Danh sách 27 địa phương cho xe khách liên tỉnh chạy trở lại
Bộ GTVT vừa cho biết, tính đến chiều 15/10, 27 địa phương đã chấp thuận phương án hoạt động trở lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh theo hướng dẫn thí điểm tạm thời của Bộ, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đắk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Nam Định, Bình Dương.
Ngoài ra, 11 Sở GTVT đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến, gồm: Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hậu Giang.
Cũng theo Bộ GTVT, lượng khách đi lại trên các tuyến vận tải đường bộ chưa nhiều. Trong số 27 địa phương nêu trên, 22 tỉnh đã mở tuyến xe khách với 316 chuyến đăng ký mỗi ngày, song thực tế chỉ có 66 chuyến khai thác trong ngày 15/10, vận chuyển chỉ có 203 khách.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm việc khôi phục vận tải hành khách
Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện số 1322/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Công điện nêu rõ, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm các chuyến bay nội địa từ ngày 10/10 đến ngày 20/10. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, một số địa phương chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế.
Do đó, các tỉnh, thành phố được đề nghị rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GTVT và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Cũng theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân, Bộ GTVT căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ban hành công điện này, phải ban hành quy định, hướng dẫn và triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.