Câu chuyện về bác sĩ “áo xanh” thắp màu hy vọng ở "vùng đỏ”

HÀ NỘI (Sputnik) - Dù biết khó khăn và nguy hiểm chờ đợi ở nơi tâm dịch, nhưng các y, bác sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân (CAND) kiên quyết lên đường vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm dập dịch với tinh thần “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc và Nhân dân cần”.
Sputnik
Sputnik có buổi phỏng vấn với Đại uý, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn, Khoa Nội - Thận - Khớp, Bệnh viện 19-8, Bộ Công An về những tháng ngày "chống dịch như chống giặc” tại tâm dịch TP.HCM.
Sputnik: Cảm ơn Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn đã nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Xin bác sĩ chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận lệnh chi viện vào TP.HCM.
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn: Là một người chiến sĩ CAND được đào tạo trong môi trường lực lượng vũ trang và là một bác sĩ, tôi luôn xác định nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi nhận lệnh chi viện vào TP.HCM để hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống Covid-19, bản thân tôi sẵn sàng, chủ động bàn giao công việc của cơ quan cũng như sắp xếp công việc của gia đình để lên đường làm nhiệm vụ.
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn trong Lễ gặp mặt đoàn cán bộ chiến sỹ tăng cường chi viện hỗ trợ địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương trong phòng, chống dịch Covid-19
Sputnik: Vậy gia đình bác sĩ phản ứng như thế nào khi biết bác sĩ được lệnh chi viện?
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn: Từ khi lập gia đình đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi đi công tác xa nhà trong 6 tuần như vậy. Gia đình, nhất là vợ tôi, cũng không tránh khỏi lo lắng khi thấy chồng mình đi vào "tâm dịch” thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vợ tôi rất hiểu và đồng cảm với tôi, vừa làm nhiệm vụ của một bác sĩ và cả một chiến sĩ CAND. Vợ tôi cố gắng sắp xếp việc gia đình, giúp tôi yên tâm chuẩn bị cho chuyến đi chống dịch. Bố tôi cũng là một cựu chiến binh. Ông cũng động viên tôi lên đường, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và chúc tôi "chân cứng đá mềm". Tôi thấy thật may mắn và hạnh phúc vì có được sự động viên và ủng hộ từ gia đình mình.
Đại dịch COVID-19
Gần 300 bác sĩ, học viên quân y vào TP.HCM chống dịch Covid-19
Sputnik: Xin bác sĩ chia sẻ sự khốc liệt "chống dịch như chống giặc” tại "chiến tuyến” TP.HCM?
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt sự bùng phát dịch tại TP.HCM với số ca nhiễm hàng ngày đến vài chục nghìn người. Ngay tại Bệnh viện 30-4, Bộ Công an nơi tôi chi viện, có những ngày chúng tôi nhận hơn 300 ca bệnh nhân mắc mới, thực sự rất khốc liệt. Số bệnh nhân diễn biến nặng rất nhiều. Với tình trạng như vậy, trong thời gian công tác, các đơn vị y tế của khu vực miền Bắc cũng như miền Trung liên tục chi viện nhằm hỗ trợ cho miền Nam ruột thịt.
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn cùng đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 19-8 chi viện tại Bệnh viện dã chiến 30-4, Bộ Công an trong TP.HCM
Sputnik: Vậy chắc chắn bác sĩ đã có kỷ niệm khó quên trong lần chi viện này?
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn: Kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian chi viện về một nam bệnh nhân 63 tuổi nhiễm Covid-19 có biến chứng suy thận cấp. Lúc đấy, xét nghiệm nồng độ ure 36 mmol/l, Creatinine 268g/mol, tình trạng tiên lượng rất xấu và nguy cơ đe doạ đến tính mạng. Trong điều kiện cơ sở vật chất tại tuyến đầu thiếu thốn về thuốc và trang thiết bị, nhưng với sự cố gắng của các bác sĩ trong đoàn và đồng đội, chúng tôi đã cố gắng điều trị tích cực sau 5 ngày, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Kỷ niệm cá nhân đặc biệt với tôi trong thời gian công tác chính là lần sinh nhật 35 của mình diễn ra trong "tâm dịch” theo đúng nghĩa. Mặc dù mọi thứ đều khó khăn nhưng tình đồng chí, đồng đội vẫn tặng tôi một chiếc bánh sinh nhật. Đây là kỷ niệm khó quên trong cả cuộc đời. 
Thầm lặng chiến sĩ CAND áo blouse trắng trong tháng ngày "rực lửa”
Sputnik: Phẩm chất của chiến sĩ CAND trong vai trò thiêng liêng của "chiến sĩ áo blouse trắng” giúp gì cho bác sĩ cũng như đồng nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ?
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn: Những ngày đầu tiên khi chi viện cho Bệnh viện dã chiến 30-4, điều kiện sinh hoạt và trang thiết bị y tế thực sự rất thiếu thốn, trong khi đó số lượng bệnh nhân nhiều hơn gấp nhiều lần so với lực lượng y tế mỏng. Chỗ mình phụ trách lúc đó lên đến khoảng 1500 F0. Một con số so với khối lượng công việc hàng ngày rất lớn. Môi trường làm việc dịch bệnh nên tâm lý có thể bị nao núng. Nhưng anh em chiến sĩ luôn động viên, giữ vững tinh thần cũng như hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, vượt qua bệnh tật, trở về đoàn tụ với gia đình.
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 19-8, Bộ Công An chi viện cho TP.HCM trong phòng, chống dịch Covid-19
Sputnik: Bác sĩ gửi gắm lời khuyên gì đến các chiến sĩ - bác sĩ CAND trẻ về nghề nghiệp của mình?
Đại uý, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn: Trong thời gian công tác chống dịch, chúng tôi vẫn hay nói với nhau “Ngày xưa ông cha ta đi chống giặc, ngày nay anh em ta đi chống dịch”.  Đây thực chất là câu nói vui về nghề y trong ngành lực lượng CAND. Tôi mong rằng những y, bác sĩ CAND thế hệ nối tiếp ở trên mọi cương vị luôn luôn cố gắng hết mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Thảo luận