TP.HCM nói về ca tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer, nguyên nhân khiến Phi Nhung qua đời

Sputnik cập nhật tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam với một số nội dung đáng chú ý như Sở Y tế TP.HCM vừa thông tin về trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer.
Sputnik
Bệnh viện Chợ Rẫy nói về quá trình điều trị và nguyên nhân Phi Nhung tử vong sau khi mắc Covid-19.
Vì sao Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chưa cho các chuyến bay thương mại, tàu khách đến thủ đô?

Tín hiệu đáng mừng về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Việt Nam hôm nay ghi nhận số ca mắc thấp kỷ lục trong đợt dịch thứ 4 lần này. Bộ Y tế chiều nay 28/9 chỉ cập nhật thêm 4.589 ca nhiễm mới.
Đáng chú ý, trong đó có 6 ca nhập cảnh và 4.583 ca ghi nhận trong nước. Mức lây nhiễm tại Việt Nam đã giảm mạnh với 4.759 ca thấp hơn so với ngày trước đó. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng.
Giá bán kit test nhanh Covid-19 chênh lệch, Bộ Y tế nói gì?
Hôm nay cả nước cũng chỉ ghi nhận 178 trường hợp tử vong, số ca hồi phục cao gần gấp 5 lần số ca mắc mới - 21.487 người.
Như vậy, tính đến nay, Việt Nam phát hiện 770.640 ca nhiễm, 559.945 ca đã khỏi bệnh, 191.759 ca đang điều trị và 18.936 ca tử vong.
Cả nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Ngày 27/9. Có thêm 879.618 liều vaccine được tiêm, nâng tổng số liều đã được tiêm là 40.095.031, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064 liều.
Về 150.000 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với test kháng nguyên nhanh được phát hiện trên địa bàn TP.HCM từ ngày 20/8 đến nay (khoảng 150.000 người), do thành phố cần thời gian để rà soát, phân loại, lọc thông tin bị trùng lặp của danh sách nên hiện chưa nhập thông tin lấy mã số.
Bộ Y tế hướng dẫn Sở Y tế TP HCM chủ động thông qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động cập nhật kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0 đối với trường hợp chỉ định cách ly tại nhà; chỉ xét nghiệm RT-PCR khẳng định đối với trường hợp đưa đến khu cách ly y tế tập trung. Số ca dương tính hàng ngày được thống kê bao gồm cả số ca test nhanh dương tính.

Ca tử vong ở TP.HCM có liên quan đến chất lượng vaccine Pfizer hay không?

Thông tin về ca tử vong sau tiêm vaccine Pfizer ở TP.HCM đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) cho biết, có một trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer nhưng không liên quan đến chất lượng vaccine này. Do đó, thành phố vẫn tiếp tục triển khai tiêm chủng lại bình thường với vaccine Pfizer.
Sở Y tế TP.HCM đang chờ Bộ Y tế xác nhận 150.000 ca mắc COVID-19?
Trong trưa nay 28/9, Sở Y tế TP.HCM đã họp Hội đồng tư vấn chuyên môn về một trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Pfizer. Kết luận ban đầu của các chuyên gia không ghi nhận bằng chứng tử vong liên quan đến chất lượng vaccine của Pfizer- BioNTech.
Trong thông cáo phát đi chiều tối nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết cũng trong trưa 28/9, Sở Y tế TP.HCM đã có chỉ đạo tạm thời ngưng tiêm vaccine của Pfizer lô FK0112 trong khi chờ ý kiến đánh giá chuyên môn về một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin của Pfizer mới được ghi nhận.
“Ngay đầu giờ chiều 28/9, Sở Y tế đã khẩn trương tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân. Qua cuộc họp, kết luận ban đầu của các chuyên gia là không ghi nhận bằng chứng tử vong liên quan đến chất lượng vaccine, nguyên nhân tử vong cần chờ kết quả giám định pháp y”, HCDC lưu ý.
Căn cứ vào chính kết luận này, ngay trong chiều nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã thông báo các đơn vị tiếp tục sử dụng vaccine Pfizer để tiêm chủng cho người dân như bình thường.
Trong buổi họp báo chiều nay, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, việc tạm ngừng lô Pfizer nêu trên chỉ là vấn đề quản lý, một số nơi cần phải chấn chỉnh lại.
“Khi đã khắc phục các điểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý thì sẽ tiêm lại”, bà Mai nói.
HCDC cũng cho biết, tính đến hết ngày 25/9, tổng số mũi vaccine mà thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm là 9.441.815, tăng 242.022 mũi so với ngày 24-9, trong đó tổng số mũi 1 là 6.814.687, mũi 2 là 2.627.128. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.107.266.

Tại sao Hà Nội chưa muốn tiếp nhận các chuyến bay, tàu khách?

Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đề nghị kiểm soát các chuyến bay, chuyến tàu đến Hà Nội.
Đại dịch COVID-19
TP.HCM đã qua đỉnh điểm của dịch Covid-19
Văn bản này do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn ký gửi Bộ Giao thông Vận tải.
Lãnh đạo Hà Nội nêu rõ qua 60 ngày thực hiện giãn các xã hội, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19.
Ngày 20/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
“Tuy nhiên hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn rất cao”, văn bản nêu.
Do đó, để đạt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội, trừ trường hợp phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, vận chuyển hàng hóa hoặc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.
Về phần mình, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 15 và 19, dự kiến từ 1/10.
Tổng thống Hàn Quốc: sẽ cung cấp cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine COVID-19
Kế hoạch chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày) tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày sau giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%. Giai đoạn 3 (sau giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế. Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường.
Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam sẽ quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.
Hiện nay đường bay nội địa vẫn tạm dừng, ngành hàng không chỉ khai thác các chuyến bay chở hàng hóa và kết hợp chở khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19. Đường bay Hà Nội - TP HCM chỉ duy trì tối đa 2 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày.

Hành trình điều trị Covid-19 cho ca sĩ Phi Nhung và nguyên nhân gây tử vong

Sau gần 45 ngày chống chọi với Covid-19, ca sĩ Phi Nhung đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào 12h15 trưa ngày 28/9.
Quân đội Việt Nam chế tạo 5 xe labo xét nghiệm Covid-19, hơn cả xe nhập khẩu
Chiều cùng ngày, bác sĩ điều trị chính cho Phi Nhung tại khoa Hồi sức cấp cứu khu D (Bệnh viện Chợ Rẫy) là TS.BS. Trương Dương Tiển (đồng thời cũng là Trưởng ICU khu D) đã chia sẻ về hành trình điều trị cho nữ ca sĩ từ ngày 26/8 đến 28/9 tại bệnh viện.
Theo đó, bác sĩ Tiển cho biết nữ ca sĩ được phát hiện nhiễm Covid-19 vào ngày 15/8. Ban đầu, ca sĩ Phi Nhung được đưa vào điều trị tai Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy được mời sang hội chẩn. Lúc này, cô đã rơi vào tình trạng hôn mê, đặt nội khí quản thở máy, ô xy cao, huyết áp tụt...
Đêm 26/8, do tình trạng diễn tiến xấu nên Phi Nhung được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay trong đêm cùng ngày, nữ ca sĩ được chỉ định lọc máu để giải quyết “cơn bão cytokine”.
Đến sáng 27/8, ca sĩ Phi Nhung có cải thiện về huyết áp nên được ngưng vận mạch. Sau đó 2 - 3 ngày, cô đáp ứng điều trị tốt hơn, tỉnh, tự thở tốt nên được tập thở và có hy vọng. Tuy nhiên, những “cơn bão cytokine” sau đó dữ dội trở lại khiến cô gặp nguy hiểm.
Bác sĩ Trương Dương Tiển cho biết, Phi Nhung bị cơn “bão cytokine” rất nặng từ khi còn ở Bệnh viện Gia An 115. Sau khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, cô đã được lọc máu liên tục, dùng màng lọc đặc hiệu và đánh giá theo dõi thường xuyên.
Ca sĩ Phi Nhung.
Trưởng khoa ICU khu D cho biết, khi lọc máu thì “cơn bão cytokine” ở Phi Nhung giảm nhưng hễ ngưng lọc thì “cơn bão cytokine” bùng lên lại. Hội đồng chuyên môn đánh giá tình trạng nữ ca sĩ còn nặng hơn cả bệnh nhân 91 là phi công người Anh.
Đến ngày 7/9, diễn tiến bệnh trạng của Phi Nhung nặng lên, tràn khí màng phổi 2 bên, suy hô hấp nặng, tụt oxy và sốc nặng. Ngay trong đêm cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật dẫn lưu màng phổi 2 bên và tiến hành đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho cô. Từ đó, nữ ca sĩ được theo dõi liên tục bởi các y bác sĩ.
Tuy vậy, việc dẫn lưu màng phổi bên phải liên tục ra khí và máu, nên khoa ICU khu D đã hội chẩn liên tục với Khoa Ngoại lồng ngực để xử lý tràn khí và máu phổi phải.
Đại dịch COVID-19
Việt Nam ghi nhận 10.025 ca mắc Covid-19 tại 34 tỉnh, thành phố
BS Tiển cho biết, thứ 6 tuần rồi (ngày 24/9), bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn và quyết định phẫu thuật nội soi phổi phải để đánh giá tình trạng tổn thương phổi, đồng thời cầm máu và giải quyết tràn khí. Bệnh nhân cùng ECMO vào phòng mổ, vừa mổ vừa hồi sức.
“Sau 5 giờ mổ, bác sĩ phát hiện phổi của ca sĩ Phi Nhung vỡ 2 kén khí nên cắt 2 kén khí vỡ. Ghi nhận nhiều nơi của phổi bị nhũn nên cầm máu rất khó”, TS.BS. Trương Dương Tiển cho hay.
Thông qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định phổi Phi Nhung đặc, tắc mạch máu, phổi gần như không hoạt động. Cô gần như lệ thuộc vào máy thở và ECMO.
“Mỗi lần thay màng ECMO cho bệnh nhân là rất căng thẳng vì thay thì sẽ gián đoạn nên các y bác sĩ phải làm thật nhanh nhằm hạn chế bị tụt huyết áp”, bác sĩ Trương Dương Tiển kể.
Gần sáng 28/9, dù vẫn đang chạy ECMO nhưng ca sĩ Phi Nhung bị tụt oxy, tụt huyết áp và không cách nào nâng huyết áp lên được.
“Đến 11 giờ 57 phút (ngày 28/9), nhịp tim của ca sĩ Phi Nhung rời rạc, đến 12 giờ 15 thì tử vong. Kết luận nguyên nhân tử vong là do ca sĩ Phi Nhung mắc Covid-19 nặng biến chứng suy đa cơ quan”, bác sĩ Tiển cho biết.
Theo bác sĩ Tiển, nữ ca sĩ có bệnh trạng diễn biến rất nặng, lại là người của công chúng nên việc điều trị cho bệnh nhân rất áp lực. Các y bác sĩ đã áp dụng mọi biện pháp tốt nhất có thể nhưng đáng tiếc cô đã không qua khỏi.
Xin vĩnh biệt Phi Nhung, giọng ca vàng trong làng nhạc quê hương trữ tình của Việt Nam, người con gái có tấm lòng vàng với những đứa trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh và từng hoàn cảnh khó khăn ở khắp nơi trên cả nước…
Thảo luận