Hà Nội duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố sau 21/9
Chiều 19/9, tại buổi giao ban trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19, ông Dương Đức Tuấn cho hay từ ngày 24/7 khi giãn cách xã hội đợt đầu tiên, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận 71,2 ca mắc mới. Đến đợt giãn cách thứ tư, số mắc giảm còn 25-27 ca/ngày và hiện còn 15 ca/ngày.
Một chốt kiểm dịch y tế
© Sputnik / Taras Ivanov
Tuy số ca nhiễm đã có dấu hiệu giảm nhưng ông Tuấn vẫn nhắc nhở các quận, huyện không được chủ quan, lơ là vì hiện thành phố vẫn còn một số điểm nóng về dịch như phường Việt Hưng (quận Long Biên), Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và một vài khu vực thuộc quận Hoàng Mai, Đống Đa. Ông Tuấn thông tin:
"Kinh nghiệm cho thấy, việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, thành phố sẽ duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào".
Trước đó bắt đầu từ 14/7, có 23 chốt kiểm soát các tuyến đường lớn ở cửa ngõ thủ đô, gồm lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng đã bắt đầu hoạt động. Đến ngày 24/7, thành phố bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sau hai lần ban hành văn bản tiếp tục ngày giãn cách xã hội (mỗi lần 15 ngày), hôm 6/9 thành phố chia ba vùng chống dịch, trong đó vùng một tiếp tục giãn cách xã hội, gồm 10 quận, huyện; các địa bàn còn lại áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.
Tuy nhiên theo ông Tuấn thông tin, theo định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội thì sau ngày 21/9 thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch cho hiệu quả. Cụ thể, nơi nguy cơ rất cao có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" phải áp dụng Chỉ thị số 16, thực hiện phong tỏa, cách ly y tế.
Hà Nội dự kiến cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn. Các khu vực có dịch không được xây dựng, hoặc đang triển khai mà có F0 thì phải dừng.
Thành phố sẽ tiếp tục tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ hai cho người dân từ 18 tuổi trở lên vào tháng 10, 11 khi có nguồn cung. Ông Tuấn đánh giá đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
25 tỉnh, thành cho tất cả học sinh đến trường
Cả nước có 25 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp; 13 địa phương kết hợp trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại không cho học sinh đến trường.
Thống kê ngày 19/9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hầu hết tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh học trực tiếp tại trường là ở miền Bắc. Trong khi nhóm tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình chỉ có Hà Nội và Hưng Yên thuộc khu vực này, còn lại là các tỉnh, thành phía Nam.
Hai năm học qua, khoảng 22 triệu học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần gián đoạn học tập, phải chuyển sang học online do ảnh hưởng của Covid-19. Năm học 2021-2021, dịch bùng phát mạnh mẽ hơn với gần 700.000 ca nhiễm tính từ cuối tháng 4, hơn 17.000 người chết, kế hoạch học tập bị đảo lộn.
Hôm 12/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ước tính có 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến, trong đó 1,5 triệu em không có thiết bị để tham gia hình thức học tập này. Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức chương trình "Sóng và máy tính cho em" để hỗ trợ những học sinh thuộc diện khó khăn.
Hiện, khoảng một triệu máy tính đã được huy động, các nhà mạng cũng hỗ trợ cước phí truy cập Internet và phần mềm học trực tuyến để đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận công bằng.