Đại dịch COVID-19

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất kỷ luật lãnh đạo làm trái quy định Trung ương về chống dịch

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hôm nay: Cả nước phát hiện 3.168 ca nCoV, các từ khóa tìm kiếm về số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Phú Thọ tăng lên.
Sputnik
Ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất khi đã có Nghị quyết 128 thì phải thực hiện thống nhất trên cả nước, không thể để mỗi địa phương một kiểu. Nếu cần có thể kỷ luật lãnh đạo làm trái quy định của Trung ương về chống dịch.

Bộ Y tế: Thêm 3.168 ca Covid-19

Sputnik cập nhật tin tức mới về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam. Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 18/10, cả nước phát hiện thêm 3.168 ca dương tính tại 45 tỉnh thành phố, trong đó, các ổ dịch ở Phú Thọ hiện đang gây lo ngại vì chưa rõ nguồn lây.
Hệ thống quốc gia về quản lý ca bệnh Covid-19 ngày hôm nay chỉ ghi nhận 9 trường hợp nhập cảnh, còn lại là 3.159 ca nCoV lây nhiễm trong nước, giảm 16 trường hợp so với ngày 17/10.
Số ca Covid-19 tại các tỉnh phía nam tiếp tục giảm TP HCM (968), Bình Dương (439), Đồng Nai (393), Sóc Trăng (174), An Giang (109), Kiên Giang (99), Tiền Giang (94), Cà Mau (77), Long An (68), Đồng Tháp (61) thì ở miền Bắc, tình hình dịch tại Phú Thọ đang diễn biến phức tạp với thêm 58 người nhiễm SARS-CoV-2.
Đại dịch COVID-19
Nghiên cứu từ Việt Nam lý giải vì sao đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc Covid-19
Tính đến nay, Việt Nam đã có 867.221 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiều ca mắc nhất. Các địa phương có tình hình dịch nghiêm trọng nhất là TP.HCM (418.692), Bình Dương (225.853), Đồng Nai (59.015), Long An (33.806), Tiền Giang (15.105).
Về tình hình điều trị, Bộ Y tế hôm nay công bố thêm 1.136 ca khỏi bệnh, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên thành 792.980 người. Số ca bệnh nặng của Việt Nam hiện chỉ còn 3.543 người, trong đó, chỉ có 21 ca nguy kịch cần can thiệp ECMO và 534 ca thở máy xâm lấn.
Xét nghiệm cho người dân ở tổ 10, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình
Số ca tử vong của Việt Nam cũng giảm rõ rệt. Ngày 18/10 chỉ có 75 trường hợp tử vong, số ca tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 86. Số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 của Việt Nam hiện là 21.269 trường hợp. Với tỷ lệ tử vong 2,5%, Việt Nam đang xếp thứ 34/223 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Về tiến độ tiêm chủng vaccine, ngày 17/10 Việt Nam đã thực hiện tiêm được hơn 1,3 triệu liều vaccine Covid-19, nâng tổng số liều đã tiêm lên thành 63.434.180 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 45.281.937 liều, tiêm mũi 2 là 18.152.243 liều.

Phú Thọ xuất hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây

Trong bản tin chiều nay của Bộ Y tế nêu rõ một số thông tin, chỉ đạo quan trọng về tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo ngành Y tế tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.
Đại dịch COVID-19
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, phụ huynh phân vân về việc tiêm vaccine cho trẻ em
Bộ yêu cầu ngành y tế Phú Thọ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ, gồm cả người thân, giáo viên, học sinh Trường THCS Chu Hóa, Trường Tiểu học Chu Hóa; người tiếp xúc gần… tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện đang ở cấp độ 2 (số ca mắc mới là 2,6 ca/100.000 dân/tuần, tỷ lệ tiêm vaccine người từ 65 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu).
Cấp huyện: toàn tỉnh có huyện Lâm Thao, Phù Ninh và thành phố Việt Trì được đánh giá ở cấp độ 2. Các huyện, thị còn lại ở cấp độ 1 (không phát hiện ca mắc trong hai tuần qua). Ở cấp xã, toàn tỉnh có 1 xã được đánh giá ở cấp độ 4 (Chu Hóa - TP. Việt Trì); 1 xã được đánh giá ở cấp độ 3 (thị trấn Hùng Sơn huyện Lâm Thao). Có 9 xã được đánh giá ở cấp độ 2 và các xã/phường/thị trấn khác được đánh giá ở cấp độ 1.
Sở Y tế Phú Thọ trưa nay (18/10) thông báo ghi nhận thêm 38 ca dương tính với Covid-19. Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, từ ngày 13/10 đến 7 giờ ngày 18/10, trên địa bàn phát hiện 123 trường hợp mắc Covid-19, trong đó, trên địa bàn TP. Việt Trì 107 trường hợp (xã Chu Hoá 97, Gia Cẩm 1, Dữu Lâu 3, Vân Phú 1, Thanh Đình 2, Hy Cương 1, Thanh Miếu 1, Bạch Hạc 1). Tại huyện Lâm Thao 8 trường hợp (Thị trấn Hùng Sơn 7, Thị trấn Lâm Thao 1). Tại huyện Phù Ninh 8 trường hợp (xã Phù Ninh 7, thị trấn Phong Châu 1).
Đại dịch COVID-19
Việt Nam ghi nhận thêm 3.193 ca mắc Covid-19 tại 48 tỉnh, thành
Trong cuộc họp sáng nay, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tục quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp người dân ra vào tỉnh theo quy định. Quản lý chặt chẽ các khu vực phong toả để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Công an tỉnh, ngành y tế cùng các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ các địa phương truy vết, khoanh vùng và công tác phòng chống dịch.
Các tỉnh nằm gần với Phú Thọ như Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang đã nhanh chóng yêu cầu rà soát người về từ Phú Thọ. Tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch Lê Duy Thành yêu cầu rà soát, xét nghiệm, cách ly tại nhà người về từ Phú Thọ, đồng thời chỉ đạo các chốt kiểm soát hạn chế tối đa người đi từ Phú Thọ về và ngược lại.
Tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang cũng yêu cầu rà soát, xét nghiệm, cách ly người về từ Phú Thọ tính từ 1/10. Lãnh đạo địa phương vận động người dân không đến địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những ngày tới.
Lai Châu, Hòa Bình cũng yêu cầu người về từ Phú Thọ chủ động khai báo y tế tại các trạm y tế gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà.

Đề xuất kỷ luật lãnh đạo tỉnh làm trái quy định “thích ứng an toàn”

Buổi tọa đàm ngày 18/10 xung quanh Nghị quyết 128 hướng tới bình thường mới thu hút sự chú ý của dư luận.
Đáng chú ý, tại đây, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội đề xuất đình chỉ chức vụ hoặc cách chức lãnh đạo địa phương làm trái quy định của Chính phủ về “thích ứng an toàn” với Covid-19.
Theo ông Nhưỡng, Việt Nam đã phải chịu “cú sốc” lớn nhưng không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội.
“Nếu để mạch máu giao thông đứt gãy, cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết. Rất may, chúng ta không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Coi Nghị quyết 128 như “luồng gió” mới, tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, để lập ra được trật tự thì còn cả một vấn đề. Điển hình như việc các chốt kiểm soát liên tỉnh gây ra tình trạng cát cứ, hay vấn đề “trên bảo dưới không nghe” trong chỉ đạo, điều hành.
Theo Phó ban Dân nguyện, người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương và cho rằng chuyện này “rất khó hiểu”.
Đại dịch COVID-19
Thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng Covid-19
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, hông thể để xảy ra tình trạng Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ, làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và địa phương khác. Phó ban Dân nguyện cho hay, bản thân ông đã trực tiếp đến các chốt kiểm dịch liên tỉnh và nhận thấy, những chốt này “không có giá trị về mặt dịch tễ”, còn về mặt giao thông vận tải thì còn “tệ hơn”. Do đó, theo chuyên gia, cần xem lại vấn đề này khi thực hiện Nghị quyết về chính sách thích ứng an toàn.
“Các địa phương phải hiểu đúng nghị quyết, đánh giá đúng tình hình và quy định đúng bằng văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo cái khác”, ông Nhưỡng gay gắt.
Theo Phó ban Dân nguyện, nguyên tắc của Nghị quyết 128 là thống nhất toàn quốc, các địa phương không được cục bộ, cát cứ, ban hành quy định vượt mức cần thiết.
“Nếu địa phương không thực hiện theo quy định của Trung ương, cần có chế tài như đình chỉ, loại trừ, thậm chí có thể cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ để tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe”, ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất và nhấn mạnh nếu không làm được thì để người khác vào làm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, mỗi địa phương kiểm dịch một kiểu, soát việc đi lại của người dân một kiểu, tạo thành điểm nghẽn của người dân, doanh nghiệp. Theo chuyên gia, trước đây các chốt kiểm dịch được lập ra để kiểm soát về dịch tễ với người điều khiển phương tiện, chứ không phải kiểm tra phương tiện nhưng vẫn rất nhiều nơi nhầm.
Ông Thọ cho biết, ngành y tế quy định rất rõ ràng, nhưng các chốt kiểm dịch ở địa phương mỗi nơi một kiểu, gây bức xúc lớn. Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn chứng, một chốt kiểm soát dừng mỗi xe 5 phút trên đường để kiểm tra, thì hàng loạt xe khác phía sau phải dừng lại chờ đợi hàng giờ, kéo dài hàng km.
Đại dịch COVID-19
Dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em
Ngành y tế đã quy định giấy xét nghiệm cho tài xế có giá trị 72h, nhưng có địa phương chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm trong 24h, 48h. Thậm chí, cả nước ứng dụng công nghệ mã QR thì có nơi bắt cán bộ ngồi ghi từng số xe. Vì vậy, khi thích ứng an toàn, thì phải dứt khoát giải quyết bất cập này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các địa phương được linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nhưng không thể trái với quy định của Trung ương, gây ách tắc giao thông và cản trở người dân đi lại.
Theo đại diện Bộ Y tế, khi độ bao phủ vaccine trên cả nước đang tăng lên, việc chuyển hướng chiến lược từ “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn là phù hợp.
Giải pháp để thích ứng an toàn mà Thứ trưởng Tuyên đề cập là phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng hẹp nhất có thể, chỉ một vài hộ gia đình. Các địa phương hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng. F1 có thể được cách ly tại nhà, thay vì bắt buộc phải cách ly tập trung như trước.
Ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, từ Nghị quyết 128 phải có sự theo dõi, có đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương để xác định trách nhiệm.
“Nếu cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay chứ không chờ kết thúc chiến dịch mới làm. Anh ra trận mà không chỉ huy được thì rút ra cho người khác làm, nếu không chúng ta sẽ thua”, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Thảo luận