Chuyên gia Tiberio Graziani nhấn mạnh việc Úc chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm với Pháp là một tín hiệu rõ ràng cho toàn bộ phương Tây: người Anglo-Saxon muốn có được chỗ đứng trong vị thế bá chủ thế giới. Chuyên gia Graziani lưu ý rằng Hoa Kỳ và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh có thể chọn chiến lược tạo ra một kiểu "không gian Anh-Mỹ". Trước hết, điều đó sẽ ảnh hưởng đến phạm vi xây dựng vũ khí tấn công: các nước Anglo-Saxon sẽ ưu tiên mua vũ khí của nhau và từ chối hợp tác với các nước cung cấp khác - trong trường hợp cụ thể này là với Pháp.
“Cách tiếp cận này có khả năng gây tác động tiêu cực đến NATO. Với sự quan tâm ngày càng tăng của EU trong việc tạo ra một hệ thống phòng thủ tập trung toàn châu Âu, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa các nước thành viên của khối phương Tây”, - nhà khoa học chính trị Ý dự báo.
Thành lập liên minh AUKUS
Ngày 16 tháng 9, Hoa Kỳ, Anh và Úc đã ký thỏa thuận đối tác quốc phòng. Liên minh được đặt tên là AUKUS (Úc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ). Thỏa thuận này nhằm mục đích bảo vệ và thúc đẩy lợi ích chung của các bên trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời hợp lực phát triển lĩnh vực quốc phòng. Sự thành lập liên minh dẫn đến việc Úc chấm dứt hợp đồng đóng tàu ngầm giá trị 66 tỷ USD với Pháp để ủng hộ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Paris gọi hành động của Canberra là "nhát dao đâm sau lưng" và lần đầu tiên trong lịch sử đã triệu hồi đại sứ của mình về nước.