Khán giả vào sân xem cần đạt những điều kiện nào?
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã gửi công văn lên Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch về kế hoạch tổ chức hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản ngày 11/11 và Saudi Arabia ngày 16/11 ở sân nhà.
Theo đó, VFF đề xuất cho khán giả được vào sân, với số lượng tối đa là 50% so với sức chứa 40.000 chỗ của sân Mỹ Đình. Điều kiện để CĐV được vào sân là có xác nhận đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72h.
Trước đó vào ngày 7/9, Việt Nam đã đá trận đầu tiên ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á trên sân nhà và thua trước Australia 0-1. Đây là đấu diễn ra mà không có khán giả trên khán đài do đúng thời điểm Hà Nội phải giãn cách phòng Covid-19. Trước trận với tuyển Úc, tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo chưa từng thua khi đá tại sân Mỹ Đình (thắng 5, hòa 2).
Trong khi đó tại bảng B, các đội tuyển khi đá ở sân nhà như Nhật Bản, Oman, Saudi Arabia và Oman đều đã cho khán giả vào sân. Còn Trung Quốc thuê sân ở Qatar và UAE làm sân nhà do chính phủ nước này không ưu tiên về thời gian cách ly cho các đội khi nhập cảnh.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam vào vòng loại cuối cùng World Cup. Hiện đội tuyển đứng cuối bảng do thua cả bốn trận, ghi bốn bàn và thủng lưới 10 lần.
SVĐ Mỹ Đình tu sửa 'sau 10 năm không thay cỏ'
Sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam với Australia, SVĐ Mỹ Đình đang bị AFC đánh giá là xuống cấp, kém chất lượng.
Ngay sau trận đấu, ban quản lý sân đã cho đào xới lại mặt cỏ, tái tạo rễ cỏ mới. Chiều 28/09, nhiều hạng mục tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) bắt đầu được cải tạo, sửa sang tổ chức các trận đấu sắp tới của tuyển Việt Nam.
Sân Mỹ Đình thuộc quyền quản lý của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, đơn vị tự chủ tài chính 100% từ năm 2012, với nhiều bất cập và nằm trong diện thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ.
Năm 2003, sân Mỹ Đình được đưa vào sử dụng để phục vụ SEA Games 22, kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức trên sân nhà. Cho đến nay, sân vận động này vẫn là biểu tượng của thể thao Việt Nam, nhưng nó đang xuống cấp theo thời gian khi không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.
Chất lượng kém khiến sân Mỹ Đình từng bị Liên đoàn Điền kinh châu Á từ chối tổ chức các giải đấu trong hệ thống. Ngoài ra, sân Mỹ Đình cũng thay mặt cỏ sân tập một lần trong giai đoạn này và toàn bộ số tiền phục vụ cải tạo, thay mới của tất cả hạng mục nói trên đều trích từ ngân sách.
Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, đơn vị này không thay thế mặt cỏ bởi không cần thiết, ông Hổ cho hay:
"Khoảng 5 năm là phải thay mới, nhưng đến giờ đã 10 năm mặt cỏ vẫn chưa được thay mới. Nguyên nhân là vì tổ chức quá ít trận đấu, việc thay thế là không hiệu quả".
Sân Mỹ Đình vẫn còn nhiều hạng mục xuống cấp như hệ thống trụ đèn chiếu sáng, mái khán đài A và B nhiều nơi bị gỉ sét. Nhiều bóng đèn chiếu sáng công suất lớn cũng không đảm bảo, nhiều bóng vỡ, hỏng, xuống cấp.
Khu vực khán đài vẫn chưa được dọn dẹp, làm mới theo, nấm mốc cùng rác thải tạo nên hình ảnh nhếch nhác, không xứng tầm sân vận động quốc gia. Hạn chót để sân Mỹ Đình bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công là ngày 20/10.
Đồng thời, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ báo cáo Liên đoàn Bóng đá Châu Á về tiến trình trước ngày 28/10 trước khi có quyết định được tổ chức trên sân nhà hay không.