Angela Merkel sẽ đi vào lịch sử với tư cách là chính trị gia danh tiếng hoàn hảo

Sau bầu cử Hạ viện, bà Angela Merkel sẽ rời khỏi chức vụ Thủ tướng Đức mà bà đã nắm giữ từ tháng 11 năm 2005. Ngay từ bây giờ, giai đoạn bà lãnh đạo nước Đức đã được gọi là “kỷ nguyên Merkel”. Là người từ CHDC Đức xã hội chủ nghĩa cũ, bà là nữ lãnh đạo giữ chức vụ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức.
Sputnik
Là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực vật lý và hóa học, bà thường dựa vào quyết định của mình về số liệu và sự kiện. Trong chính sách của bà không có chủ nghĩa dân túy, bà cũng bỏ qua tư tưởng của Đảng mà bà là Chủ tịch, khi các luận chứng nghiêng về ủng hộ bước đi nào đó. Bà Merkel cũng là Thủ tướng đầu tiên tự nguyện rời bỏ chức vụ vào thời điểm do chính bà lựa chọn.
Giải mã bí quyết uy tín của bà Merkel bằng một cụm từ
Sau 4 nhiệm kỳ bà Merkel làm Thủ tướng, không ai nghi ngờ gì về vai trò dẫn đầu của Đức về mặt chính trị, tài chính và kinh tế trong Liên minh châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã giảm xuống dưới 6% (số liệu tháng 8 năm 2021). Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù GDP của Đức bị giảm do đại dịch COVID, nhưng vẫn vượt xa Canada, Anh, Pháp và Nhật Bản.
Ngày nay, 40% tổng sản lượng công nghiệp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu do Đức nắm giữ. Tuy nhiên, một trong những thành tựu quan trọng nhất của thời Merkel là tỷ lệ tạo việc làm cao, đặc biệt là đối với phụ nữ. Đức có tỷ lệ phụ nữ đi làm cao nhất trong tất cả các nước G-7. Bà Merkel được đánh giá cao vì đã góp phần cứu vãn khủng hoảng nợ của Hy Lạp, cũng như đã giải tỏa tình hình dòng người tị nạn đến châu Âu và đấu tranh không khoan nhượng chống đại dịch COVID-19, mặc dù điều này dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở chính nước Đức.

Đóng góp vô giá cho EU

Di sản mà bà Merkel để lại cho nước Đức sau cuộc bầu cử liên bang gây nhiều tranh cãi. Những thành tựu không thể phủ nhận của Thủ tướng Angela Merkel là gì, và bà đã thất bại ở đâu? Ông Yuri Kvashnin, Trưởng phòng Nghiên cứu về Liên minh Châu Âu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã chia sẻ với Sputnik ý kiến ​của mình về vấn đề này:
“Bà Merkel đã có những đóng góp vô giá vào sự phát triển của EU, hội nhập châu Âu và củng cố khu vực đồng euro, củng cố sự kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Nhờ các nỗ lực của bà, EU bắt đầu giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ tài chính, khắc phục được khủng hoảng liên quan đến sự mất lòng tin của nhà đầu tư. Năm 2015, bà Merkel mở cửa biên giới cho những người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Iraq vào Đức, bất chấp sự phản đối gay gắt của người dân trong nước. Mùa xuân năm 2016, bà thỏa thuận được với Erdogan về việc cấp tiền cho các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó dòng người tị nạn bắt đầu giảm hẳn. Và mặc dù không thể nói rằng vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào EU đã được giải quyết hoàn toàn, nhưng giai đoạn gay gắt đã qua. Dưới thời bà Merkel, chính sách kinh tế trong nước không xảy ra cú sốc lớn nào. Đức vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tương đối thành công trong việc khắc phục khủng hoảng đại dịch năm 2020 bằng cách khuyến khích nhu cầu người tiêu dùng. Trong một năm rưỡi vừa qua, thu nhập hộ gia đình ở Đức ngày càng tăng. Điều chủ yếu trong chính sách năng lượng của Đức là từ chối than đá và năng lượng hạt nhân để bảo vệ an toàn môi trường và tránh nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân như tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Nước Đức dưới thời Merkel đã dựa vào "năng lượng xanh" và khí đốt. Bất chấp sự phản đối của Mỹ và thậm chí một số đối tác châu Âu, nhân danh lợi ích quốc gia bà Merkel đã ký thỏa thuận "Dòng chảy phương Bắc-2" với Nga. Nếu nói về Merkel với tư cách là một con người, thì bà không đưa ra một lý do nào để buộc tội bà tham nhũng, âm mưu hoặc có hành vi thiếu rõ ràng. Trong ý nghĩa này, bà Merkel sẽ đi vào lịch sử với hình ảnh một chính trị gia có danh tiếng hoàn hảo không chê vào đâu được”.
Trong số các xu hướng tiêu cực, chuyên gia Yuri Kvashnin nêu lên tình hình nhân khẩu học, sự tụt hậu so với các nước phát triển trong lĩnh vực ứng dụng đổi mới và sự thất bại của Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Hoa Kỳ (Transatlantic Trade and Investment Partnership) do bà Angela Merkel khởi xướng.
Tân Thủ tướng Đức có thể giống như bà Merkel cầm quyền trong suốt 16 năm
“Năm 2020, lần đầu tiên sau 9 năm, dân số ở Đức không gia tăng. Đức phải sử dụng lao động nhập cư, nhưng cũng trong năm đó số lượng người nhập cư vào Đức cũng giảm. Điều này đã trở thành vấn đề khó khăn của đất nước. Trên quan điểm kinh tế, Đức đã cố gắng duy trì lợi thế cạnh tranh của mình trong lĩnh vực ô tô, dược phẩm và các lĩnh vực khác, nhưng lại thua kém đáng kể so với Hoa Kỳ và thậm chí sơ với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất đổi mới. Trong số các thất bại lớn còn có sự đổ vỡ của thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership (TTIP) giữa Hoa Kỳ và EU. Đức đặt nhiều mong đợi vào thị trường Bắc Mỹ, nhưng chủ nghĩa bảo hộ của cả hai bên đã trở thành ngăn cản việc ký kết Hiệp định. Trong khi đó, thỏa thuận tương tự giữa EU và Canada, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được ký kết thành công."
Gần đây, công ty nghiên cứu quốc tế Ipsos đã tiến hành khảo sát dư luận xã hội đánh giá vai trò của Thủ tướng Đức. Tổng cộng 58% người được hỏi coi hoạt động của bà Merkel là tích cực, 67% người được hỏi ở Đức nghĩ như vậy. Xếp hạng cao nhất là đánh giá của công dân các nước châu Âu láng giềng - Hà Lan (77%), Pháp (75%) và Bỉ (75%). Ở châu Á, bà Merkel được đánh giá cao nhất ở Ấn Độ - 71% và ở Trung Quốc (67%). Và người được hỏi ít tán thành nhất ở Nhật Bản (42%), Mỹ (41%) và Malaysia (37%). Theo các nhà tổ chức cuộc khảo sát, rất có thể số điểm thấp như vậy là do ở các nước này ít người biết về các hoạt động của bà Merkel.
Thảo luận