Vietnam Airlines lỗ nặng ra sao mà phải bán bớt tàu bay?

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA (mã HVN) vừa công bố mức nợ quá hạn, tình hình kinh doanh ghi nhận mức lỗ nặng, phải bán bớt tàu bay để trả nợ.
Sputnik
Vietnam Airlines cũng sắp khôi phục gần như toàn bộ mạng bay với 40 chặng nội địa trong bối cảnh nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Lỗ nặng, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn bao nhiêu?

Vừa qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines/VNA – Mã: HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 đã soát xét bởi Công ty Kiểm toán Deloitte.
Theo báo cáo mới công bố, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế 8.622 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và tăng gần 2.000 tỷ so với số lỗ 5.263 tỷ của nửa đầu năm ngoái.
Vốn chủ sở hữu tại ngày cuối tháng 6 là âm 2.787 tỷ, lỗ lũy kế 17.808 tỷ. Cũng theo đơn vị Kiểm toán – Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cơ quan này nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines 'ế' gần 4 triệu cổ phiếu, đề xuất được 'đặc cách'
Ngoài việc âm vốn lũy kế, đơn vị kiểm toán Deloitte còn chỉ ra việc nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 30/6 vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34.664 tỷ đồng, trong khi ngày cuối năm 2020 chỉ vượt 24.456 tỷ.
Đồng thời, các khoản phải trả quá hạn lên tới 14.805 tỷ, cao gấp 2,2 lần 6 tháng trước đó. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ.
Công ty Deloitte cũng nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính, hoạt động sản xuất của Vietnam Airlines.
Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh rằng, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.
Phía sau việc Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản
Đáng chú ý, báo cáo tài chính soát xét của Công ty Deloitte cũng điều chỉnh một số số liệu so với báo cáo do Vietnam Airlines tự lập trước đó như giá vốn hàng bán giảm 76 tỷ đồng, chi phía tài chính tăng thêm 113 tỷ đồng, điều này khiến số lỗ của Vietnam Airlines tăng thêm 37 tỷ đồng.
Trước đó, theo quy định tại Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính, Vietnam Airlines phải nộp báo cáo này chậm nhất vào ngày 15/8. Tuy nhiên phía Vietnam Airlines đã xin gia hạn với lý do quá trình lập cũng như soát xét báo cáo gặp khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Để giải quyết các khó khăn về tài chính trong bối cảnh hiện nay, Tổng Công ty hàng không Việt Nam đã tiến hành một số thương vụ thanh lý máy bay, bán và cho thuê lại máy bay, thanh lý nhiều khoản đầu tư. Đặc biệt, Vietnam Airlines đã tìm được đối tác mua hai tàu bay trong số 11 chiếc Airbus A321 CEO rao bán trong năm nay. Đến tháng 7, các đối tác đã hoàn thành việc tạm ứng một phần giá trị hợp đồng dự kiến cho Vietnam Airlines.
Phía Vietnam Airlines cũng có kế hoạch bán 9 tàu bay còn lại trong năm 2021. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng có chủ trương bán 6 tàu bay cánh quạt ATR-72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực (regional jet).

Vietnam Airlines Group sắp khôi phục toàn bộ mạng bay

Trước tình hình nhiều địa phương nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại, nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, Vietnam Airlines Group khẳng định nỗ lực khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa sau ngày 20/10.
Vietnam Airlines Group bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO. Dự kiến, các hãng sẽ chính thức mở bán vé rộng rãi ngay từ hôm nay 20/10, sau khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.
Vì sao Vietnam Airlines rao bán 11 máy bay Airbus?
Theo kế hoạch, từ ngày 21/10-30/11, Vietnam Airlines Group dự kiến khai thác gần 40 đường bay trên cả nước, gần bằng mức tổng số đường bay trước khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021.
Doanh nghiệp cũng nêu rõ, so với giai đoạn thí điểm, nhiều đường bay được mở lại kết nối tới các điểm đến mới như Côn Đảo, Ðiện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng.
Phía Vietnam Airlines Group cũng thông tin, tần suất các đường bay cũng được bố trí tăng dần qua từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trước mắt, dự kiến Vietnam Airlines Group sẽ khai thác hơn 90 chuyến/ngày từ 21/10, sau đó tăng lên gần 120 chuyến/ngày từ cuối tháng 10 đến tháng 11 tùy theo tình hình tiếp theo.
Đối với các đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Vietnam Airlines sẽ có kế hoạch khai thác 2 chuyến/ngày trong khi đó Pacific Airlines khai thác một chuyến/ngày. Riêng với các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với các địa phương khác, Vietnam Airlines dự kiến khai thác 25 đường bay với tần suất tối thiểu 1 chuyến/ngày, sau đó có thể tiếp tục tăng lên 2 chuyến/ngày với một số đường bay có dự báo dung lượng khách lớn. Còn Pacific Airlines cũng dự kiến nối lại các đường bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Quy Nhơn, Huế, Phú Quốc, Chu Lai, Đồng Hới.
Vietnam Airlines chủ động "đón đầu xu thế" trong mùa dịch Covid-19
Vietnam Airlines cũng có kế hoạch khôi phục 5 đường bay giữa Đà Nẵng – Hải Phòng, Buôn Ma Thuật, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt từ giữa tháng 11. Những đường bay còn lại sẽ do VASCO khai thác, dự kiến bao gồm các đường giữa Hà Nội và Điện Biên, giữa TP HCM và Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ - Côn Đảo.
“Tùy theo tình hình dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách cũng như các địa phương, kế hoạch khai thác trên của Vietnam Airlines Group có thể được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, Vietnam Airlines Group nêu rõ.
Trước đó, trong khoảng 11 ngày thí điểm khôi phục hoạt động chở khách nội địa (từ 10/10-20/10), Vietnam Airlines Group khai thác tổng cộng 16 đường bay, ước thực hiện 150 chuyến bay và vận chuyển gần 12.000 lượt khách
Như chúng tôi đã thông tin, Bộ GTVT đã đề xuất, dự kiến từ ngày 21/10, hành khách đi máy bay sẽ không cần ngồi giãn cách ghế đồng thời cần đáp ứng một trong các điều kiện sau để được vận chuyển như chứng nhận tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng trước ngày khởi hành, hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng trước ngày khởi hành; có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành.
Đối với hành khách cư trú, lưu trú hoặc xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), hành khách cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ trước thời điểm bay.
Thảo luận