Ngày 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế thành phố. Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin, qua báo cáo sơ bộ, có khoảng 20.000 trẻ em đã mắc Covid-19. Mặc dù mức độ nguy hiểm của trẻ em nhẹ hơn so với người lớn, dịch Covid-19 vẫn gây nguy cơ lớn với các trẻ béo phì, có bệnh nền. Vì vậy, người dân TP.HCM rất lo lắng cho trẻ em trước tác động của dịch bệnh, nhất là khi thành phố dự kiến mở lại các trường học vào tháng 1/2022.
Theo ông Hùng, trên thế giới, học sinh đi học đã nhiễm Covid-19 rất nhiều.
“Riêng tại Hoa Kỳ, trong đợt dịch thứ tư, chỉ trong hai tuần cuối tháng 9 đã có 500.000 trẻ em mắc bệnh do các trường học mở cửa. Đến nay, Hoa Kỳ có khoảng 5,9 triệu trẻ em nhiễm Covid-19, chiếm khoảng 17% số ca mắc của nước này”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nói.
Nhìn về Việt Nam, cả nước hiện có hơn 25 triệu trẻ em. Tại TP.HCM, trẻ trong độ tuổi tới trường là hơn 1,8 triệu. Khi đã tiêm phần lớn vắc-xin cho người lớn thì “làn sóng nguy hiểm” sẽ dồn vào trẻ em. PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng đề nghị đưa chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia.
Giải đáp các kiến nghị của cử tri, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ đang xây dựng kế hoạch và dự kiến cuối tháng 10 triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, sau đó sẽ dần mở rộng ra các độ tuổi khác. Vắc-xin dự kiến tiêm là Pfizer của Hoa Kỳ và Abdala của Cuba. Đây là 2 loại vắc-xin đã được nhiều nước tiêm chủng cho trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm, thời gian tới sẽ có lượng lớn vắc-xin Pfizer về Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng đang chờ Cuba sớm gửi hồ sơ về vắc-xin tiêm cho trẻ em để xem xét.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập tại nơi cư trú
Những ngày gần đây, nhiều học sinh, trẻ em mầm non cùng gia đình từ các tỉnh, thành phố di chuyển về cư trú tại địa phương sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều gia đình rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… để về lại quê nhà ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nam Bộ.
19 Tháng Chín 2021, 13:46
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định, tiếp tục học tập tại địa phương nơi cư trú, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT, đề nghị tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19; chỉ đạo các nhà trường nơi học sinh chuyển đến chủ động, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học sinh vào học tập, đồng thời phối hợp với nhà trường nơi học sinh chuyển đi sớm hoàn thành thủ tục chuyển trường theo quy định.
Ngoài ra, các Sở GD&ĐT cũng được yêu cầu chỉ đạo các nhà trường chủ động bố trí xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng; tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở báo cáo về Bộ GD&ĐT để được hướng dẫn giải quyết.