Chuyên trang về thị trường tài chính The Armchair Trader cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có khả năng chống chọi tốt với đại dịch Covid-19 với nền tảng kinh tế rất mạnh và sẽ ngày càng tốt lên khi được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc.
The Armchair Trader: Việt Nam có nền tảng kinh tế rất mạnh
Việt Nam tiếp tục được đánh giá có nền tảng kinh tế mạnh, triển vọng phát triển lạc quan, là một trong những thị trường mới nổi tốt nhất thế giới hậu Covid-19.
Cụ thể, Stuart Fieldhouse, chuyên gia tài chính marketing, biên tập viên nhóm tư vấn quản lý tài sản của Financial Times, gồm cả thị trường vốn và ngân hàng tư nhân quốc tế, sáng lập viên tạp chí tập trung vào quỹ phòng hộ toàn cầu The Hedge Fund đã chỉ ra rất nhiều thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong bài phân tích đăng trên chuyên trang về thị trường tài chính The Armchair Trader.
Theo đó, ông The Armchair Trader khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu đáng lưu ý nhất bên ngoài thị trường Trung Quốc.
“Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có khả năng chống chọi tốt với đại dịch Covid-19 và được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong khu vực khi Bắc Kinh hứng hệ lụy vì xung đột thương chiến Mỹ - Trung”, The Armchair Trader nhận xét.
Theo tác giả Stuart Fieldhouse, nếu nhà đầu tư đang có ý định chuyển hàng hóa, tài sản, dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc, thì hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc đầu tư vào Việt Nam.
Vietnam Holding, quỹ đầu tư niêm yết tại London, chuyên tập trung đầu tư vào các công ty tăng trưởng cao có trụ sở tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi tốt nhất trên thế giới khi đại dịch qua đi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ấn tượng
Thực tế, như Sputnik đã đề cập và phân tích trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất châu Á, có mức tăng trưởng ấn tượng hơn 23% trong năm nay.
“Vietnam Holding (LSE: VNH) đã và đang cho các giới đầu tư thấy khả năng phát triển, tăng trưởng tuyệt với với đà tăng giá cổ phiếu đáng kinh ngạc trong suốt 12 tháng qua”, chuyên trang thị trường tài chính nhấn mạnh.
Vietnam Holding có danh mục đầu tư đa dạng gồm các đơn vị đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng NAV (Net Asset Value – chỉ số giá trị tài sản thuần) của mình, bao gồm CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), Công ty TNHH đầu tư thương mại DIGIWORLD và ông vua làng thép Việt – Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Dynam Capital Management, quản lý Quỹ Vietnam Holding Limited chia sẻ, dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, sự nhập cuộc của các nhà đầu tư bán lẻ đã hỗ trợ đáng kể cho thị trường.
“Việt Nam hiện có hơn 4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, chiếm khoảng 3% dân số cả nước”, theo Dynam Capital Management.
The Armchair Trader cũng điểm lại những thành tựu của Dynam Capital Management với những con số tăng trưởng tuyệt vời.
Trong đó, đơn vị quản lý Quỹ Vietnam Holding Limited đạt mức tăng 611% trong 10 năm, tăng 58% trong vòng ba năm và tăng rất mạnh 103% trong 12 tháng qua.
Theo The Armchair Trader, mức tăng của Việt Nam vượt trội hơn hẳn so với các thị trường mới nổi khác ở châu Á trong vòng 1 năm qua.
Quỹ tín thác của Vietnam Holding hiện vẫn đang nắm giữ khá nhiều khoản tín dụng quan trọng –khoảng 30%. Các cổ phiếu hiện đơn vị này đang sở hữu theo báo cáo ngày 31/8 bao gồm FPT Corp (7%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (4,9%), Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (4,8%), CTCP Vinhomes (4,8%) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (4,4%).
The Armchair Trader nhấn mạnh dịch vụ tài chính vẫn là lĩnh vực phân bổ lớn nhất. Đồng thời, điều này không có gì đáng ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực trên ở Việt Nam trong thập kỷ qua.
Việt Nam có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc
Cùng với đó, theo Vietnam Holding, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục giữ được đà phát triển tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ.
Theo The Armchair Trader, Việt Nam vẫn là nền kinh tế châu Á phát triển nhanh chóng và không phải đối mặt với các vấn đề đại dịch như một số quốc gia khác.
“Tăng trưởng GDP vững chắc và dân số đông đã tiếp sức cho Việt Nam cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp nặng với Trung Quốc, đặc biệt khi Bắc Kinh gặp phải loạt vấn đề cơ cấu trong 5 năm tới”, chuyên trang thị trường tài chính nêu rõ.
Cũng như Sputnik thông tin trước đó, hồi tháng 7 năm nay, trong Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), với số vốn FDI 16 tỷ USD năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới, đồng thời tiếp tục được các nhà đầu tư đặt trọn niềm tin vào khả năng phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19.