Sự kiện có sự tham gia của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Pecherin Andrey, Trưởng phòng kinh tế, Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Robert Kurilo, Trưởng đại diện Trung tâm xuất khẩu ga tại Việt Nam cùng các quan chức cấp cao, đại diện doanh nghiệp của hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.
Internet Expo 2021: Tạo đột phá trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga
© Ảnh : Screenshot
Chuyển đổi số - yếu tố tất yếu của doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi lễ, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết:
“Triển lãm được tổ chức vào thời điểm rất đặc biệt tại Việt Nam. Sau một thời gian Việt Nam nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, bắt đầu từ ngày 1/10, TP.HCM và các trung tâm thương mại trên cả quốc sẽ mở cửa lại hoạt động trở lại. Đây là cơ hội tuyệt vời để giao tiếp, nối lại các quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thế giới. Nhờ nỗ lực tích cực hai bên và các hiệp định Liên minh Á - Âu, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga tăng đáng kể, ngay cả trong năm 2021. Trong năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn. Song trong thời gian này, vô hình chung khiến chúng ta nghĩ ra giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, câu hỏi làm thế nào duy trì hoạt động giao thương quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác mới . Điều này cần thiết ko chỉ trong đại dịch mà cả sau này. Chuyển đổi số là câu trả lời. Tôi từng chia sẻ rằng số hóa là cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh. Sau một năm, tôi vui mừng thấy rằng các doanh nghiệp đã thay đổi và chuyển đổi số, thương mại điện tử lớn mạnh”.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại sự kiện.
© Sputnik / Lena Chu
Chia sẻ về sự đồng hành của VIAC trong giải quyết tranh chấp thương mại trong giao thương, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh:
“Tôi cũng thấu hiểu những khó khăn, thử thách, cạnh tranh và tranh chấp thương mại mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phương thức giải quyết thay thế phát huy được tính hiệu quả, linh hoạt của mình. Vì vậy Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, ban hành các văn bản, hoàn thiện khung pháp lý về môi trường kinh doanh. Là trung tâm giải quyết tranh chấp thương mại hàng đầu tại Việt Nam, VIAC nỗ lực nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp, đem lại niềm tin và trở thành chỗ dựa công lý cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.
Về phần mình, Ông Pecherin Andrey, Trưởng phòng kinh tế, Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam đánh giá Triển lãm thực tế ảo Internet Expo 2021 rất thú vị và là nền tảng mới để phát triển thương mại.
“Trong năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3.5 tỷ đô và ngày càng phát triển. Con số này có thể thay đổi tăng lên nếu không vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền tảng công nghệ giúp chúng ta giải quyết tác động của đại dịch. Để tăng cường kim ngạch hai chiều, chúng ta phải tăng cường liên kết và giao thương trực tuyến. Từ kinh nghiệm tổ chức EXPO 2019 sẽ giúp chúng ta cho sự kiện này, kết thúc triển lãm đó có 60 hợp đồng được ký kết. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải áp dụng công nghệ thông tin mới để tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại online. Ngoài ra, tổ chức các buổi tiếp xúc giữa doanh nghiệp địa phương giữa hai nước. Sự kiện này sẽ giúp doanh nghiệp hai nước bày tỏ mong muốn của mình với đối tác. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc áp dụng công nghệ hiện nay là nền tảng vững chắc để tăng cường quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước” - Ông Pecherin Andrey, Trưởng phòng kinh tế, Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu.
Trải qua một giai đoạn dài sống chung với đại dịch Covid-19, đối mặt với vô vàn những khó khăn ngoài dự báo, doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề đã nhận ra tầm quan trọng của việc định hướng và thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh. Bà Nguyễn Mai Hồng, Tổng Giám Đốc Công ty Giải Pháp V-Exim, doanh nghiệp Việt Nam tham dự Internet Expo 2021 chia sẻ với Sputnik:
“Internet Expo là sự kiện kết nối giao thương toàn cầu dựa trên nền tảng công nghệ số tối ưu và dựa trên nguồn lực kết nối các Doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước và doanh nghiệp các nước tiếp cận thị trường tiềm năng tại Việt Nam. Các cơ hội kết nối, tìm hiểu thị trường này đặc biệt có ý nghĩa trong tình hình nhiều rào cản của dịch bệnh Covid-19, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh, mở rộng thị phần, tiếp cận khách hàng và duy trì các quan hệ tiếp xúc- giao thương không có giới hạn về không gian và thời gian.Ứng dụng công nghệ tối ưu hóa tại Internet Expo cũng giúp Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển thị trường và chi phí tiếp thị, nhưng vẫn tiếp cận đến các đối tác/khách hàng tiềm năng và tương thích”.
Đây là lúc để bắt tay vào hành động, đề ra những kế hoạch phát triển cụ thể trong thời đại công nghệ 4.0. Theo thống kê của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.
Cây cầu kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga
Internet Expo 2021 sẽ là bước đệm hoàn hảo để các doanh nghiệp có thể thích nghi với công nghệ thực tế ảo mới lạ và hiện đại, có cho mình những kỹ năng cần thiết để có thể thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện và hiệu quả nhất.
Hiểu được tầm quan trọng phải thay đổi để thích ứng với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mong chờ Triển lãm thực tế ảo Internet Expo 2021 diễn ra. Đặc biệt là các doanh nghiệp giao thương với các doanh nghiệp Liên bang Nga. Khi được hỏi về phản hồi của các doanh nghiệp Nga đối với Triển lãm Internet lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương, Bà Nguyễn Mai Hồng, Tổng Giám Đốc Công ty Giải Pháp V-Exim, bày tỏ niềm tin của mình:
“Với vinh dự nhận được sự hỗ trợ từ Đại sứ quán và cơ quan thương mại 2 nước, các Bộ ngành, Hiệp hội, Liên minh doanh nghiệp các vùng, các Doanh nghiệp lớn và cả các doanh nghiệp startup, theo đánh giá của chúng tôi, sự kiện đang rất được quan tâm và đánh giá cao. Đặc biệt, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các đối tác không thể gặp gỡ và giao dịch, dẫn đến trao đổi hàng hóa toàn cầu gián đoạn, việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên Bang Nga nhiều lúc rơi vào tình trạng khó khăn. Doanh nghiệp tại Nga rất chờ đợi những kênh kết nối giúp thiết lập quan hệ kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả. Và họ đang đánh giá cao việc xem xét tham gia sự kiện này”.
Với quy mô 350 gian hàng ảo và 10.000 khách mời tham dự, 6 phiên giao thương, 6 phiên livestream, 10 phiên hội thảo với hơn 20 diễn giả, 1 phiên Talkshow đặc biệt, 1 buổi lễ vinh danh, công tác chuẩn bị của Ban tổ chức để lại ấn tượng mạnh mẽ với các doanh nghiệp tham dự.
“Tôi nhận thấy sự chuyên nghiệp, tận tâm và quyết tâm rất lớn của BTC sự kiện Internet Expo 2021, không chỉ đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới nhất và còn kết nối với rất nhiều doanh nghiệp lớn để cùng tham gia mở rộng đối tượng tham gia trong sự kiện. Chính vì vậy, Công ty Giải pháp V-Exim đã tham gia với tư cách là đối tác độc quyền tại Liên bang Nga với sứ mệnh kết nối hiệu quả nhất có thể các doanh nghiệp/nhà đầu tư Nga tham gia vào sự kiện này. Chúng tôi hi vọng sau sự kiện này có thể đưa các công nghệ tiên tiến nhất của Nga vào các chương trình của Internet Expo để nâng cấp thêm các sản phẩm, và hi vọng với sự tổ chức chuyên nghiệp của BTC sự kiện sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chương trình” - Bà Nguyễn Mai Hồng, Tổng Giám Đốc Công ty Giải Pháp V-Exim đánh giá.
Một gian hàng thực tế ảo tại Triển lãm Internet Expo 2021
© Ảnh : Screenshot
Internet Expo 2021 là đòn bẩy cho doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga xích lại gần nhau hơn nữa, tìm hiểu và kết nối. Bà Nguyễn Mai Hồng, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp V-Exim bày tỏ mong muốn, sự kiện này sẽ thành công với mục tiêu giới thiệu sự kiện “Internet Expo 2021 – Ngày hội công nghệ – đổi mới và sáng tạo trong kỷ nguyên số” tại thị trường Liên bang Nga cũng như tìm kiếm, lan tỏa mạnh mẽ đến những đối tác tiềm năng những ý tưởng, giải pháp đột phá trên nền tảng số mà Internet Expo cung cấp để có thể phát triển lâu dài, là cầu nối kết nối cơ hội cho thị trường hai nước và quốc tế.
“Internet Expo sẽ trở thành một sự kiện có thương hiệu uy tín trên quy mô quốc tế. Internet Expo 2021 sẽ mở ra cơ hội lớn đầy hứa hẹn để các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực có thể cập nhật và thích nghi hiệu quả trong thời đại số hóa, kết nối giao thương không biên giới. Tôi cũng kỳ vọng Internet Expo 2021 sẽ mang đến cho các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực cập nhật những xu hướng mới về công nghệ trong công cuộc chuyển đổi số , mang đến những giải pháp hữu ích cho việc phục hồi, thích ứng và tạo ra được giá trị mới, tăng hiệu quả hợp tác, mang lại giá trị cho khách hàng, gia tăng tốc độ tăng trưởng, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh thương mại thị trường Việt Nam – Liên Bang Nga. Đây là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt tiến sâu, xa hơn ra thị trường quốc tế một cách tiết kiệm và hiệu quả, và đây cũng là cơ hội để phía Nga chia sẻ các công nghệ và sản phẩm tiên tiến nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và chương trình Internet Expo nói riêng” - Bà Mai Hồng nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số, do đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%.