Ngày 7/10, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng đã lên tiếng nói về những lùm xùm trong quyên góp từ thiện thời gian qua.
Công an TP.HCM xác minh đơn tố cáo ca sĩ Thủy Tiên
Sau bà Nguyễn Phương Hằng, đến lượt nữ ca sĩ gốc Kiên Giang Thủy Tiên bị tố cáo chiếm đoạt tiền từ thiện.
Theo đó, ngày 7/10, bà Ngô Thị Oanh Phương vừa có đơn tố cáo ca sĩ Thủy Tiên về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM đã chuyển đơn tố cáo bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên, sinh năm 1985, ngụ quận 7) đến Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố để xác minh và giải quyết theo thẩm quyền.
Theo đó, bà Ngô Thị Oanh Phương có đơn tố cáo ca sĩ Thủy Tiên đến cơ quan điều tra về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trong đơn, bà Phương cho rằng Thủy Tiên đã thiếu minh bạch trong việc giải ngân số tiền kêu gọi từ thiện cứu trợ đồng bào miền Trung vào tháng 10/2020.
Theo bà Oanh Phương, trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Thủy Tiên công khai tổng số tiền mạnh thường quân chuyển vào tài khoản của cô là hơn 177 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng sau đó phát hiện một số khuất tất ở hai khoản lên đến 81,3 tỷ đồng.
Bà Ngô Thị Oanh Phương nghi ngờ nhiều khả năng ca sĩ Thủy Tiên đã có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" nên làm đơn tố cáo ra cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra làm rõ.
Bộ Công an đang truy chứng cứ liên quan hoạt động từ thiện của Thủy Tiên?
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương rà soát và cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử về Hội Chữ thập đỏ huyện liên quan đến hoạt động từ thiện, cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên.
Cụ thể, chiều ngày 7/10, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - Đặng Thị Hồng Thắm xác nhận, chưa nhận được báo cáo kèm các chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên từ các xã trên địa bàn.
Theo bà Thắm, văn bản yêu cầu các địa phương triển khai công việc này mới được ký một ngày trước đó.
Nội dung văn bản đề nghị các địa phương hoàn thành việc gửi báo cáo kèm các chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hoạt động từ thiện của Thủy Tiên tại địa phương trước 15h chiều ngày 7/10.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tính đến hiện tại thì chỉ có xã Hoa Thủy đã gửi báo cáo. Nhưng báo cáo này chưa hợp lệ nên được yêu cầu làm lại.
“Các xã khác thì đang thực hiện việc tổng hợp. Có lẽ thời gian quá ngắn nên các xã làm chưa kịp”, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy thông tin.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn gửi UBND huyện Lệ Thủy về việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động của bà Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên) trên địa bàn huyện năm 2020 trong đợt cứu trợ lũ.
UBND huyện sau đó có văn bản gửi các địa phương trong huyện yêu cầu tổng hợp báo cáo theo yêu cầu của Nguyễn Phương Hằng.
Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ được giao nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp báo cáo của các xã và tham mưu cho UBND huyện báo cáo cơ quan điều tra.
Ngoài huyện Lệ Thủy, một số địa phương khác cũng đã lên tiếng xác nhận hoặc chia sẻ, cung cấp thông tin về hoạt động cứu trợ của Thủy Tiên và đoàn từ thiện tại địa phương mình, điển hình như ở Quảng Ngãi.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói về lùm xùm minh bạch từ thiện
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị hai gồm Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang và Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Kim Yến đã gặp gỡ cử tri ba quận gồm Quận 1, Quận 3 và Quận Bình Thạnh trước thềm kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc gặp gỡ này, cử tri Phùng Khôi Hoàng Tuấn, phường 22, quận Bình Thạnh đã phản ánh về vấn đề lùm xùm của nghệ sĩ tổ chức quyên góp từ thiện trong đợt lũ lụt miền Trung năm 2020 vừa qua hay trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi vẫn tiếp tục tổ chức quyên góp từ thiện, nhóm mai táng không đồng.
Cử tri cho rằng, việc kêu gọi từ thiện mang tính tự phát cá nhân, do đó, dễ phát sinh vấn đề lộn xộn.
Ông Tuấn đề nghị cần rà soát, điều tra trong khuôn khổ pháp luật hiện hành để có biện pháp quản lý, tránh thiếu sót. Cử tri này cho rằng, việc một nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện thì cũng phải xin phép rõ ràng, có cơ sở luật pháp, chính quyền đồng ý thì mới làm.
Cùng với đó, tiền quyên góp cũng nên đưa vào một tài khoản công cụ thể chứ không phải chuyển vào tài khoản cá nhân của bất kỳ ai.
“Việc này rất tế nhị, cần nghiên cứu cụ thể, siết chặt lại việc từ thiện cá nhân, tránh dư luận không hay trong quần chúng nhân dân”, ông Tuấn bày tỏ.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho rằng, Nghị định số 64 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được Chính phủ ban hành từ năm 2008. Tuy nhiên, để có sự rà soát chặt chẽ hơn trong việc đóng góp thì thời gian tới, ĐBQH sẽ có kiến nghị với Bộ Tài chính để có nghiên cứu, sửa đổi phù hợp.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nêu quan điểm cho biết, lãnh đạo Công an thành phố, các ban ngành chức năng tiếp thu ý kiến của cử tri về vấn đề quyên góp từ thiện.
Đại tá Quang cho hay, do hành lang pháp lý hiện tại chưa thật sự chặt chẽ nên còn xảy ra nhiều vấn đề.
“Vừa rồi, Bộ Công an đã có đề nghị kiểm tra, rà soát và hiện nay các đơn vị chức năng của Công an TP.HCM đang rà soát”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đối với các đơn tố cáo liên quan, chắc chắn Công an TP.HCM đều tiếp nhận và xử lý đúng theo quy trình tiếp nhận tố tụng.
“Tất cả các vụ nếu đúng điều kiện đều được xem xét thụ lý”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh.