Tuy nhiên, việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với mức sống của người dân, với quy mô nền kinh tế và túi tiền của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Lào sắp vận hành đoàn tàu cao tốc Triệu Voi do Trung Quốc chế tạo
Lào, quốc gia láng giềng của Việt Nam, vừa tiếp nhận đoàn tàu cao tốc Lane Xang (Triệu Voi) đầu tiên từ Trung Quốc.
Nhờ đoàn tàu cao tốc Triệu Voi dự án đường sắt Lào – Trung này, thời gian đi từ thủ đô Vientiane (Viêng Chăn) đến biên giới Trung Quốc được rút ngắn từ 48 tiếng xuống còn chỉ 3 giờ đồng hồ.
Đây là dự án đầu tiên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hoàn thành ở khu vực Đông Nam Á với kỳ vọng kết nối Côn Minh, Trung Quốc tới Lào, Thái Lan, rồi sang Malaysia, Singapore thông qua tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500km.
Tàu điện động lực phân tán (EMU) Lane Xang (Triệu Voi) đạt vận tốc tối đa 160km/h, gồm 9 toa, 720 ghế do Trung Quốc thiết kế và chế tạo cho Lào. Các toa đều được trang bị hiện đại với máy lãnh rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, ổ điện được lắp theo tiêu chuẩn của Trung Quốc và Lào.
Theo tài liệu xây dựng dự án đường sắt Lào – Trung, tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh – Vientiane này có tổng cộng 33 ga, trong đó 21 ga được mở trong giai đoạn đầu và 12 nhà ga được phát triển tiếp trong giai đoạn sau. Trong số 33 nhà ga, có 11 ga hành khách và hàng hóa cùng nhau, một ga chuyên dụng tại thủ đô Vientiane.
Việc tiếp nhận đoàn tàu cao tốc Triệu Voi này nằm trong khuôn khổ dự án đường sắt giữa hai nước. Tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh – Vientiane được kỳ vọng sẽ tạo có hích lớn cho kinh tế Lào.
Tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung Quốc, khởi công từ năm 2016, dài 414km, kéo từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới thủ đô Vientiane, hợp đồng ban đầu trị giá 1,2 tỷ USD.
Dự án này do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công, và cũng có nét tương đồng như dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông tại Việt Nam, sau 5 năm thi công, tổng giá trị đã tăng lên gần 6 tỷ USD.
Đoàn tàu Triệu Voi sẽ khởi hành từ thành phố Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, Trung Quốc tới thủ đô Vientiane của Lào dưới sự giám sát của Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc. Sau khi hoàn tất chạy thử nghiệm và kiểm tra kỹ thuật, đoàn tàu Triệu Voi dự kiến sẽ vận hành vào đúng dịp Quốc khánh Lào ngày 2/12 tới đây.
Giá trị kinh tế tỷ đô từ tuyến đường sắt Lào - Trung
Tuy nhiên, những giá trị kinh tế mà dự án này đem đến cho Trung Quốc và Lào là vô cùng to lớn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh – Vientiane này có thể giúp tăng lưu lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Lào từ 1,2 triệu tấn hàng hóa năm 2016 lên mức 3,7 triệu tấn vào năm 2030.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020 cũng cho thấy, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung có thể giảm 40-50% chi phí vận tải giữa Côn Minh với Vientiane và giữa Côn Minh với cảng Laem Chabang của Thái Lan.
Cùng với đó, thời gian di chuyển bằng tàu từ Vientiane đến Boten giáp ranh Trung Quốc được rút ngắn chỉ còn 4 tiếng thay vì phải mất 15 tiếng đi ô tô bằng đường bộ.
Dự án được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Lào, các hoạt động thương mại sẽ trở nên thuận tiện và mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng cường sự kết nối và phục hồi của quốc gia này thời kỳ hậu đại dịch.
Bộ trưởng Bộ Công chính và Giao thông Lào Viengsavath Siphandone nhấn mạnh, việc thiết kế chế tạo đoàn tàu cao tốc Xane Lang (Triệu Voi) là phần quan trọng trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Lào – Trung, được chính quyền Vientiane rất coi trọng.
“Lào đã bước sang một kỷ nguyên mới của vận tải đường sắt và hiện đại hóa ngành giao thông vận tải”, Bộ trưởng Viengsavath Siphandone tự hào nói.
Từ Boten, tàu sẽ tiếp nối tuyến đường sắt dàu 595km tới Côn Minh, Vân Nam. Còn từ Vientiane, đoàn tàu sẽ nối một phần với đường sắt Thái Lan, đi thẳng đến Bangkok thông qua Viengsavath Siphandone. Tuyến đường sắt đầy triển vọng này mở ra kỷ nguyên phát triển kinh tế rất mới và rộng mở cho Lào.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Lào (LNCCI), Valy Vetsapong khẳng định với tờ Vientiane Times hôm 18/10 cho biết, tuyến đường sắt Lào – Trung sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Lào, tạo động lực to tớn cho việc tăng tính kết nối giữa Lào, một quốc gia không giáp biển, với các nước khác trong khu vực.
“Nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ chuyển sang xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là nông sản, do đường sắt giúp tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Tuyến đường sắt Lào – Trung sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến”, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào khẳng định.
Chuyên gia: Có nhiều yếu tố để Việt Nam học hỏi
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nổi tiếng của Việt Nam, người từng có những chia sẻ “gan ruột”, thẳng thắn về dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông, cho rằng, dự án đường sắt Lào – Trung, hay việc chuẩn bị vận hành đoàn tàu cao tốc Xane Lang (Triệu Voi) của Lào có nhiều yếu tố để Việt Nam học hỏi.
TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, tuyến đường sắt đầu tiên của Lào được coi như yết hầu nối thị trường lớn của Trung Quốc với Vientiane, đó là hướng đi đúng, cho thấy tầm nhìn của nước bạn.
“Với Việt Nam, có một điều hơi chua xót là chúng ta bỏ bê phát triển đường sắt mà chỉ tập trung phát triển đường bộ cao tốc. Tôi không chê trách vấn đề đó nhưng phải nói rằng chúng ta thiếu tầm nhìn trong việc phát triển đường sắt”, TS. Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.
Chuyên gia phân tích, với một đất nước gần 100 triệu dân, có chiều dài hàng nghìn km, đường sắt là rất quan trọng. Bởi đường sắt có nhiều ưu điểm, năng lực vận tải rất lớn, hiệu quả kinh tế cao. Trao đổi với VTC, ông Thủy cho rằng, lâu nay Việt Nam chỉ tập trung cho đường bộ là chủ yếu. Việc đầu tư không đúng mức làm cho vận tải đường sắt ngày càng lạc hậu và không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác là điều hết sức đáng tiếc.
Số liệu thống kê cho thấy, khối lượng vận tải bằng đường sắt ở Việt Nam hiện rất thấp, thị phần đường sắt cả hàng hóa và hành khách chỉ chiếm dưới 1%, trong khi cơ cấu vận tải hành khách hiện nay, đường bộ chiếm tỷ lệ 72%, hàng không 22%.
Chuyên gia giao thông này cho rằng, điều này ngược với các nước phát triển trên thế giới là vận tải bằng đường sắt bao giờ cũng cao hơn đường bộ. Ông Thủy chỉ rõ, ở các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc, thông thường, di chuyển từ 300 - 400 km trở lên hầu hết sẽ đi bằng đường sắt thay vì chọn đường bộ.
“Chiến lược phát triển đường sắt của chúng ta quá chậm. Chúng ta cần rút ra bài học cho mình, cần một chiến lược phát triển hợp lý hơn, bài bản hơn, dài hơi hơn”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Việt Nam cần có chiến lược phát triển đường sắt tốc độ cao
Đối với chiến lược phát triển ngành đường sắt Việt Nam, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khẳng định, cần phát triển đường sắt tốc độ cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mang đến nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Theo Chủ tịch VNR, đã đến lúc Việt Nam xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Bởi nếu còn chần chừ, lưỡng lự thì sẽ bỏ lỡ thời cơ vàng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cùng năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Cá nhân tôi cho rằng, đã đến thời điểm để đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Đây cũng là phương thức vận tải an toàn nhất, giá thành rẻ nhất so với các phương thức vận tải khác”, ông Vũ Anh Minh nêu quan điểm.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực đường sắt sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội cũng như giảm chi phí logictisc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Liên quan đến lo ngại chi phí cao, hiệu quả chưa chắc được như mong đợi, ông Vũ Anh Minh bày tỏ, cần tính toán lại. Theo đó, ngoài chi phí tạo nên con đường thì cũng phải tính cả lợi ích do đường sắt tốc độ cao mang lại như giảm chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, hỗ trợ kết nối giao thông vận tải toàn quốc tối ưu hơn.
Theo Chủ tịch VNR, cần phải cân nhắc tất cả các yếu tố đó, để xem có thực sự tốn kém hơn hay không. Ông Minh nhấn mạnh, nhìn ra thế giới, ở các nước phát triển họ đều đầu tư cho đường sắt, khẳng định tính ưu việt của nó.
“Tôi cho rằng Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải giải quyết tất ý kiến cũng như các phản biện để thuyết phục người dân, cũng như các cơ quan chức năng, chính là bằng số liệu trong các dự án đó”, ông Vũ Anh Minh lưu ý.
Bàn về tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, trước sau gì cũng cần có đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tức là tốc độ 350-400 km/h hay thậm chí sau này sẽ là 500km/h.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia, việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với mức sống của người dân, với quy mô nền kinh tế và túi tiền của quốc gia ở thời điểm hiện tại.
Ông Thủy nhắc lại, trong tương lai, đường sắt cao tốc Bắc – Nam là mạch máu chính của nền kinh tế xã hội chứ không phải đường bộ cao tốc.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng có góc nhìn tương tự. Theo vị chuyên gia, đường sắt cao tốc sẽ là tương lai của ngành giao thông bởi thế mạnh vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hiệu quả kinh tế, an toàn, đúng giờ và có thể đạt vận tốc cao. Do đó, theo PGS.TS Thịnh, việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam là cần thiết và kỳ vọng đó sẽ là đòn bẩy làm thay đổi thị phần vận tải, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc đầu tư phát triển ngành đường sắt Việt Nam thời gian quá thấp so với nhu cầu và so các phương thức khác, cho nên hiện tại đang bị tụt hậu rất xa và càng khó thu hút người dân sử dụng.
“Với riêng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam chúng ta bàn nhiều, nghiên cứu nhiều nhưng cuối cùng vẫn ở trên giấy và chưa biết khi nào mới có thể khởi công”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói nhấn mạnh sự trì trệ, chần chừ này sẽ đánh mất nhiều cơ hội phát triển kinh tế của Việt Nam.
Kỳ vọng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và giấc mơ “ăn sáng Hà Nội – ăn tối Sài Gòn” sẽ không còn xa khi Bộ GTVT đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,7 tỷ USD.
Chính phủ cũng đã giao Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và khẩn trương thẩm định theo đúng quy định của pháp luật để tìm phương án tốt nhất, phù hợp nhất với tình thế Việt Nam hiện tại.