Việt Nam sắp xử Phạm Thị Đoan Trang

Vụ án của nữ nhà báo, blogger Phạm Thị Đoan Trang chống phá Nhà nước Việt Nam chuẩn bị được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử.
Sputnik
Phạm Thị Đoan Trang, blogger dân chủ được Bộ Công an Việt Nam xác định là có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, VOICE.

Khi nào xét xử Phạm Thị Đoan Trang?

Cơ quan chức năng của Việt Nam chuẩn bị đưa vụ án Phạm Thị Đoan Trang ra xét xử.
Theo đó, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đã quyết định ngày 4/11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c - Bộ luật Hinh sự năm 1999.
Việt Nam bắt blogger Phạm Thị Đoan Trang
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử blogger Phạm Thị Đoan Trang là bà Chử Phương Ngọc, các Hội thẩm nhân dân là ông Trương Việt Toàn và bà Nguyễn Thị Thúy.
Bà Phạm Thị Đoan Trang bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 7/10/2020. Thời điểm đó, bà Trang đang ở tại địa chỉ phòng 6, số 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, Quận 3, TP HCM.
Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Phạm Thị Đoan về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vì sao Phạm Thị Đoan Trang bị bắt?

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, Phạm Thị Đoan Trang được biết đến là một blogger và sở hữu trang Facebook có gần 70.000 lượt theo dõi.
Theo cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phạm Thị Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của nhà nước cũng như “phỉ báng chính quyền nhân dân”.
Vì sao Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt?
Cụ thể, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về Luật Tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền với luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền, thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quá trình làm việc với cơ quan Công an, Phạm Thị Đoan Trang xác nhận, mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Bị can Trang cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng Tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra.
Viện kiểm sát cáo buộc bị can Đoan Trang đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA).
Trong các bài phỏng vấn này, bà Trang có phát ngôn “tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”.
Theo nội dung cáo trạng, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phạm Thị Đoan Trang là ai?

Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, sinh 27/5/1978 tại Hà Nội), là một tác giả, blogger, nhà báo, và nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam
Phạm Thị Đoan Trang từng công tác cho các báo điện tử như VnExpress, Truyền hình Kỹ thuật số VTC, báo Vietnamnet, báo Pháp luật TP.HCM…
Theo Bộ Công an, sau khi bị báo Pháp luật TP.HCM buộc thôi việc vì xuất cảnh đi Philippines không xin phép, Trang bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động, chống đối của các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, VOICE. Phạm Thị Đoan Trang nổi lên là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”.
Kết quả điều tra cho thấy, từ việc hình thành Mạng lưới blogger, cho đến việc tham gia đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân vẽ ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc, nhằm vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền.
Việt Nam phạt tù Facebooker Chương may mắn
Bộ Công an khẳng định, Phạm Thị Đoan Trang thường xuyên cấu kết với các phần tử chống đối, phản động trong và ngoài nước; các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Việt Nam xác định thực chất đây là lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước.
Bị can Phạm Thị Đoan Trang cùng Trịnh Hội – đối tượng cầm đầu VOICE lập ra cái gọi là “Luật khoa tạp chí”, nhằm hướng đến chống lại hệ thống luật pháp Việt Nam. Phạm Thị Đoan Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn "kỹ năng", cách thức đối phó với cơ quan an ninh Việt Nam như Cẩm nang truyền thông”, “Cẩm nang pháp lý dành cho các bạn hoạt động xã hội”, “Từ facebook xuống đường”. “Anh Ba Sàm”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”,"Học chính sách công qua chuyện luật khu” nhằm kích động lật đổ chế độ.
Từ tháng 8/2018 đến khi bị bắt, Phạm Thị Đoan Trang huy động các đối tượng phản động của VOICE ở trong nước thành lập trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do” nhằm xuất bản các đầu sách “nâng cao dân trí” cho giới Dân chủ Việt.
Việt Nam tuyên án tù blogger ‘Bà Đầm Xòe’ Phạm Chí Thành
Với sự tài trợ của VOICE, Phạm Thị Đoan Trang cùng đám đàn em trong nhóm “Green Trees” gồm: Cao Vĩnh Thịnh, Nguyễn Trường Thịnh, Trần Vũ Anh Bình, Hoàng Thành Nhân, Đặng Vũ Lượng, Nguyễn Đình Hà tổ chức in lậu hàng ngàn cuốn sách.
Theo Bộ Công an, năm 2017, NGO PIN của Séc, là một tổ chức luôn có cái nhìn thù địch với Việt Nam đã công khai trao tặng đối tượng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini. Đến năm 2019 được Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF đề cử giải thưởng tự do báo chí.
Chính vì thế ngay sau khi Phạm Thị Đoan Trang bị bắt, các tổ chức mang danh nhân quyền, tự do này đều lập tức dùng nhiều chiêu bài cũ đòi trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang thông qua các tác động đa chiều, đặc biệt là tận dụng chuyến thăm của quan chức cấp cao chính quyền Mỹ (điển hình như chuyến công du của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hồi tháng 8) hay quan chức EU nhằm gây áp lực lên cơ quan chức năng của Việt Nam.
Thảo luận