Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia bình luận về lời tuyên bố của Thủ tướng Australia về việc Canberra góp phần bảo vệ ổn định khu vực thông qua việc tham gia liên minh AUKUS.
Australia phải đưa ra các quyết định để đảm bảo sự ổn định trong khu vực, không chỉ cho chính mình, mà còn cho cả bạn bè. Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của CBS vào ngày Chủ nhật. Trong số những người bạn mà Australia hợp tác chặt chẽ, Thủ tướng nêu tên các nước ASEAN - Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam, cũng như Nhật Bản và Ấn Độ là hai đối tác trong Nhóm QUAD. Trong cùng cuộc phỏng vấn, ông thừa nhận rằng, Bắc Kinh có thể coi sự xuất hiện của các tàu ngầm hạt nhân tại Australia là một mối đe dọa, nhưng, Australia không lo lắng về điều đó. Ông Scott Morrison đưa ra những tuyên bố này sau khi Malaysia và Indonesia coi kế hoạch thành lập hạm đội tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ liên minh AUKUS là một bước tiến tới cuộc chạy đua vũ trang, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Artem Garin từ Trung tâm Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương đông học (Viện hàn lâm khoa học Nga) nói rằng, Thủ tướng Úc đã cố gắng làm cho các nước ASEAN yên tâm. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Garin, trong khi đối đầu với Trung Quốc, Australia ngày càng xa lánh các nước ASEAN:
“Giới lãnh đạo Australia chưa nhận thức được rằng, họ có nhiều lợi ích chung với các nước ASEAN hơn là với Hoa Kỳ và Anh. Nước này tiếp tục tạo ra các liên minh quân sự mới với hai quốc gia này. Tất nhiên, các nước ASEAN thấy rõ những bước đi này, vì thế họ chưa sẵn sàng tin vào những tuyên bố của Canberra. Gần đây, lập trường của Australia đã trở nên cứng rắn hơn, vì thế các nước ASEAN sẽ nhìn nhận lập trường của Úc theo cách khác”.
Úc ngày càng mạnh tay để đối phó với Trung Quốc
Nếu trước đây Australia được nhìn nhận như một quốc gia ủng hộ hòa bình quốc tế và ổn định khu vực, thì giờ đây, nước này đang trở thành quốc gia đối phó với Trung Quốc, cùng với Mỹ chống lại Trung Quốc. Do đó, các nước ASEAN sẽ không còn tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với người Úc. Các thành viên của Hiệp hội ASEAN hiểu rõ rằng, nếu họ tăng cường quan hệ hữu nghị với Australia, thì Trung Quốc có thể coi đây là một tín hiệu cho thấy các nước ASEAN trên thực tế đang xích lại gần một quốc gia chống lại Bắc Kinh. Đương nhiên, các nước ASEAN không cần điều này, họ sẽ dần dần xa lánh Úc, trở nên lạnh nhạt với nước này. Chính bởi vậy, ông Morrison nhấn mạnh lợi ích chung với các nước ASEAN trong việc đảm bảo sự ổn định. Nhưng, ông ta sẽ rất khó thuyết phục tất cả mọi người về điều này. Tất nhiên, ông muốn làm cho các nước ASEAN yên tâm, làm dịu phản ứng của họ đối với hạm đội tàu ngầm.
Australia không có khát vọng chân chính đảm bảo an ninh cho các quốc gia ASEAN. Chuyên gia Chen Hong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nói với Sputnik khi bình luận về những tuyên bố của Scott Morrison.
Trung Quốc coi việc Australia sẽ sở hữu đội tàu ngầm hạt nhân là đòn giáng mạnh vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Lưu Kình Tùng (Liu Jinsong), Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thu hút sự chú ý đến điều này. Vào cuối tuần trước, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp riêng tại Bắc Kinh với các đại sứ của Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, Australia luôn tìm kiếm những người bạn ở phương Tây chứ không phải ở phương Đông.
Các nước trong khu vực yêu cầu tổ chức tham vấn ASEAN- Trung Quốc về AUKUS
Ví dụ, vào ngày Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein xác nhận rằng, cơ quan của ông đã yêu cầu tham vấn với Trung Quốc về vấn đề này. Đồng thời, Bộ trưởng bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ từ phe đối lập rằng Malaysia "nhận chỉ thị" từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách thu hút sự chú ý đến những hậu quả nguy hiểm của việc thành lập liên minh AUKUS: cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Sha Zukang đã tuyên bố rằng, Bắc Kinh nên từ bỏ chính sách không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân và nên phản ứng trước việc Washington đang tạo ra các liên minh mới. Ở đây nói về liên minh AUKUS giữa Hoa Kỳ, Úc và Anh nhằm đảm bảo sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của các quốc gia này ở khu vực lân cận Trung Quốc, ông Sha Zukang nói. Trung Quốc nên từ bỏ chính sách không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân và nên đối phó các liên minh mới mà Washington đang tạo ra. Rất có thể, Trung Quốc đang thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế về khả năng thắt chặt chính sách của họ liên quan đến những thực tế mới trong khu vực.
Chuyên gia Chen Hong cho biết, cam kết của Trung Quốc không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân vẫn có hiệu lực. Đồng thời, trước những bất ổn to lớn, Trung Quốc cần phải điều chỉnh lại chiến lược của mình và đưa ra lựa chọn chiến thuật mới.
Hôm nay, Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa tái khẳng định việc Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này là nhất quán và rõ ràng.
Nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh tích cực chủ trương cấm hoàn toàn và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Bà Hoa Xuân Oánh nhắc nhở rằng, Trung Quốc cam kết không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.