Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 853.842 ca mắc COVID-19, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.672 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 849.197 ca, trong đó có 785.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (414.744), Bình Dương (223.959), Đồng Nai (57.122), Long An (33.567), Tiền Giang (14.774).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14/10 là 719 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 788.005.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.327 ca, trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 104 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.950 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 57.457.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 40.654.892 liều, tiêm mũi 2 là 16.802.200 liều.
Bộ Y tế thông tin về tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em
Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Theo Bộ Y tế, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến hết ngày 11/10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 55 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...).
Loại vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ em là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 02 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.
Hiện nay, một số loại vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em và đã có nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm chủng các loại vaccine này.
Như Sputnik đã đưa tin trước đó, chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sắp tới của Việt Nam sắp tới sẽ chú trọng vào đối tượng trẻ em.
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá công tác tiêm vaccine Covid-19 vào chiều 11/10, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú).
Thứ trưởng Tuyên cũng thông tin về vaccine Pfizer đã được đã chích ngừa cho trẻ em 12-17 tuổi và đang thử nghiệm tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi tại Mỹ. Ngoài ra, vaccine của Cuba có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và đã triển khai tại nước này.
Trước đó, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã thông tin về lượng lớn vaccine Pfizer dự kiến sẽ về Việt Nam thời gian tới. Ông Thuấn cũng cho biết trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đề nghị nước này sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.
Bên cạnh đó vào cuối tháng 9 vừa qua, phía nhà sản xuất vaccine Pfizer thông tin về việc thử nghiệm tiêm chủng trên khoảng hơn 1.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.
Đối với những trẻ em ở độ tuổi này đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech với liều lượng mỗi mũi là 10 microgram thay vì 30 microgram cho với trẻ trên 12 tuổi và người lớn. Các mũi tiêm cũng được rút ngắn xuống chỉ còn cách nhau 21 thay vì 28 ngày.
Đại diện nhà sản xuất cho biết liều 10 microgram đã được "lựa chọn cẩn thận làm liều ưu tiên cho sự an toàn, khả năng dung nạp và khả năng sinh miễn dịch" ở nhóm tuổi từ 5-11. Ngoài ra, đại diện này cũng thông tin thêm:
"Tác dụng phụ mà vaccine gây ra nhìn chung có thể so sánh với những phản ứng quan sát thấy ở những người tham gia trong độ tuổi 16 đến 25 bao gồm: đau và sưng tại chỗ tiêm, nhức đầu, ớn lạnh và sốt".
Tổ chức tiêm chủng được thực hiện như nào?
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em: Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế.
Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này) theo mẫu ban hành kèm theo Công văn này.
Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12.
Đáng chú ý, đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.