Nâng cao tinh thần 'dám nghĩ dám làm'
Trong 2 ngày 13 và 14/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về công tác thông tin đối ngoại ở nước ngoài.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cùng sự tham dự của 70 Đại sứ, Tổng Lãnh sự, đại diện các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và một số đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Hội nghị được tổ chức trên tinh thần triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII với định hướng phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại và xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại.
Đồng thời, định hướng lại chiến lược quan trọng nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc và hiện thực khát vọng phát triển của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá cao đóng góp quan trọng của CQĐD với tinh thần "dám nghĩ, dám làm", chủ động, sáng tạo trong việc triển khai công tác thông tin đối ngoại thời gian qua.
Cũng như các CQĐD bám sát được những yêu cầu về nội dung thông tin, hình thức thể hiện, các biện pháp triển khai cũng như các nhóm đối tượng cần tuyên truyền.
Qua đó góp phần hiệu quả vào công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về đất nước ra bên ngoài cũng như cung cấp thông tin về tình hình thế giới, khu vực cho công chúng trong nước.
'Câu chuyện tuyên truyền' và ngoại giao ở nước ngoài
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan, tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn ngoài nước.
Trong khi đó, yêu cầu mới của đất nước và sự thay đổi của tình hình đi cùng sự phát triển về công nghệ số đã đặt ra những nhiệm vụ mới mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả và tính lan tỏa của thông tin đối ngoại.
Tại Hội nghị, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự và đại diện các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẳng định công tác thông tin đối ngoại luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan đại diện, là công cụ để giao tiếp với các đối tượng khác nhau ở sở tại.
Thời gian qua, thông tin về những thành tựu đổi mới của đất nước, về lịch sử, truyền thống dân tộc, hình ảnh Việt Nam với những quan hệ đối ngoại rộng mở đã được truyền tải đến được với nhiều đối tượng hơn.
Đáng chú ý, thông qua các "câu chuyện truyền thông" phong phú, thuyết phục cả nội dung và hình thức truyển tải hơn. Từ đó, bạn bè và công chúng quốc tế "từ chỗ biết về Việt Nam, hiểu về Việt Nam đến yêu mến Việt Nam".
Bên cạnh đó, các trưởng cơ quan đại diện cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ trong và ngoài nước, với các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương.
Đồng thời, phát huy vai trò của báo chí Việt Nam, nhất là các cơ quan báo chí Việt Nam thường trú, báo chí của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và cần dành kinh phí riêng cho công tác thông tin đối ngoại.