Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc
Gay go nhất là các thành phố Thẩm Dương và Đại Liên, nơi có hơn 13 triệu người sinh sống. Thành phố Cát Lâm với dân số 25 triệu người cũng chung cảnh ngộ, mà đây là nơi bố trí nhà máy của các nhà cung cấp Apple và Tesla. Các phương tiện truyền thông và người dùng mạng xã hội trên toàn khu vực đăng tải các thông báo về tình trạng tắt đèn hiệu giao thông, thang máy trong khu dân cư không chạy, trục trặc với vùng phủ sóng di động 3G và sự cố ở hàng loạt nhà máy. Một số cửa hiệu phải thắp sáng bằng nến, còn các cơ quan công trình đô thị cho biết nguồn cấp nước đang có nguy cơ phải đóng cửa.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng diễn ra do siết chặt quy định về phát thải khí nhà kính và nhu cầu cao từ ngành công nghiệp, đẩy tăng giá than. Giờ đây, giá thành các hợp đồng cung cấp than tương lai ở Trung Quốc đã tăng 7% đến mức kỷ lục là 1.324 nhân dân tệ (204,76 USD) cho 1 tấn.
Thống đốc tỉnh Cát Lâm tuyên bố cần tạo ra một số kênh để đảm bảo nguồn cung. Đồng thời, theo lời vị quan chức này, Trung Quốc nên tăng lượng mua than từ Nga, Mông Cổ và Indonesia. Tỉnh cũng sẽ khẩn trương phái các nhóm đặc biệt đến làm việc với khu vực Nội Mông lân cận để đảm bảo nguồn cung cấp. Hội đồng Điện lực Trung Quốc, đại diện cho các nhà cung cấp điện, thì tuyên bố rằng các công ty năng lượng sử dụng than phải mở rộng kênh thu mua của mình bằng mọi giá để đảm bảo nguồn cấp nhiệt và điện trong thời kỳ mùa đông giá lạnh.
Bản thân các nhà kinh doanh than cũng lưu ý rằng đưa ra tuyên bố là chuyện dễ hơn tìm nguồn nhập khẩu mới.
«Nga trước tiên phải đáp ứng nhu cầu từ phía châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Xuất khẩu của Indonesia cũng bị hạn chế do thời tiết mưa nhiều trong suốt mấy tháng qua, còn xuất khẩu của Mông Cổ, chủ yếu bằng xe tải, thì luôn ở mức thấp», - một thương nhân vùng đông-bắc Trung Quốc lưu ý.
Ai có lỗi trong khủng hoảng?
Nhà nghiên cứu chính sách năng lượng của Trung Quốc kiêm chuyên gia quản lý của công ty tư vấn Lantau Group là David Fishman chỉ ra rằng tình trạng khan hiếm thiếu hụt hiện tại là hệ luỵ từ những khuyết điểm trong hệ thống định giá ở Trung Quốc.
«Trong triển vọng ngắn hạn, giải pháp duy nhất có ý nghĩa là khiến người dùng cuối cùng phải trả ra nhiều tiền hơn cho năng lượng, hoặc là đào thêm nhiều than từ lòng đất, nhưng chắc chắn sẽ là ý tưởng không được hoan nghênh».
Theo đánh giá của Goldman Sachs, tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng đến 44% ngành công nghiệp của Trung Quốc, khiến tăng trưởng GDP hàng năm giảm 1% trong quý III và 2% trong quý IV. Theo ý kiến của các chuyên gia phân tích, GDP của Trung Quốc có thể tụt xuống 7,8% tuy dự báo trước đó là 8,2%.