Bão số 8 giật cấp 14, cách Hà Tĩnh - Thanh Hóa 540 - 600km
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 13-10, bão số 8 (hay còn gọi là Kompasu) mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 14 đang ở trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 600km, cách Nghệ An khoảng 610km, cách Hà Tĩnh khoảng 540km.
Cơn bão số 8 (Kompasu)
© Ảnh : TTXVN - Phạm Khánh Ly
Dự báo đêm nay bão sẽ đi vào vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ và suy yếu dần về cường độ. Sáng 14/10, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Nhận định về nguy cơ tác động của bão số 8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết bão có hoàn lưu rộng, vùng gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 350km từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần về cường độ.
Đến 01 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách Thanh Hóa khoảng 240km, cách Nghệ An khoảng 250km, cách Hà Tĩnh khoảng 190km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Rút kinh nghiệm từ những sự cố xảy ra trong cơn bão số
Chiều ngày 12/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8 (có tên quốc tế Kompasu, đã vào Biển Đông vào sáng cùng ngày và trở thành cơn bão số 8 trong năm nay).
Dự cuộc họp có lãnh đạo 6 tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến, đại diện các địa phương cho biết, cơ bản đã sẵn sàng ứng phó bão. Đến nay về cơ bản đã kêu gọi, hướng dẫn, kiểm soát bảo đảm an toàn đối với hầu hết tàu thuyền hoạt động trên biển (chỉ còn 3 tàu của tỉnh Quảng Ngãi với 29 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa).
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, các địa phương phải cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó và công tác phòng chống thiên tai.
“Công tác phòng chống càng căn cơ, càng tập trung thì thiệt hại càng giảm. Nếu chủ quan thì thiệt hại sẽ rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, năm nay, chúng ta đã chịu nhiều ảnh hưởng về mọi mặt bởi COVID-19, nếu thêm ảnh hưởng nữa của thiên tai thì sẽ càng khó khăn.
Lấy dẫn chứng từ đầu năm đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được hạn chế ở mức thấp. Số người tử vong do thiên tai khoảng 100 người trong khi bình quân nhiều năm là vào khoảng 400 người.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhắc lại một số thiệt hại đáng tiếc trong cơn bão số 7 vừa qua, như sự cố tai nạn chìm 1 tàu đánh cá của tỉnh Thái Bình làm 1 người bị thiệt mạng; cháu bé thiệt mạng do bị rơi xuống suối ở Yên Bái và 1 người bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn trong lũ.