Chuyên gia bình luận về việc Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng mở cửa sân bay Nội Bài, cho rằng, nếu cần thiết có thể xin ý kiến Thủ tướng xem xét vấn đề vì không nên để các địa phương tự quyết định, mỗi nơi một kiểu.
Đề xuất khởi động lại 10 đường bay nội địa từ 10/10
Ngày 6/10, Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ trở lại.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giai đoạn đầu khởi động lại đường bay nội địa từ 10/10/2021 với 10 đường bay.
Theo nội dung văn bản do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ký, tính đến 6/10/2021, đã có 13 tỉnh thành gửi văn bản trả lời về Cục.
Trong đó, Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch. Có 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch là TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Ngược lại, Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai đề nghị tạm chưa thực hiện kế hoạch bay thương mại thường lệ.
Theo ông Cường, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện xin ý kiến các 10 đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch. Đó là các đường bay giữa TP.HCM - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.
Trong báo cáo, Cục Hàng không nhấn mạnh chỉ mở cửa đường bay trong trường hợp có sự đồng thuận của cả 2 địa phương có cảng hàng không, hoặc sân bay liên quan đến đường bay. Sau khi các địa phương khác đồng ý sẽ bổ sung đường bay sau.
Tần suất khai thác chuyến bay ban đầu không lớn hơn số lượng chuyến bay mà địa phương đồng thuận. Cục Hàng không Việt Nam sẽ phân bổ tần suất khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam đã đăng ký. Hành khách phải là người không cần cách ly tập trung tại điểm đến theo quy định của Bộ Y tế.
Trong văn bản, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giai đoạn đầu dự kiến từ 10/10/2021. Các giai đoạn sau sẽ được triển khai theo Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Điều kiện để được bay là gì?
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị, bên cạnh việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, phải khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định, hành khách còn phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Trong đó, liều cuối cùng phải cách ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát, hoặc hành khách phải xuất trình được giấy xác nhận đã khỏi Covid-19 không quá 6 tháng đến thời gian xuất phát.
Đặc biệt, hành khách đi từ vùng có “Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR, hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ.
Căn cứ trên tình hình thực tế hoặc ý kiến đề xuất của địa phương, sẽ xem xét điều chỉnh, mở rộng đối tượng hành khách theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 8318/CV-BYT, trên tinh thần đảm bảo không yêu cầu cách ly tập trung.
Theo nội dung công văn 8318/CV-BYT trước đó về việc nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19 trong tổ chức hoạt động vận tải hành khách, Bộ Y tế yêu cầu hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).
Bộ cũng nhấn mạnh việc không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần, hoặc đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, ở giai đoạn đầu, hành khách sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay trên 10 đường bay được khôi phục. Việc giãn cách ghế trên tàu bay sẽ được gỡ bỏ từ giai đoạn 2 trở đi.
10 đường bay này gồm 5 đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hoá, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc và ngược lại với tần suất mỗi đường bay 4 chuyến/ngày, dự kiến chia đều cho 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines.
Với 3 đường bay từ Thanh Hóa đi Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc và ngược lại, đề xuất khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày.
Đường bay TP Hồ Chí Minh - Huế và ngược lại dự kiến khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần. Đường bay chiều từ Nghệ An đi TP Hồ Chí Minh khai thác 2 chuyến/tuần.
Ở giai đoạn ban đầu, hành khách đi từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An trước khi di chuyển phải làm xét nghiệm ARN hoặc test nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Khi đến nơi, hành khách tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện thông điệp 5K và xét nghiệm ARN hoặc test nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.
Cũng theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không chỉ được mở bán dựa trên cơ sở phân bổ của Cục theo từng giai đoạn.
Không nên để các địa phương tự quyết định
Chuyên gia bình luận về việc Hà Nội đề nghị chưa thực hiện kế hoạch triển khai đường bay nội địa thường lệ.
TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam (VAAST) cho rằng, Chính phủ chuyển trạng thái từ hướng chiến lược ‘Zero Covid-19’ sang thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng thời, việc kích hoạt lại các hoạt động kinh tế, giao thông vận tải ở các địa phương cũng cần giữ trên tinh thần này, chứ không thể cứ mãi ‘đóng cửa’ chống dịch.
“Chúng ta cần mở cửa giữa các địa phương và tiến tới là với quốc tế để phát triển kinh tế, đối ngoại”, TS. Trần Quang Châu nói.
TS. Châu dẫn ví dụ nhiều nước trên thế giới lâu nay đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, mở lại đường bay nội địa cũng như tính toán khôi phục đường bay quốc tế, với các điều kiện đảm bảo an toàn như tiêm vaccine, xét nghiệm, cần thiết hơn thì cách ly tại nhà/cơ sở lưu trú thời gian ngắn.
Chủ tịch VAAST cho rằng, Hà Nội là thủ đô, trung tâm của cả nước, không nên cô lập về đường hàng không và các loại hình vận tải khác. Đây là việc cấp bách sau nhiều tháng liền giãn cách xã hội chống dịch.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Bách Tùng dẫn số liệu sản lượng hành khách tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiếm đến 60% sản lượng các sân bay trong cả nước. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Nội Bài đón đến hơn 29 triệu hành khác, Tân Sơn Nhất hơn 41 triệu. Các chỉ số này chứng tỏ nhu cầu đi lại giữa hai miền, hai sân bay trọng điểm của người dân rất lớn.
Ông Tùng đánh giá, dù dịch bệnh nhưng nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương dần nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế.
Chuyên gia Nguyễn Bách Tùng lưu ý, Nội Bài không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô mà cả nước, nhất là các tỉnh Bắc Bộ, Tây Bắc, do đó, việc đóng cửa sân bay sẽ ảnh hưởng đến đi lại của người dân cả vùng, không riêng gì thủ đô. VnExpress dẫn lời chuyên gia này cho biết, mối quan tâm, lo lắng về phòng chống dịch của thành phố Hà Nội là dễ hiểu, tuy nhiên, hiện cả nước đang chuyển dần sang trạng thái thích ứng an toàn, Nội Bài dừng hoạt động sẽ khiến trục đường bay quốc gia cùng nhiều hoạt động kinh tế liên quan bị trì trệ thêm.
Phía Vietjet Air cho rằng, các doanh nghiệp hàng không đang ngày càng khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân cao, việc sớm mở đường bay là cần thiết.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị Bộ GTVT thảo luận với UBND thành phố Hà Nội để đạt được thống nhất, nếu cần, có thể xin ý kiến Thủ tướng xem xét vấn đề này, vì trục đường bay quốc gia của Việt Nam không nên để từng địa phương quyết định riêng lẻ, thiếu đồng bộ.
“Hiệu quả nhất là mở đường bay trục Bắc Nam phục vụ nhu cầu người dân và kích thích phát triển kinh tế cả nước nói chung, tôi tin Hà Nội sẽ xem xét hướng giải quyết hợp lý”, đại diện Vietjet Air tin tưởng.
Họp về việc mở lại sân bay Nội Bài
Về vấn đề này, được biết, dự kiến chiều nay ngày 6/10, Chính phủ sẽ có cuộc họp với Bộ GTVT và thành phố Hà Nội để mở cửa sân bay Nội Bài.
Trước đó, Hà Nội đã đề nghị Cục Hàng không báo cáo Bộ GTVT về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi, đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để lấy ý kiến UBND TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.
Được biết, cuộc họp có sự tham dự của Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, Bộ Y tế và Cục Hàng không Việt Nam với nội dung chính xoay quanh ý kiến của UBND TP. Hà Nội về việc mở cửa vận chuyển hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Cục làm rõ các tiêu chí được di chuyển bằng đường hàng không như: Hành khách thuộc các vùng xanh, thuộc các vùng có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến.
Đối với người dân hiện đang ở tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tạm thời chưa di chuyển đến địa phương khác theo đúng tinh thần và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 1265/CĐ-TTg ngày 30/9 về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và công văn số 3251/UBND-ĐT ngày 1/10 của UBND TP.HCM về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cấp thiết.
Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Cục HKVN làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi, đến sân bay Nội Bài với các địa phương có khách đi và đến đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của các địa phương và để đảm bảo hành khách đi sân bay Nội Bài được các địa phương tiếp nhận.
Lãnh đạo Hà Nội cũng đề nghị làm rõ cơ chế phối hợp với cơ quan y tế các địa phương để đảm bảo những hành khách đi máy bay theo dự thảo kế hoạch có thuộc nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly và các biện pháp cách ly cụ thể để đảm bảo phối hợp được chặt chẽ.