh giá cao Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, đặc biệt là đội AMET vì thái độ làm việc nghiêm túc, tính cơ động cao và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu khắt khe, đạt tiêu chuẩn xuất sắc của Liên Hợp Quốc.
Bệnh viện dã chiến Việt Nam diễn tập CASEVAC quy mô lớn tại Bentiu
Ngày 15/9, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tại thực địa diễn tập cấp cứu đường không (CASEVAC) quy mô lớn tại Bentiu (Cộng hòa Nam Sudan).
Diễn tập vận chuyển cấp cứu bằng đường không trên thực địa (CASEVAC) của BVDC 2.3 tại sân bay trực thăng Helipad, Bentiu, Nam Sudan
© Ảnh : Tiến Phúc/Lực lượng GGHB Việt Nam tại Nam Sudan
Cụ thể, Bệnh Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam đã phối hợp với các Bệnh viện cấp 1 của nhiều đơn vị đóng quân trên địa bàn và các tổ chức liên quan tiến hành diễn tập các tình huống cấp cứu có thể xảy ra khi làm nhiệm vụ trên thực địa.
Cuộc diễn tập CASEVAC đã được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Diễn tập vận chuyển cấp cứu bằng đường không trên thực địa (CASEVAC) của BVDC 2.3 tại sân bay trực thăng Helipad, Bentiu, Nam Sudan
© Ảnh : Tiến Phúc/Lực lượng GGHB Việt Nam tại Nam Sudan
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam và quân nhân nước bạn cùng diễn tập dưới sự điều hành của Chỉ huy trưởng Phân khu Unity thuộc Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Nam Sudan.
Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích nâng cao khả năng xử lý các tình huống khẩn, tăng cường phối hợp hiệp đồng giữa các đơn vị, các tuyến y tế và giữa các nhân viên y tế trong các trường hợp nghiêm trọng tại địa bàn làm nhiệm vụ.
Trọng tâm là vận chuyển cấp cứu đường không của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đối với các trường hợp nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.
Đội vận chuyển cấp cứu đường không của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (AMET) của Việt Nam là đơn vị trực tiếp tham gia diễn tập.
Tại đây, đội đã triển khai xử lý nhiều tình huống khác nhau, phối hợp ăn ý với các đơn vị khác và được đồng nghiệp quốc tế khen ngợi.
Diễn tập vận chuyển cấp cứu bằng đường không trên thực địa (CASEVAC) của BVDC 2.3 tại sân bay trực thăng Helipad, Bentiu, Nam Sudan
© Ảnh : Tiến Phúc/Lực lượng GGHB Việt Nam tại Nam Sudan
Đội Việt Nam thành thục vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không
Vào 8h30, sau khi nhận lệnh từ Trưởng y tế Phái bộ, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Trần Đăng Khoa yêu cầu Đội cấp cứu đường không AMET chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ cấp cứu để khởi động quy trình CASEVAC, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Đội AMET của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 được yêu cầu di chuyển tới vị trí chỉ định là sân bay trực thăng Helipad tại Bentiu.
Các bệnh nhân giả định mà đội AMET phải tiếp cận cấp cứu thuộc nhiều tình huống khác nhau bao gồm tai nạn, giao tranh, rắn cắn...
Sau khi sơ cấp cứu, đội phải vận chuyển bệnh nhân lên trực thăng và chuyển về điều trị tiếp tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.
Nếu tình trạng nạn nhân nghiêm trọng, vượt quá khả năng cứu chữa của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, Phòng tác chiến phải khẩn trương chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, điều phối, liên lạc với các đơn vị để chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn là Bệnh viện dã chiến cấp 2 cộng của Ấn Độ tại thủ đô Juba bằng trực thăng.
Cách làm này sẽ rút ngắn thời gian chuyển bệnh đến các cơ sở y tế phù hợp. Nhân tố này sẽ quyết định đến kết quả điều trị, đặc biệt là các trường hợp cần được can thiệp trong khoảng thời gian vàng như các tổn thương nặng.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam được đánh giá cao
Kết thúc cuộc diễn tập, Chỉ huy trưởng Phân khu Unity đã đánh giá cao Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, đặc biệt là đội AMET vì thái độ làm việc nghiêm túc, tính cơ động cao và trình độ chuyên môn.
Đội các chiến sĩ Việt Nam cũng đã xử lý bài bản, hợp lý các tình huống theo đúng quy trình đặt ra của Phái bộ.
Chỉ huy trưởng Phân khu Unity đánh giá xuất sắc phầnthực hành Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trong diễn tập được đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của Liên hợp quốc.
Trong thực tế, các tình huống xảy đến có thể phức tạp và khẩn trương hơn so với giả định. Dù vậy, bằng việc thường xuyên luyện tập và huấn luyện, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam sẽ phối hợp ngày càng nhuần nhuyễn, nhịp nhàng hơn với các đơn vị khác, được Chỉ huy trưởng Phân khu đánh giá xuất sắc, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe nghiêm túc của Liên Hợp Quốc.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất sắc của LHQ
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2021, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan cũng đã lần đầu tiên phối hợp với Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Ấn Độ tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực y tế và phòng, chống dịch Covid-19.
Đây là hoạt động quan trọng nhằm trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh giữa hai bệnh viện tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam và Ấn Độ trong môi trường dã chiến.
Tại cuộc tập huấn này, đáng chú ý, phần chia sẻ chuyên môn của Đội Cấp cứu đường không (AMET) của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm.
Bác sĩ Đinh Văn Hồng, Đội trưởng AMET cho biết, dựa trên quy trình vận chuyển bệnh nhân Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã xây dựng và vận hành hiệu quả quy trình vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng bằng máy bay.
Bác sĩ Hồng cũng nhấn mạnh cần chú ý xử lý rác thải lây nhiễm sau khi vận chuyển, cũng như việc vệ sinh, khử khuẩn máy bay, xe cứu thương, đến các trang thiết bị y tế, tránh lây nhiễm cho tổ bay và những người xung quanh trong bối cảnh dịch bệnh với biển chủng Delta nguy hiểm như hiện nay.
Trong khi Bệnh viện dã chiến của Ấn Độ gặp khó khăn điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, đặc biệt là tối ưu hóa thông khí nhân tạo do khó khăn về nguồn oxy, thì tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam, các y, bác sĩ hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp oxy cho bệnh nhân bởi bệnh viện được trang bị hẳn một hệ thống sản xuất oxy hiện đại.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam đã được phái bộ giao phụ trách tiêm chủng cho 500 nhân viên Liên Hợp Quốc tại địa bàn Bentiu cũng như theo dõi, xử lý các phản ứng và biến chứng sau tiêm vaccine.
Về vấn đề tiêm chủng, BS. Hoàng Thanh Toàn của Việt Nam đã báo cáo về một trường hợp lâm sàng mắc hội chứng Stevens-Johnson sau tiêm vaccine được điều trị khỏi thành công tại Bệnh viện dã chiến Việt Nam.
Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong lần kiểm tra năng lực gần nhất của Đoàn kiểm tra Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại CH Nam Sudan do Trưởng phòng Quân y Phái bộ dẫn đầu, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam được đánh giá là bệnh viện đạt tiêu chuẩn cao về vệ sinh và sức khỏe.
Đặc biệt, bệnh viện dã chiến của Việt Nam có đội ngũ nhân viên tận tâm, nhiệt tình, có kiến thức tốt và được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những rủi ro, thách thức có thể phải đối mặt trong môi trường dã chiến.
Các nhân viên y tế, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam nắm rất vững kiến thức và tuân thủ tốt các quy trình phòng, chống và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trưởng phòng Quân y Phái bộ đánh giá Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã chứng tỏ năng lực, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe và đạt tiêu chuẩn xuất sắc của Liên Hợp Quốc.