Tờ «Tona Ilbo» của Hàn Quốc dẫn nguồn trong giới quân sự đưa tin rằng CHDCND Triều Tiên có thể đã thử tên lửa đạn đạo dành cho tàu ngầm (SLBM). Bình luận về vụ phóng này, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc làm rõ rằng Bắc Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn dành cho tàu ngầm, có khả năng bay vượt 430-450 km và đạt độ cao tối đa 60 km.
Phản ứng của các nước láng giềng
Theo lời chuyên gia Andrei Gubin, vụ phóng tên lửa này là sự tiếp nối hợp lý trong chính sách của Bình Nhưỡng, bắt đầu từ vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 2006, rồi các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ cơ sở trên mặt đất và cả tên lửa dành cho tàu ngầm.
«Đương nhiên, tất cả các nước láng giềng đều rất lo ngại về chuyện này, bao gồm cả Nga. Các nước chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên và không cảm thấy thích thú. Trong khi đó hiện vẫn không có quá nhiều cách để giải quyết tình trạng này. Mỗi nước phản ứng như họ thấy là cần thiết. Đáng chú ý nhất là việc chính quyền Nhật Bản thành lập Ban Tham mưu chống khủng hoảng và đang khẩn cấp phân tích thông tin», - chuyên gia Andrei Gubin nói.
Сhuyên gia Andrei Gubin nhận xét rằng người Nhật đã lập ra Ban Tham mưu này để nghiên cứu chi tiết, tìm hiểu xem đó là loại vũ khí gì, loại tên lửa nào, có mức độ đe dọa an ninh đến đâu.
«Vụ phóng thử vừa rồi thực sự là sự kiện cực bất thường. Không phải ngày nào Bắc Triều Tiên cũng phóng tên lửa dành cho tàu ngầm. Loại vũ khí này rất đặc biệt. Một chiếc tàu ngầm có thể ẩn kín dưới đáy nước, tự mình thực hiện cuộc tấn công bằng cách phóng thứ tên lửa này, mà chuyện phát hiện ra nó thì lại khá phức tạp. Điều đó làm tăng cao tính bất ngờ của cuộc tấn công tên lửa tiềm ẩn. Tất nhiên là Nhật Bản phải lo ngại», - chuyên gia Andrei Gubin nhận xét.