Nói chung, chính quyền Biden đang tiếp tục chính sách cứng rắn mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu với Trung Quốc nhằm kìm hãm sự phát triển của các công ty Trung Quốc và phá vỡ sự hợp tác giữa các đối tác Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của giới kinh doanh, các quan chức Mỹ bắt đầu hiểu rằng, trên thực tế việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc là “lợi thì ít mà hại thì nhiều” cho hoạt động kinh doanh của Mỹ.
Thương hiệu con của Huawei
Honor từng là thương hiệu con của Huawei, được thành lập nhằm mục đích sản xuất các sản phẩm smartphone với mức giá rẻ và tầm trung. Sau khi Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen và Trump ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu công nghệ, phần mềm và chip của Mỹ cho tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, tăng trưởng doanh thu của Huawei giảm mạnh. Việc sản xuất điện thoại thông minh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì không giống như các trạm gốc, smartphone sử dụng chip thế hệ mới nhất mà Huawei không thể mua được nữa do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Khi đó, Huawei đã thông qua quyết định bán thương hiệu Honor cho một liên doanh có tên Công ty Công nghệ thông tin mới Thị Trí Thâm Quyến (Shenzhen Zhixin). Động thái bán Honor của Huawei là cách "giải thoát" cho thương hiệu smartphone này khỏi các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ. Honor tiếp tục tung ra các mẫu điện thoại thông minh mới, bao gồm cả những mẫu điện thoại hoạt động trên mạng 5G. Đồng thời, công ty tích cực hợp tác với các nhà cung cấp của Mỹ. Vào tháng 7 năm nay, người đứng đầu Qualcomm đã thông báo rằng, công ty đang cung cấp các chip xử lý thế hệ mới mà Honor sử dụng trong ba mẫu smartphone mới nhất của mình.
5G
© AP Photo / Ng Han Guan
Bây giờ, giới chức Hoa Kỳ bắt đầu suy nghĩ có nên đưa Honor vào Danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hay không. Theo Washington Post, Lầu Năm Góc và Bộ Năng lượng ủng hộ việc đưa thương hiệu tách khỏi Huawei vào danh sách đen. Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phản đối. Lập luận của hai bên như sau:
Những người tìm cách liệt Honor vào danh sách đen nói rằng, mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ không chỉ đến từ Huawei, mà từ bất kỳ công ty Trung Quốc nào có quan hệ chặt chẽ với chính phủ. Có chú ý đến việc Công ty Công nghệ thông tin mới Thị Trí Thâm Quyến (Shenzhen Zhixin), mà Honor đã tham gia, được hậu thuẫn bởi chính quyền Thẩm Quyến, phe diều hâu Mỹ chỉ ra rằng, Honor là một mối đe dọa không kém Huawei và phải chịu những hạn chế tương tự. Những người phản đối lệnh trừng phạt mới cho rằng, mối đe dọa từ Huawei chủ yếu đến từ các thiết bị viễn thông tinh vi, bao gồm cả các trạm 5G, chứ không phải từ điện thoại di động. Vì vậy, Honor không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào. Mặt khác, nếu Honor vẫn được tài trợ bởi Huwaei, hoặc nếu Honor bán cho Huawei các linh kiện điện tử được mua từ các đối tác Mỹ, thì có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Nhưng hiện tại, không có lý do gì để cáo buộc Honor vì những hành động như vậy.
Chuyên gia Liu Guozhu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Chiết Giang, nói với Sputnik rằng, Hoa Kỳ đang cố gắng ngồi chênh vênh giữa hai cái ghế. Một mặt, họ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc và cấm xuất khẩu công nghệ sang CHND Trung Hoa. Mặt khác, họ không muốn mất một thị trường khổng lồ như vậy. Do đó, trong khi Biden vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc đã được khởi động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các cuộc tranh luận ngày càng sôi nổi về cách tìm ra sự cân bằng giữa các hạn chế và cơ hội kinh doanh hiếm có này.
Chuyên gia Liu Guozhu nhắc nhở rằng, các sáng kiến nhằm gia tăng sức ép đối với các công ty Trung Quốc đến từ phe Cộng hòa. Họ cũng đã mở đầu cuộc tranh luận về Honor. Nhưng, cần phải hiểu rằng, để công nhận các sản phẩm của Honor là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, cần có ít nhất một số bằng chứng, dù chỉ về mặt hình thức. Không rõ phải làm thế nào để ủng hộ quan điểm này nếu Honor thậm chí không được bán ở Mỹ.
Lý thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc hay tính toán thực dụng?
Hiện vẫn chưa rõ ý tưởng nào sẽ chiếm ưu thế ở Washington: tính toán thực dụng hay lý thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc. Hiện nay có thể thấy rõ rằng, ngay cả những quan chức chịu trách nhiệm về kinh tế và tài chính cũng bắt đầu hành động theo xu hướng cạnh tranh chính trị với CHND Trung Hoa. Ví dụ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo cho những người muốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ, nêu rủi ro tiềm ẩn khi đưa tiền vào các công ty niêm yết của Mỹ có hợp đồng nhưng không có quyền kiểm soát đối với một thực thể Trung Quốc được gọi thực thể có lợi suất biến đổi (VIE). Tài liệu này chủ yếu nhắm vào các công ty Trung Quốc có cổ phiếu được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Giờ đây, hầu hết mọi công ty từ CHND Trung Hoa đều có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Honor. Mặc dù trên thực tế không có mối đe dọa nào, công ty có thể bị liệt vào danh sách đen dưới áp lực của các lực lượng chính trị muốn “mạnh tay” hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng là các doanh nghiệp Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ điều này. Phạm vi hợp tác của Honor với các công ty Mỹ vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, được biết, sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen, các công ty công nghệ Mỹ đã mất 10 tỷ USD doanh thu.