Trung Quốc hy vọng sẽ giúp ASEAN xây dựng cầu nối giao tiếp với Myanmar

Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing phản ứng trước việc ASEAN không mời ông tới dự Hội nghị cấp cao. Bất chấp mọi mâu thuẫn với Hiệp hội, chính quyền quân sự Myanmar vẫn quan tâm đến việc tiếp tục đối thoại ngoại giao. Trung Quốc sẽ tăng cường tham vấn với ASEAN để phá vỡ bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.
Sputnik
Chính phủ quân sự Myanmar cam kết vì hòa bình, tìm cách khôi phục trật tự, nhưng, bạo lực xảy ra tại Myanmar trong thời gian qua là do sự khiêu khích của các nhóm phiến quân, và ASEAN nên xem xét lại tình hình. Ông Min Aung Hlaing tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 18/10. Đây là phản ứng đầu tiên của người đứng đầu chính quyền quân sự trước quyết định của ASEAN loại ông Min Aung Hlaing ra khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp tới vào cuối tháng 10. Quyết định này đã được đưa ra vào tối ngày 15/10.

Ngày hôm sau, chính quyền Myanmar đã lên tiếng phản đối lập trường của ASEAN

Chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc Hiệp hội ASEAN vi phạm chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, đồng thời bày tỏ sự thất vọng tột độ vì quyết định về Myanmar đã được đưa ra mà không có sự đồng thuận trong ASEAN.
Việt Nam nói gì về khả năng Malaysia loại Myanmar khỏi hội nghị thượng đỉnh ASEAN?
Brunei, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã viện dẫn chính quyền quân sự Myanmar chưa thực hiện tốt đồng thuận 5 điểm nhằm khôi phục sự ổn định tại Myanmar, vốn đã được giới lãnh đạo Myanmar thống nhất với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4 vừa qua.
Phát phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Min Aung Hlaing mặc trang phục dân sự đã kêu gọi ASEAN làm việc để giải quyết vấn đề bạo lực do các nhóm khủng bố kích động. Thống tướng cho biết, chính quyền Myanmar muốn đặc phái viên của ASEAN đến thăm nước này theo thoả thuận, song một số yêu cầu là không thể thương lượng. Ông Min Aung Hlaing không nói chi tiết về bản chất của những bất đồng với ASEAN.
Không lâu sau bài phát biểu trên truyền hình, hơn 5.600 người Myanmar bị bắt trong các cuộc biểu tình suốt từ tháng 2 vừa qua đã được trả tự do, đài truyền hình quốc gia Myanmar đưa tin. Quyết định được đưa ra vì lý do nhân đạo.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar
Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, chuyên gia Aida Simonia, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng, bài phát biểu của tướng Min Aung Hliang phản ánh sự quan tâm của ông tới việc duy trì đối thoại với ASEAN.

“Điều rất quan trọng đối với ông Min Aung Hlaing là nhận được sự ủng hộ của các cơ quan ngoại giao, trước hết là từ các nước ASEAN. Việc trả tự do cho các tù nhân chính trị là một điều trong thỏa thuận 5 điểm của ASEAN. Trong khi đó, theo nhiều ước tính khác nhau, hiện nay ở Myanmar có khoảng 9 nghìn người bị bắt giữ. Đây là những người chống đối chế độ quân sự. Các nhà chức trách đã nhượng bộ một chút đối với ASEAN, điều này là tốt, nhưng trở ngại chính giữa các bên là ý muốn của đặc phái viên của ASEAN về Myanmar Erywan Yusof gặp bà Aung San Suu Kyi. Nhưng, ông Min Aung Hlaing không đồng ý. Thay vào đó, ông đề nghị tổ chức cuộc gặp với phó tổng thống và chủ tịch quốc hội. Nếu so sánh với bà Aung San Suu Kyi, những người này không phải là những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, đây không phải lả những người mà ông Erywan Yusof muốn gặp”.

Nhà ngoại giao này sẽ không đến thăm Myanmar trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào ngày 26-28 / 10, như đã biết sau cuộc họp cấp bộ trưởng. Một ngày trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với ông Erywan Yusof. Theo Tân Hoa xã, ông Vương Nghị nói rằng, Trung Quốc luôn ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc tăng cường đoàn kết nội bộ và giải quyết đúng đắn vấn đề Myanmar "thông qua ASEAN". Trung Quốc ủng hộ vai trò xây dựng của ASEAN trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình và chuyển đổi chính trị của Myanmar. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói thêm, Trung Quốc hy vọng rằng, Đặc phái viên ASEAN sẽ thăm Myanmar trong thời gian tới và sẽ đóng góp vào cuộc đàm phán hòa bình, được hướng dẫn bởi cách tiếp cận khách quan, thực dụng và có hệ thống.
Truyền thông phương Tây đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có cuộc điện đàm với ông Erywan Yusof trước cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN. Không có thông tin chi tiết, nhưng, chuẩn tướng Zaw Min Tun - phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar đã nói rằng, "sự can thiệp" từ các nước bên ngoài ASEAN cũng là một yếu tố dẫn tới quyết định của cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN.
Trưởng nhóm thông tin của Hội đồng hành chính nhà nước, Thiếu tướng Myanmar Zaw Min Tun.
Chuyên gia Aida Simonia cho rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ngoại giao trước thềm hội nghị cấp cao ASEAN dự kiến ​​đánh giá tình hình Myanmar:

“Cuộc chiến ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục và sẽ leo thăng cho đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Mỗi bên đều làm những gì họ có thể. ASEAN, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều quan tâm đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, nhưng mỗi bên đang hành động vì lợi ích riêng của mình. Trung Quốc sẽ không cho phép sử dụng một giải pháp theo kịch bản Mỹ để phá vỡ bế tắc ở Myanmar. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế và tầm ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh ở đất nước này”.

Ngày 18/10, chính phủ bóng tối của Myanmar được thành lập bởi những người phản đối chính quyền quân sự, đã ra thông cáo hoan nghênh quyết định của ASEAN không mời ông Min Aung Hlaing tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Đồng thời, họ đồng ý để ASEAN gửi lời mời cho một đại diện của Myanmar ở thế "trung lập". Chính phủ bóng tối mà chính quyền quân sự coi là “những kẻ khủng bố”, cảnh báo rằng "nhân vật phi chính trị" mà ASEAN muốn mời đến hội nghị thượng đỉnh không nên là một đại diện trá hình của chế độ cầm quyền.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận