Đại dịch COVID-19

'Bình thường mới' của TP.HCM và sự chuẩn bị của hệ thống y tế nếu có đợt dịch thứ 5

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau 5 tháng chống dịch căng thẳng, đã và đang mở ra cơ hội bình thường mới tại TP.HCM và miền Đông Nam Bộ. Sáng 18/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi giao lưu trực tuyến với người dân, một trong những vấn đề được nêu ra là việc ứng phó của hệ thống y tế nếu có đợt dịch thứ 5 bùng phát.
Sputnik

TP.HCM sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới

Sáng 18/10, HĐND TP.HCM khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày. Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ, đây là kỳ họp rất quan trọng của HĐND Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp.
Bởi, đây là dịp để đánh giá sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong kiểm soát dịch COVID -19.

“Đồng thời thông qua các quyết sách quan trọng để hỗ trợ hoạt động khuyến công, các doanh nghiệp không có nguồn thu do ảnh hưởng của dịch; các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, thu hút mời gọi đầu tư để phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển thành phố”.

Nguyễn Thị Lệ
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh:

"Đến hôm nay, chúng ta có thể báo cáo trước đồng bào, cử tri thành phố, cả 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn “bình thường mới".

Bà Lệ cho biết, tính đến 17/10, thành phố đã có 417.208 ca mắc COVID-19, 240.797 ca trị khỏi và xuất viện. Số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống mức 3 con số; số tử vong giảm rất sâu xuống 2 con số.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%. Thực hiện Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND TP, một số hoạt động kinh tế, xã hội đã được thí điểm mở cửa trở lại.
"Đây là tín hiệu tích cực để tiếp tục triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội với phương châm mở cửa từng bước, an toàn, vũng chắc", bà Lệ nói.

Thủ tướng: Chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất toàn quốc

Trước đó vào ngày 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.
Trong đợt dịch thứ 4, các địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần các Chỉ thị 15, 16, 19 và lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại một số địa bàn với một số biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, khi 'đỉnh dịch' của đợt thứ 4 qua đi, ngày 11/10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện quy định này với 4 cấp độ dịch khác nhau.
Đại dịch COVID-19
Dịch Covid-19 ở Việt Nam, Chính phủ ban hành quy định 'thích ứng an toàn' với 4 cấp độ dịch
Sau 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128, khi nghe các địa phương báo cáo, phản ánh về tình hình, Thủ tướng cho biết vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Qua đó, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Ngoài ra, trong Nghị định 128 tạm thời mà Chính phủ vừa ban hành nêu rõ:
"Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng".

Gói gọn 5 tháng chống dịch trong một từ 'bi tráng'

Sáng 18/10, đã diễn ra cuộc trò chuyện trực tuyến giữa bạn đọc và cùng 3 bác sĩ đã tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TP.HCM là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lê Minh Khôi - Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Cả 3 bác sĩ đã cùng chia sẻ về chiến dịch phòng chống COVID-19 với 5 tháng cực kỳ khó khăn tại khu vực phía Nam vừa qua và cơ hội trở lại bình thường mới trong những ngày tới đây.
Thông qua đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế đã rút ra những kinh nghiệm quý giá về phòng chống dịch Covi-19, nhất là việc lây nhiễm cộng đồng. Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết:

"Đến nay, chúng tôi đã có một bài học kinh nghiệm tại TP.HCM là khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm cho mình, và gia đình, là điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mình trong đợt dịch vừa qua".

Nguyên nhân là do đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta rất nguy hiểm, có nhiều điểm mới, nồng độ dịch trong hô hấp rất cao (hơn 1.000 lần), vòng lây nhiễm của virus ngắn hơn (24-48 giờ, cùng lắm 72 giờ), chỉ số lây nhiễm gấp nhiều lần (1 người lây nhiễm nhanh chóng 9-10 người).
Chính vì thế, tất cả hoạt động về mặt y tế luôn được Bộ y tế theo dõi sát sao, kể cả vấn đề làm sao hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, các chiến lược xét nghiệm, khuyến cáo đến ban chỉ đạo các địa phương, luôn hoàn chỉnh các phác đồ điều trị để tập trung giảm tỉ lệ nặng và nguy kịch cho bệnh nhân.
Đại dịch COVID-19
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, phụ huynh phân vân về việc tiêm vaccine cho trẻ em
Bài học chúng ta đã nhận thấy, việc giãn cách xã hội phải thực hiện hết sức nghiêm túc, nghiêm chỉnh thì chúng ta mới hạn chế được. Tất cả người dân phải có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch, thực hiện đúng khẩu hiệu 5K.
Khi tổ chức các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine thì việc đảm bảo an toàn cho những người tiêm vắc xin, lực lượng y tế, lấy mẫu xét nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu. Khuyến cáo của ngành y tế là phải đảm bảo an toàn trong lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vaccine.
"Hy vọng những bài học này được ngành y tế, ban chỉ đạo các địa phương, người dân ủng hộ để đảm bảo trong đợt dịch này an toàn cho bản thân, cộng đồng", Thứ trưởng Sơn nói.
Chia sẻ về cảm xúc cá nhân trong 5 tháng chống dịch, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết khoảnh khắc ông khó quên chính là ngày nhận được cuộc điện thoại từ lãnh đạo TP.HCM.
"Vị này trao đổi rất nhanh với tôi tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, rằng tôi có thể sắp xếp và nhận nhiệm vụ là Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 hay không. Thời điểm này, dịch diễn ra rất nhanh và chưa có Trung tâm hồi sức cấp cứu trung ương, chỉ có duy nhất Trung tâm hồi sức cấp cứu 1.000 giường tại TP.HCM".
Đối với PGS.TS Lê Minh Khôi - phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, 5 tháng chống dịch vừa qua có thể gói gọn trong một từ "bi tráng". Bởi vì, "bi" có nhiều mất mát, thương đau mà không tránh né được. "Tráng" là toàn bộ hệ thống chính trị từ đồng bào, thiện nguyện… vào trung tâm hồi sức hỗ trợ ngành y tế.
"Chúng ta đi qua nhiều thương đau nhưng cuối cùng vượt qua chính mình, vượt những khoảnh khắc đau thương nhất để thêm sức mạnh từ đồng bào, đồng đội, toàn bộ nhân dân để đi qua cuộc chiến này. Đó là cảm xúc có lẽ cả cuộc đời tôi sống và hành nghề y không bao giờ có được lần thứ 2", ông xúc động.
Tính đến thời điểm ngày hôm qua 17/10, Thứ trưởng Sơn thông tin, tỷ lệ tử vong tại TPHCM chỉ còn 36 ca, đây là lần đầu tiên xuống dưới con số 50.
"Đây là tín hiệu rất đáng mừng, số liệu bệnh nhân trở nặng ngày càng giảm, được kiểm soát. Tôi nghĩ hệ thống y tế thành phố và đơn vị hỗ trợ đang nỗ lực, cố gắng".

Cơ hội bình thường mới tại TP.HCM và miền Đông Nam Bộ

Dự báo thời gian tới sẽ có hàng ngàn người ngoài tỉnh vào TP.HCM làm ăn, sinh sống. Chính vì thế, việc quản lý đối với những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vaccine là một công tác không hề đơn giản.
Với những băn khoăn về việc hệ thống y tế chuẩn bị gì nếu những người nêu trên bị nhiễm dịch và lây chéo nhau, Thứ trưởng Sơn cũng nhắc lại 4 cấp độ khác nhau cấp độ 1 (vùng xanh), 2 (vùng cam), 3 (vàng) 4 (đỏ) vừa được Chính phủ ban hành.
Đại dịch COVID-19
Chủ tịch TP.HCM nói thành phố 'đang hồi sinh' và hiện tượng dòng người đổ về quê
Bởi trên thực thế, việc di chuyển, đi lại, đặc biệt với những người quay trở lại từ các địa phương về TP.HCM tham gia vào chuỗi sản xuất là hết sức cần thiết. Trách nhiệm của thành phố là xây dựng phương án linh hoạt đúng chỉ đạo của Thủ tướng để không cản trở các doanh nghiệp khi mở cửa lại, đồng thời đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Ông cũng cho biết hiện nay tại TP.HCM, một số lượng lớn công nhân, người lao động đã rục rịch trở về thành phố.
"Chúng tôi đã làm việc với thành phố, phải xây dựng kịch bản với người đến từ vùng xanh và vùng khác, người tiêm 2 mũi vắc xin, người đã có miễn dịch sẽ có ứng xử khác nhau", Thứ trưởng Sơn thông tin.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, việc áp dụng khái niệm "Zero COVID" cũng không tránh khỏi một số bất cập:

"Nếu thích ứng tốt sẽ đạt được kết quả tốt, nếu lơi lỏng, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không thực hiện 5K, tiêm vắc xin không đủ liều, tổ chức tụ tập...sẽ đánh mất cơ hội".

Quan điểm của Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo quốc gia là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả COVID-19. Đây là những điểm nhấn đã được hướng dẫn tại nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như quyết định 4800 của Bộ Y tế để thích ứng trong giai đoạn này.
Về cơ hội cho bình thường mới tại TP.HCM và Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết bình thường mới là một giai đoạn hết sức quan trọng đối với một quốc gia, thành phố, tỉnh thành.
Thực tế từ câu nói của ông Nguyễn Thiện Nhân: nước ta dành 2% GDP để chống dịch
Đối với cơ hội trong giai đoạn bình thường mới, chúng ta bắt đầu tái lập lại một số hoạt động. Cụ thể như đơn vị sản xuất kinh doanh trở lại, các đơn vị tổ chức giao thông, thương mại, dịch vụ, các cơ sở như trường học, chợ đầu mối, trung tâm thương mại sẽ được mở lại để phục vụ cho bà con, cô bác.
Chính vì những cơ hội này sẽ giúp cho đất nước chúng ta phục hồi lại nền kinh tế, phục hồi lại sự phát triển, tăng trưởng về kinh tế, đặc biệt là cho TP.HCM.
Sau giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, bị tổn thương về mặt tâm lý, tổn thương về mặt thể chất do bệnh tật cũng là một sức ép rất lớn cho xã hội, cộng đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, TP.HCM bắt đầu các hoạt động nhộn nhịp trở lại, tuy chưa hoàn toàn được như trước nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ các biện pháp chống dịch đi đúng hướng.

Việt Nam sẽ đối mặt như thế nào nếu có đợt dịch bùng phát lần thứ 5?

Đáng chú ý, trong buổi trò chuyện sáng nay, khi trả lời câu hỏi của độc giả về việc nếu có thêm một làn sóng dịch mới xảy ra tại Việt Nam thì tiêu chí tỉ lệ tử vong sẽ cố gắng hạn chế đến mức nào?
Liệu Bộ Y tế có kế hoạch đào tạo gì cho cộng đồng chủ yếu là lực lượng thanh niên tại chỗ về kỹ năng y tế trong sơ cấp cứu và hỗ trợ tiêm phòng hay không?
"Như chúng ta đã biết, kể cả tổ chức y tế thế giới và một số nước, chúng ta đang vật lộn với đợt dịch, không chỉ tại Việt Nam mà các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á".
Nguyễn Trường Sơn
Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam
Như vậy, chúng ta mong đợi tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất để đảm bảo an toàn nhất, thực hiện đúng trụ cột thứ ba là thu dung, điều trị, giảm bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong.
Ông Sơn cũng hy vọng thời gian tới với việc phủ vaccine, đảm bảo mức độ tạm miễn dịch cộng đồng lớn hơn 75% cho đối tượng trên 18 tuổi, tiếp tục chuẩn bị chương trình tiêm chủng vắc xin cho các em độ tuổi 12 - 18 tuổi, tăng cường năng lực của hệ thống điều trị y tế.
Đại dịch COVID-19
Bộ Y tế yêu cầu Hà Nội, TP.HCM báo cáo việc thu phí xét nghiệm Covid-19
Việc xây dựng nền y tế cộng đồng, trong đó mỗi người dân bên cạnh ý thức bảo vệ mình, cũng có ý thức khi người dân gặp tai nạn, hoạn nạn thì chúng ta cùng chung tay vào cấp cứu đúng theo những khuyến cáo, đảm bảo phát hiện sớm để có thể đưa đi thu dung, điều trị.
Phía Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu trước viện, không chỉ cho anh em bác sĩ, nhân viên y tế ngành y mà còn phổ biến ra cộng đồng thông qua Hội chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Mục đích là để xây dựng hệ thống các chiến sĩ tình nguyện trên tất cả lĩnh vực, các địa phương để cùng nhau chung tay phòng chống không chỉ dịch COVID-19, mà sau này khi trở về địa phương sẽ là những người cấp cứu đầu tiên cho những bệnh nhân bị tai nạn, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Những kỹ năng này sẽ giúp người dân thông qua hệ thống giáo dục đào tạo của y tế, bộ giáo dục đào tạo, chúng ta sẽ xây dựng được nền tảng y tế cộng đồng tốt cho hiện nay.
Thảo luận