Đại sứ Đặng Minh Khôi: Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất vaccine Sputnik V ở Đông Nam Á

Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã cho biết về những chủ đề chính trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tới Matxcơva,khi nào du khách Nga lại được tới các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam và cần những gì cho chuyến đi mong ước này, cũng như cái nhìn của Hà Nội về quan hệ hợp tác với LB Nga trong cuộc đấu tranh chống COVID-19.
Sputnik
Sputnik: Đề nghị Đại sứ cho đánh giá về tầm quan trọng của chuyến công du mà Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tiến hành ở LB Nga. Những chủ đề thảo luận nào là ưu tiên trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov?
- Đáp lại lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao CHXHCN Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang thăm chính thức LB Nga trong những ngày 24-28 tháng 9. Ngày 27 tháng 9 diễn ra cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước.
Việt Nam và Liên bang Nga gắn bó với nhau bởi quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Các bên hiện đang tổ chức kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và sang năm 2022 sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trong gần hai năm qua, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, chúng ta đã không thể thực hiện những chuyến thăm lẫn nhau của phái đoàn các cấp. Tuy nhiên, việc trao đổi vẫn được duy trì thường xuyên như trước, thông qua phương tiện điện thoại và thư tín. Cụ thể, mới đây, ngày 16 tháng 9 năm 2021, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm rất hiệu quả và ý nghĩa, với mục tiêu phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận về hợp tác kinh tế và năng lượng
Nga là đất nước đầu tiên mà ông Bùi Thanh Sơn đến thăm trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao CHXHCN Việt Nam.
Đang chờ đợi là hai Bộ trưởng ​​sẽ thảo luận về những phương hướng chính và biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục phát triển mạnh quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, như chính trị, chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, trao đổi thông tin về các nội dung quốc tế và khu vực, những vấn đề hai bên cùng quan tâm, các biện pháp củng cố tăng cường sự phối hợp giữa hai nước trên trường quốc tế, cũng như việc tổ chức các chuyến thăm cấp cao đến cuối năm nay.
Hai bên cũng sẽ tập trung thảo luận những biện pháp hợp tác cụ thể trong lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19, bao gồm việc cung cấp vaccine Sputnik V cho Việt Nam, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Nga tại Việt Nam.
Việt Nam trân trọng đánh giá cao những thành tựu và kinh nghiệm mới đây của Nga trong công tác phòng ngừa ngăn chặn và kiểm soát COVID-19.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ hội kiến với lãnh đạo các cơ quan Nhà nước của LB Nga và thăm hỏi các thành viên cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập, làm việc tại LB Nga.
Sputnik: Bất chấp đại dịch coronavirus, như kết quả năm 2020 cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã tăng trưởng và đạt 5,7 tỷ USD. Đề nghị Đại sứ cho biết, theo dự kiến của Hà Nội thì đến cuối năm 2021 kim ngạch thương mại Nga-Việt sẽ đạt mức nào? Theo nhãn quan của Đại sứ, liệu chúng ta có thể tiếp tục nâng cao kết quả giao thương?
- Mặc dù đại dịch COVID-19 gây tác động tiêu cực to lớn đến hoạt động ngoại thương toàn cầu nói chung, cũng như tình hình thương mại giữa Việt Nam và Nga, nhưng hợp tác thương mại giữa hai nước chúng ta vẫn phát triển tích cực trong năm 2020. Theo dữ liệu thống kê của Nga, thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tức là tăng 15,2% so với năm 2019.
Xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9%; nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 6,9%.
Năm 2021, giao thương giữa Việt Nam và Nga tiếp tục phát triển. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 7 tháng của năm nay đạt gần 3,6 tỷ USD, cao hơn 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đang chờ đợi là trong năm 2021, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga sẽ ​​đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Từ “xoài cây kem” tới chuyện xuất khẩu sản phẩm hoa quả tươi của Việt Nam sang Nga
Theo quan điểm của chúng tôi, để phát triển giao thương trong thời gian tới, cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, các bên cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp các nước tiếp cận và thâm nhập thị trường của nhau, nhất là đối với các mặt hàng dệt may, nông sản, thực phẩm và thủy hải sản, vì ở cả hai nước hiện nay đều có nhu cầu rất lớn về những sản phẩm này. Xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, thủy hải sản, đồ gỗ, đồ điện tử, nông sản từ Việt Nam, cũng như xuất khẩu lúa mì, thịt, dược phẩm, hóa chất, thiết bị và máy móc từ Nga đang là những yếu tố cụ thể mang đóng góp lớn đẩy tăng thương mại song phương nếu như chúng ta khai thác và tạo lập được những điều kiện thuận lợi hơn.
Sputnik: Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mối quan tâm đến việc tăng mức cung cấp vaccine của Nga và thiết lập quy trình sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam. Đề nghị Đại sứ cho biết, Việt Nam trù tính đến khối lượng nào cho khâu cung cấp vaccine Sputnik V? Hà Nội và Matxcơva đã tiến đến đâu trong hành trình thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine Sputnik V trên địa bàn Việt Nam?
- Thời gian qua, Việt Nam và Liên bang Nga đã hợp tác rất hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Các bên đã kịp thời có động thái ủng hộ lẫn nhau và trao đổi thực chất, qua đó đạt được những kết quả rất tích cực.
Một trong những thành tựu đó là công ty VABIOTECH đã hoàn thành xuất sắc kỹ thuật đóng chai vaccine Sputnik V và nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn từ Viện Gamaleya là cơ sở phát minh ra vaccine Sputnik V. Trong thời gian gần tới, VABIOTECH sẽ tiến hành thương mại hóa khâu đóng chai vaccine này với công suất dự kiến ​​là 5 triệu liều mỗi tháng. Tuần trước, Nga đã chuyển giao cho VABIOTECH 1 triệu liều sinh phẩm để đóng chai. Và toàn bộ lô vaccine này sẽ được phân phối tại Việt Nam.
Điều rất quan trọng là công ty VABIOTECH đã chiết rót đóng chai vaccine Sputnik V thành công. Sputnik V sẽ là vaccine duy nhất được sản xuất tại Việt Nam thông qua con đường chuyển giao công nghệ. Như vậy, những điều kiện tiên quyết đang được tạo lập không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách về sử dụng vaccine trong nước mà còn từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine Nga Sputnik V tại khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, T&T Group và Quỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nga đã đạt thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam 40 triệu liều vaccine Sputnik V vào năm 2021. Cả hai bên đang tích cực làm việc để xây dựng lịch trình cung cấp vaccine phù hợp với công suất điều chế của Nga và năng lực tiếp nhận của Việt Nam.
Sputnik: Chính quyền Việt Nam đang chuẩn bị chương trình mở cửa du lịch tới đảo Phú Quốc từ tháng 10, dành đón tiếp các du khách đã tiêm đủ vaccine, trong đó có người Nga. Xin Đại sứ cho biết, Matxcơva và Hà Nội có tiến hành đàm phán gì chăng về triển vọng mở cửa tiếp, để du khách Nga đã tiêm vaccine được tới nghỉ dưỡng tại những vùng khác trên đất nước Việt Nam?
- Trước đại dịch COVID-19, lượng du khách Nga đến Việt Nam đã tăng rất nhanh, đạt hơn 600 nghìn lượt người trong năm 2019. Các du khách Nga rất thích chuyến đi Việt Nam vì phong cảnh tươi đẹp, bãi biển sạch và cư dân thân thiện, nhiều người thạo tiếng Nga và văn hóa Nga.
Việt Nam: Có phải tất cả mọi người đến từ Nga đều là du khách?
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam dự kiến từng bước mở cửa du lịch dành cho khách nước ngoài. Trong đó, có chú trọng dành ưu tiên từ tháng 11 năm 2021 đón tiếp các vị khách Nga đến nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc. Tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét khả năng mở lại các khu du lịch ở một số địa phương khác như Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Để tới Việt Nam tham quan nghỉ dưỡng, các vị khách nước ngoài cần đáp ứng các yêu cầu sau: có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam công nhận. Hoặc là du khách phải có giấy chứng nhận đã bình phục sau khi nhiễm bệnh COVID-19 được cơ quan chức năng của Việt Nam công nhận, thời gian từ khi xuất viện đến lúc nhập cảnh Việt Nam phải không quá 12 tháng.
Trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến Việt Nam, các vị khách phải xét nghiệm PCR kiểm tra SARS-CoV-2, có giấy chứng nhận bằng tiếng Anh do cơ quan chuyên môn thẩm quyền của nước xét nghiệm cấp, xác nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Sputnik: Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố rằng Matxcơva xuất phát từ ý tưởng là tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ cấp thêm xung lực cho giao thương đa phương. Vậy Đại sứ có chia sẻ quan điểm này hay chăng, và theo nhãn quan của Đại sứ thì Việt Nam thấy những lợi ích gì khi hợp tác với EAEU?
- Tôi hoàn toàn tán đồng với quan điểm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov khi ông nói rằng việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EAEU sẽ tạo thêm động lực để phát triển thương mại giữa các bên. Việt Nam là nước đầu tiên ký hiệp định về vùng thương mại tự do với EAEU, do đó Việt Nam có vị thế cây cầu nối quan trọng giữa ASEAN và Nga. Sự hợp tác tốt đẹp giữa các khối chắc chắn sẽ giúp các thành viên thoả thuận củng cố hợp tác với nhau thêm chặt chẽ và hiệu quả.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối ASEAN với Nga và EAEU
Đối với Việt Nam, việc tăng cường hợp tác với EAEU trong những năm vừa qua đã mang lại những kết quả tích cực về kinh tế và thương mại, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa các bên đã tăng đáng kể ngay từ đầu năm. Các bên đã ký thỏa thuận thành lập vùng thương mại tự do vào năm 2015.
Theo dữ liệu thống kê của EAEU, kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU trong năm 2020 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019 và 44% so với năm 2015. Trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU thì kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đạt 5,7 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2015. Thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt 380 triệu USD (năm 2020), cao hơn 84,5% so với năm 2015.
Sputnik xin cảm ơn Đại sứ Đặng Minh Khôi đã chia sẻ thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Thảo luận