Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 877.537 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21/10 là: 1.541 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 798.124.
Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 77 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.487 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng số liều đã được tiêm là 68.809.880 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 49.352.317 liều, tiêm mũi 2 là 19.457.563 liều.
‘Cảnh giác với dịch nhưng cũng không thể đóng cửa mãi’
Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch và kế hoạch ngân sách nhà nước.
Nêu vấn đề quản trị đất nước 100 triệu dân là rất khó khăn, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh và điều kiện đất nước hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải hết sức chú ý về quản trị.
Đánh giá cao sự cố gắng của toàn dân, lực lượng tuyến đầu đã xông pha trận mạc, vất vả, song với tình hình hiện nay khi nhiều nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch nước cho rằng không được chủ quan hay đơn giản hóa, với điều kiện kiên quyết vẫn là 5K + vaccine.
Đặc biệt khi vừa qua xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chủ tịch nước cho rằng Chính phủ cần phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau.
Chủ tịch nước lưu ý cùng với việc đề cao cảnh giác thì cũng không thể đóng cửa mãi đất nước, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:
"Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, đặc biệt là năm 2022, tăng GDP 6-6,5%".
Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội như tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương, Chủ tịch nước cho rằng cần phải trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho khám chữa bệnh COVID-19.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay cử tri, nhân dân cả nước đang mong đợi quyết sách về công tác phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, về phòng chống dịch cần phải thay đổi tư duy, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine.