Hoa Kỳ và Trung Quốc đang là hai cường quốc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI, trong khi Anh bị tụt lại phía sau trong những năm gần đây. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia nói lên ý kiến rằng, London có khả năng vươn ra “biển lớn”. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự tương tác giữa ba quốc gia trong lĩnh vực AI: sẽ tăng cường hợp tác hay thúc đẩy cạnh tranh?
Chris Philp, Nghị sĩ dưới quyền Bộ trưởng Ngoại giao về Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh, tuyên bố rằng, mục tiêu chính của chiến lược mới là giúp quốc gia này sử dụng tiềm năng to lớn vốn có trong lĩnh vực AI và đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu và ứng dụng các công nghệ AI. Thật vậy, AI là một cái ô kết hợp nhiều loại công nghệ khác nhau. Đây là thị giác máy tính, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và các hệ thống mô hình hóa khác nhau.
Trước đây, Vương quốc Anh đã đóng một vai trò nổi bật trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, bao gồm cả lĩnh vực AI. Ví dụ, vào năm 2010, đơn vị thần kinh học điện toán Gatsby của Đại học London (University College London) đã thành lập công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind Technologies. Bốn năm sau, Google đã mua lại công ty này với giá nửa tỷ đô la. Và một năm sau, chương trình do Google và DeepMind AlphaGo tạo ra đã đánh bại nhà vô địch châu Âu Phiền Huy (Fan Hui), một kì thủ chuyên nghiệp 2 dan. Một năm sau, AlphaGo giành thắng lợi trước anh Lee Sedol, người nắm giữ 18 danh hiệu quốc tế về cờ vây. Báo chí thế giới đã đưa tin chi tiết về trận đấu này. Kể từ đó, cộng đồng khoa học và đặc biệt là công chúng bắt đầu nhận thức AI không phải là thứ gì đó phù du, mà là các công nghệ hoạt động tích cực và dần xâm nhập vào mọi mặt của cuộc sống.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều nguồn lực cho phát triển công nghệ AI đã tập trung ở Hoa Kỳ và châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc.
Điều này cũng dễ hiểu
Những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Baidu, Alibaba có khả năng tài chính rất lớn. Dễ hiểu tại sao các cuộc nghiên cứu về AI bắt đầu tập trung xung quanh các tập đoàn lớn nhất. Nhờ đó, Google và Facebook đã trở thành những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển các nền tảng mã nguồn mở cho máy học. Các nhà phát triển trên khắp thế giới vẫn sử dụng các sản phẩm của họ - Tensorflow và PyTorch. Đến lượt mình, các công ty Trung Quốc bắt đầu sử dụng thị trường nội địa khổng lồ và các tập dữ liệu do nó tạo ra để phát triển các ứng dụng học máy. Ví dụ, Alibaba đã thay đổi cách tiếp cận nguồn vốn vay dựa trên AI. Với quy trình xử lý nhanh, gọn, người vay chỉ cần nộp hồ sơ qua ứng dụng điện thoại thông minh và nhận được tiền ngay khi hồ sơ được duyệt. Ngoài ra, ứng dụng của CityBrain đã được thử nghiệm ở Hàng Châu giúp tối ưu hóa hoạt động giao thông công cộng và đô thị. Sau khi vận hành City Brain, tốc độ giao thông trong thành phố tăng 30%, số vụ tai nạn và sự cố giảm 20%. Baidu và các công ty Trung Quốc khác cũng đang sử dụng dữ liệu để xây dựng các hệ thống xe tự lái hoàn toàn trên đường công cộng ở Trung Quốc. Vì có số lượng lớn các phương tiện giao thông khác nhau ở Trung Quốc, các hệ thống xe bus tự vận hành ở Trung Quốc hiệu quả hơn so với các hệ thống ở châu Âu.
Cựu giám đốc Google, người đứng đầu Ủy ban An ninh về Trí tuệ Nhân tạo Eric Schmidt
© AFP 2023 / DANI POZO
Đến nay, các tập đoàn nước ngoài đã nuốt nhiều công ty được thành lập ở Anh. Ví dụ, Arm Holdings, công ty hàng đầu của Anh trong lĩnh vực thiết kế chip cho điện thoại di động, bộ vi xử lý di động được sử dụng trong các ứng dụng AI khác nhau, đã được SoftBank của Nhật Bản mua lại. Còn Apple rất thích hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên của công ty Anh VocalIQ. Kết quả là, Vương quốc Anh đang bị tụt hậu so với các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực AI - Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ví dụ, theo WIPO, từ năm 1998 đến năm 2017, Hoa Kỳ có 50 nghìn đơn đăng ký sáng chế, Trung Quốc - 41 nghìn đơn, và Vương quốc Anh chỉ có 2 nghìn đơn. Trung Quốc đang vượt trước Hoa Kỳ về tổng lượng đơn đăng ký sáng chế. Tình hình trên thị trường đang thay đổi. Do đó, Vương quốc Anh không muốn bỏ lỡ cơ hội và có ý định vươn ra “biển lớn” trong lĩnh vực AI trước khi quá muộn, - chuyên gia Liu Yushu, trưởng bộ môn nghiên cứu vĩ mô của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Chongyang) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với Sputnik.
Kế hoạch phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo do các nhà chức trách Vương quốc Anh công bố, tập trung vào việc nuôi dưỡng những tài năng tuyệt vời nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI. Chris Philp, Nghị sĩ dưới quyền Bộ trưởng Ngoại giao về Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh, nói rằng, bây giờ điều quan trọng nhất là đặt nền tảng cho sự phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo, tích hợp sâu hơn công nghệ AI vào các quy trình kinh doanh. Chương trình bao gồm một số thành phần, kể cả Kế hoạch Quốc gia về Nghiên cứu và Đổi mới trong lĩnh vực AI. Kế hoạch này nhằm mục đích cải thiện hệ thống tương tác giữa các nhà khoa học Anh, trao đổi dữ liệu giữa các tổ chức nghiên cứu. Ngoài ra, Vương quốc Anh lên kế hoạch tài trợ cho các ngành kinh tế chưa phát huy hết tiềm năng sử dụng AI: ví dụ như năng lượng và nông nghiệp.
Sự phát triển trí tuệ nhân tạo dựa trên một số yếu tố cơ bản. Thứ nhất, các linh kiện điện tử cơ bản đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra, khối lượng lớn và chất lượng dữ liệu mang lại một lợi thế quan trọng, vì ngày nay, AI được tạo ra trên cơ sở một lượng lớn dữ liệu. Cuối cùng, nguồn lực trí tuệ - các nhà khoa học và chuyên gia tài năng - cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển thành công AI. Giờ đây, Hoa Kỳ vẫn có lợi thế về hai yếu tố - công nghệ cơ bản và linh kiện điện tử, cũng như các chuyên gia tài năng nhất.
Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực tích lũy dữ liệu
Nhân tiện, số lượng của dữ liệu có sẵn là lợi thế cạnh tranh chính của Trung Quốc, vì thế Bắc Kinh rất coi trọng việc bảo vệ dữ liệu. Năm nay, Trung Quốc đã thông qua một số luật nhằm tăng cường kiểm soát việc lưu thông, lưu trữ và bảo vệ dữ liệu. Trong tương lai, các quốc gia sẽ cạnh tranh gay gắt về các công nghệ cơ bản và các chuyên gia giỏi nhất. Nếu trong nghiên cứu cơ bản, mỗi quốc gia có thể xây dựng năng lực trong phạm vi khả năng của mình, thì trong việc thu hút nhân tài có thể xảy ra cuộc chiến cạnh tranh. Số lượng chuyên gia giỏi đang tăng lên, nhưng việc thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực này vẫn sẽ là thách thức, chuyên gia Liu Yushu nhận xét.
Theo kế hoạch 10 năm phát triển trí tuệ nhân tạo, Vương quốc Anh sẽ tạo ra hệ thống có chức năng và dữ liệu phân tán trên các trạm trong nước. Tuy nhiên, theo lưu ý của các chuyên gia phương Tây, chương trình này có các nội dung chung chung, do đó chưa rõ nó sẽ được thực hiện như thế nào. Ở mức độ lớn, thành công phụ thuộc vào việc liệu các nhà chức trách Vương quốc Anh có thể tạo ra không chỉ môi trường kinh tế thuận lợi mà còn thị trường đủ lớn để có thể phát triển các công ty khởi nghiệp AI. Sự cạnh tranh với BigTech sẽ rất nghiêm trọng: theo Refinitiv, kể từ đầu năm nay, các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đã chi 264 tỷ USD cho hoạt động mua bán và sáp nhập các đối thủ tiềm năng có vốn hóa dưới 1 tỷ USD.