Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch. Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong 2 tuần qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; những gì được và chưa được, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát. Từ đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho thời gian tới, nhất là cho tuần tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Một nội dung quan trọng nữa của cuộc họp là tiếp tục cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 để phát triển kinh tế – xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế xây dựng dự thảo kế hoạch này với các chỉ tiêu, quy định, quy trình để đánh giá, thực hiện.
“Cố gắng từ nay đến 30/9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế – xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, ngày 24/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thật tốt chính sách này để hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến, đặc biệt là cho ý kiến về kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát, có nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 14 ngày qua, Việt Nam ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca cộng đồng); tuần qua, cả nước phát hiện 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó.
Trong đợt dịch thứ 4 (tính đến ngày 24/9/2021), Việt Nam đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 69%); có 16/62 tỉnh đã trải qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát và 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào (Cao Bằng). Số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó, riêng TP.HCM giảm 10,5%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 15,4%, Long An giảm 15,8%.
Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc trong 7 ngày gần đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TP.HCM, Long An). Tại các địa phương khác, tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, đảm bảo đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1099/CĐ-TTg, 1102/CĐ-TTg và 1409/CĐ-BYT.
Ông Nguyễn Thanh Long yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; bảo đảm nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc, điều trị ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ Y tế, các tỉnh không thực hiện giãn cách cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập (quản lý người trở về từ vùng dịch). Trường hợp phát sinh các ổ dịch mới, cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời, phân loại để chăm sóc, điều trị phù hợp.