Biển Đông

Máy bay vận tải quân sự Trung Quốc xuất hiện ở Trường Sa, Việt Nam phản đối

Theo quy định của UNCLOS-1982, dù Trung Quốc có bất cứ một động thái nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ cũng không bao giờ có chủ quyền đối với hai quần đảo này của Việt Nam
Sputnik
Theo nguồn tin Hạm đội Nam Hải Trung Quốc, Hoàn Cầu thời báo, hôm 16/9, quân đội Trung Quốc đã điều máy bay vận tải quân sự Y-20 tới Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, chở các binh lính của mình từ các thực thể này về đất liền và tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ trong điều kiện phức tạp.
Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận việc máy bay Y-20 của nước này xuất hiện ở Trường Sa.

Việt Nam phản ứng nhanh

Y-20 là máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc. Nó được chế tạo theo mẫu máy bay vận tải Ilyushin IL-76 của Liên Xô trước đây.
Máy bay vận tải quân sự Xian Y-20 của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Trung Quốc đưa máy bay vận tải Y-20 đến Trường Sa
Ngày 23-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, cụ thể như việc Trung Quốc mới đây đưa máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 tới đá Subi, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Chiếc Y-20 của Trung Quốc vừa đáp xuống sân bay dã chiến của Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Đá Chữ Thập được mấy ngày thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ngay tiếng nói trả lời. Đây là động thái cần thiết và luôn luôn cần thiết của Việt Nam mỗi khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Hồng Long bình luận với Sputnik.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động tương tự, tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển”, - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.
Theo phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, việc Trung Quốc tiếp tục đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập, một thực thể địa lý mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam là điều không thể chấp nhận được. Và đương nhiên là sự việc này đã vi phạm thỏa thuận về nhận thức chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc về việc các bên không có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông.

Việt Nam luôn nhất quán bảo vệ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa

Việt Nam luôn nhất quán và khẳng định rằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập trên cơ sở Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm (UNCLOS) 1982.
Việt Nam yêu cầu Đài Loan ngừng diễn tập trái phép ở Trường Sa
Và cũng như nhiều lần tuyên bố trước đây, mỗi khi phía Trung Quốc có hành động nào đó xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì theo nguyên tắc của UNCLOS-1982, Việt Nam buộc phải ra tuyên bố về chủ quyền của mình. Điều đó có nghĩa là theo quy định của UNCLOS-1982, dù Trung Quốc có bất cứ một động thái nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ cũng không bao giờ có chủ quyền đối với hai quần đảo này của Việt Nam.
“Nói theo ngôn  ngữ dân gian của Việt Nam thì họ không bao giờ có được “sổ đỏ” đối với hai quần đảo này”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.
Thảo luận